Tại miền Bắc giá giảm tới 2.000 đ/kg
Tại Nam Định, giá lợn hơi giảm 1.000 - 2.000 đ/kg xuống 44.000 - 45.000 đ/kg; Hưng Yên giảm 500 - 1.000 đ/kg xuống 46.000 - 47.500 đ/kg; tại Hà Nam dao động 42.000 - 47.000 đ/kg; tại Thái Nguyên, Ninh Bình đạt 48.000 - 49.000 đ/kg đối với lợn đẹp; còn tại Tuyên Quang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang giá 46.000 - 47.000 đ/kg; tại Hoà Bình, Hải Phòng được thu mua 44.000 - 46.000 đ/kg.
Theo TTXVN, chỉ trong một tháng qua đã có hơn 1.500 chuyến xe chở lợn từ các tỉnh, thành phía Nam qua trạm kiểm dịch Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) ra Bắc, nguyên nhân do chênh lệch giá giữa miền Nam và miền Bắc, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nguồn cung khan hiếm; tuy nhiên, điều này đang phần nào ảnh hưởng tới biến động của giá lợn miền Bắc.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm nhẹ
Giá lợn hơi tại Thanh Hoá giảm 1.000 đồng xuống 40.000 - 44.000 đ/kg; Đắk Nông giảm tương tự xuống 39.000 - 41.000 đ/kg; các địa phương khác giá không thay đổi so với cuối tuần trước; trong đó, Hà Tĩnh, Nghệ An đạt 45.000 đ/kg; Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuật đạt 40.000 - 41.000 đ/kg; tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giá 32.000 - 35.000 đ/kg.
Tại miền Nam lặng sóng
Giá lợn hơi tại khu vực vẫn ổn định so với cuối tuần trước, dao động phổ biến trong khoảng 36.000 - 38.000 đ/kg. Các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu, An Giang, Bến Tre, Hậu Giang đạt 39.000 - 42.000 đ/kg; trung bình toàn khu vực, giá lợn hơi đạt khoảng 37.000 đ/kg; mặc dù vậy, lượng lợn về chợ đầu mối vẫn rất lớn.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 21/9/2019 lên tới 6.800 đ/kg và tình hình buôn bán của thương lái không tốt.
5 triệu con lợn đã bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi
Trang Vietnambiz.vn đưa tin, theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, tính đến ngày 23/9/2019, dịch tả lợn châu Phi đã lan tới hơn 7.600 xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị tiêu hủy đã lên tới 5 triệu con. Theo số liệu từ Cục Thú y, tổng đàn lợn Việt Nam năm 2019 là trên 30 triệu con. Như vậy, lượng lợn chết chiếm khoảng 1/6 tổng lượng lợn trên cả nước.
Bình luận trước con số tiêu hủy đã lên tới 5 triệu con, ông Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng điều này chắc chắn tác động lớn người chăn nuôi và rộng hơn là ảnh hưởng tới an ninh lương lực của Việt Nam.
Ông Đông cho biết do đặc tính các họ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, với 2,5 triệu hộ, chiếm 49% tổng đàn và 40% nguồn cung thịt lợn; bên cạnh đó, lượng khách du lịch qua các đường biên giới cũng lớn nên việc kiểm soát dịch bệnh lây lan trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian qua hiện tượng vất xác lợn bị bệnh ra sông, ngòi khiến mầm bệnh càng có điều kiện dễ lây lan hơn thông qua đường nước, thức ăn cho lợn tự nhiên (bèo)..
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc phòng dịch và ngăn chặn bệnh dịch lây lan hơn nữa thông qua các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại do hiện nay vẫn chưa có vacxin trị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết dịch tả lợn châu Phi là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay và đây cũng là một trong những mối quan tâm của Mỹ trong tiến trình hợp tác giữa hai nước. Mỹ đã tài trợ trang thiết bị chuẩn đoán, phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trị giá 800.000 USD và cử đoàn chuyên gia đến để đánh giá thực địa và tình hình phòng chống dịch tại các địa phương.
Nguồn: VITIC