Thông tin từ Vietnambiz, giá lợn hơi ở miền Bắc tăng trong khi ở miền Trung và Nam ổn định. Cụ thể như sau:

Tại miền Bắc giá tăng
Giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay có xu hướng tăng. Trong đó, Bắc Giang tăng 2.000 đồng/kg và Vĩnh Phúc tăng 3.000 đồng/kg, cùng lên 95.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung cùng được ghi nhận tại Hà Nam dù địa phương này vẫn đứng giá. Cùng trạng thái không thay đổi là giá lợn tại Phú Thọ, Thái Bình, Hưng Yên và Tuyên Quang vẫn ở mức 94.000 đồng/kg. Tiếp theo là tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Bắc Giang và Tuyên Quang ổn định 93.000 đồng/kg. Nam Định, Vĩnh Phúc và Ninh Bình cùng đạt 92.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay vẫn giao dịch trong vùng giá 92.000 - 95.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên không đổi so với hai ngày qua. Trong đó Quảng Nam, Thanh Hoá, Nghệ An và Lâm Đồng 90.000 đồng/kg; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận ổn định ở mức 87.000 - 88.000 đồng/kg; Bình Định và Đắk Lắk 85.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục nằm trong khoảng 85.000 - 90.000 đồng/kg.
Tại miền Nam chạm mốc 95.000 đồng/kg
Giá lợn hơi miền Nam hôm nay ổn định, tại Đồng Nai 95.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh ổn định ở mức 92.000 đồng/kg. Ngoài ra mức giá phổ biến của vùng vẫn được duy trì tại phần lớn các địa phương là Bình Phước, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre và Sóc Trăng, cùng ở mức 90.000 đồng/kg; Kiên Giang và An Giang tiếp tục trong khoảng 88.000 - 89.000 đồng/kg, là mức giá thấp nhất của khu vực này trong mấy ngày qua. Theo đó, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam vẫn ổn định với mức giao dịch trong khoảng 88.000 - 95.000 đồng/kg.
Tiếp tục nhập khẩu lợn để nhân giống, phục vụ tái đàn từ nay đến cuối năm
Theo vov.vn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sẽ tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ để nhân giống, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn.
Kiểm tra công tác kiểm dịch lợn nái hậu bị vừa nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam tại khu cách ly kiểm dịch động vật trên địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh trong đêm 12/5 và sáng 13/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, trong bối cảnh nguồn cung con giống trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, sẽ tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ để đáp ứng con giống phục vụ khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn.
Nhập khẩu lợn nái hậu bị được thực hiện giữa công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức của Việt Nam thông qua ký kết hợp đồng với công ty Inspired Nutrient - công ty sản xuất lợn giống của Thái Lan liên kết với Đan Mạch. Lô lợn nhập khẩu vừa về đến Việt Nam gồm 250 con trong tổng số 20 nghìn con lợn nái và 200 lợn đực giống mà doanh nghiệp sẽ nhập về trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sẽ tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ để nhân giống, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn.
Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức cho biết, dự kiến từ nay đến tháng 8 doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc nhập khẩu toàn bộ lợn này.
Ước tính với chu kỳ khoảng 5 tháng sau khi lợn nái nhập khẩu sinh sản thì đến tháng 12 năm nay, doanh nghiệp này không những đủ con giống để tăng đàn và tái đàn cho các trang trại trong hệ thống mà còn cung cấp con giống ra thị trường đáp ứng nhu cầu tái đàn cho các gia trại, trang trại ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Vĩnh Phúc.
“Trong số 20.000 lợn nái nhập về theo kế hoạch có một nửa phục vụ việc tái đàn của doanh nghiệp số còn lại sẽ cung cấp ra thị trường để phục vụ tái đàn ở các nông hộ, gia trại và trang trại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Việc nhập giống về trước hết đáp ứng cung cầu về giống và bình ổn giá thịt lợn. Khi đàn nái bố mẹ được nhập về sản xuất ra con giống sẽ đáp ứng từng bước nhu cầu giống đang thiếu hụt hiện nay, qua đó giảm giá bán lợn giống cũng như đáp ứng nhu cầu con giống cho các gia trại, trang trại hiện nay của doanh nghiệp và các địa phương để tăng quy mô đàn lợn giống và lợn thịt, từng bước đáp ứng nhu cầu thịt lợn vào quý 3 và quý 4 trong năm nay”.

Nguồn: VITIC