Hợp đồng cacao được giao dịch nhiều nhất trên sàn New York hôm 12/3 tăng 5,5% lên 7.096 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này tăng 68%.
Giá cacao giao sau trên sàn New York tăng phi mã. (Nguồn: Bloomberg)
Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao đã gây áp lực lên các nhà sản xuất sôcôla. Trong khi đó, sản lượng ở những nước trồng hàng đầu là Bờ Biển Ngà và Ghana tiếp tục suy giảm trong bối cảnh điều kiện thời tiết bất lợi và cây cối già cỗi, bệnh tật .
Lượng hàng đến các cảng Bờ Biển Ngà vẫn thấp hơn khoảng 30% so với mức năm trước và vụ thu hoạch mới bắt đầu tháng tháng 4 dự kiến không đủ để giải toả “cơn khát” hàng của thị trường.
Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm tuần trước (7/3), cơ quan quản lý của nước này dự kiến sản lượng giữa vụ năm nay là 400.000 đến 500.000 tấn . Con số này thấp hơn so với mức 600.000 đến 620.000 tấn một năm trước đó.
Các nhà phân tích của Citi Research bao gồm Aakash Doshi hồi tháng 2 cho biết rằng giá cacao kỳ hạn ở New York có thể giao dịch trong khoảng từ 7.000 đến 10.000 USD/tấn nếu nguồn cung ở Tây Phi tiếp tục xấu đi mà không có bất kỳ sự suy giảm đáng kể nào về nhu cầu. Các nhà phân tích cho biết, trong kịch bản đó, giá có thể không giảm cho đến nửa cuối năm 2025.
Tình hình hiện tại đã thúc đẩy các nhà sản xuất sôcôla như Hershey Corp. tăng giá bán, thu nhỏ bao bì và tung ra các sản phẩm mới sử dụng ít cacao hơn.
Theo các nhà phân tích Diana Gomes và Ignacio Canals Polo của Bloomberg Intelligence, trong khi các biện pháp phòng ngừa rủi ro và dự trữ hiện đang giúp giảm bớt phần nào tác động của đợt tăng giá cacao, thì chi phí của các nhà sản xuất sôcôla - và sau đó là giá tiêu dùng - sẽ vẫn “tăng cao” trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Các nhà phân tích tuần trước cho biết sự sụt giảm về khối lượng có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2025.
Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể đang làm lu mờ những lo ngại về nhu cầu sôcôla. Tổ chức Ca cao Quốc tế nhận thấy nhu cầu vượt quá nguồn cung 374.000 tấn trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 9 năm nay, trong khi nhà sản xuất sôcôla Thụy Sĩ Barry Callebaut AG dự đoán mức thâm hụt 500.000 tấn trong mùa này.
Các nhà phân tích tại Hightower Report mới đây nhận định rằng những lo ngại về nhu cầu đã giảm bớt do thời tiết ngày càng xấu, sản lượng thấp và lượng hàng cập cảng đến chậm khiến những giới đầu cơ quan tâm.
Các vấn đề ở Tây Phi bao gồm bệnh trên cây và số lượng cây già cỗi cũng làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa tới.
Thu nhập của nông dân cao hơn có thể thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, nhưng người trồng ở Bờ Biển Ngà và Ghana vẫn chưa thu được lợi ích đầy đủ từ đợt tăng giá cacao. Nguyên nhân là chính phủ ấn định giá cacao dựa trên doanh số bán ra một năm trước đó. Các quốc gia khác như Ecuador và Brazil đang tăng cường sản xuất nhưng cây phải mất ít nhất ba năm mới ra quả.
Việc mở rộng diện tích trồng cacao cũng bị hạn chế do các quy định sắp được áp dụng của Liên minh Châu Âu nhằm ngăn chặn việc buôn bán các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng trong khối.
Các nhà phân tích của BMI Research đã viết trong một ghi chú vào tuần trước: “Ngoài các vấn đề về nguồn cung ngắn hạn chủ yếu liên quan đến thời tiết, các giải pháp cho những lo ngại dài hạn là rất cần thiết”.
Tại Việt Nam, cây cacao chủ yếu được trồng ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Tổng diện tích cả nước khoảng 4.000 ha và cho sản lượng 4.500 tấn, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam.
Từ năm 2001 đến 2012 là giai đoạn phát triển mạnh về quy mô diện tích trồng cacao. Trong giai đoạn này có rất nhiều dự án tài trợ cho phát triển cacao ở Việt Nam của các tổ chức phi chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo như Success Alliance được triển khai ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (2004 –2006). Tổ chức Helvetas của Thụy Sỹ thực hiện tiêu chuẩn Utz cho sản phẩm cacao.
Từ năm 2013 đến nay là giai đoạn sụt giảm nhiều về quy mô. Trong giai đoạn này hầu như không còn các dự án tài trợ.
Giá ca cao thời điểm này xuống mạnh (từ 2012) từ 70.000 đồng /kg xuống còn 50.000 đồng/kg. Hiệu quả cây cacao thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác, năng suất thấp, sơ chế lên men thu hoạch quanh năm không có mùa vụ nhất định nên không hấp dẫn người nông dân, nhiều diện tích đã chuyển đổi sang cây trồng khác.