Sản xuất phục hồi
Tính đến cuối tháng 5/2016 sản lượng lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn, nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường 10-25km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%. Ngoài ra, một số diện tích càphê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Kiên,Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc IPSARD, sản xuất nông nghiệp được dự đoán phục hồi trong nửa cuối năm 2016 do hiện tương La Nina làm tăng lượng mưa tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng rau quả Việt Nam sẽ hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Philippines. Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Philippines và vùng lãnh thổ Hong Kong (cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục), nơi nhập khẩu đến 70% khối lượng xoài từ Philippines.
Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chile... còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành cũng cho rằng, vấn đề tỷ giá cũng đang hỗ trợ giá nông sản, việc đồng euro và yen Nhật tăng giá so với đồng USD dẫn đến tăng sức mua tại các thị trường lớn, truyền thống. Đồng thời, đồng baht Thái Lan, rupee Ấn Độ, real của Brazil, rupiah Indonesia, ringgit Malaysia tăng giá so với USD cũng giúp hỗ trợ giá các mặt hàng gạo, càphê, cao su, thủy sản.
Phát triển thị trường tiềm năng
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, trong thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp cần phải khắc phục thiên tai, kiểm soát tốt dịch bệnh để thúc đẩy nguồn cung đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nguồn cầu tốt hơn.
Ông Tuấn cũng đưa ra khuyến nghị tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại như thị trường lúa gạo với Philippines, Indonesia; thị trường cao su, rau quả, hạt điều với Trung Quốc; hồ tiêu, hạt điều với EU, Mỹ; thị trường thủy sản với Mỹ… đồng thời mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng.
Nguồn: Thanh Tâm/Vietnamplus.vn
La Nina được dự báo làm tăng mưa, nông nghiệp Việt có cơ hội khởi sắc