Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022” diễn ra sáng ngày 8/10/2021, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, 8 tháng năm 2021, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, các tháng đầu năm 2021, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tăng từ 16-46%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi lý giải, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng. Các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước...
“Đáng chú ý, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường)”, ông Trọng nhấn mạnh.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng. Đây là những thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2021, ảnh hưởng tới việc tái đàn, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Từ góc độ địa phương, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho rằng, thời gian tới cần tạo điều kiện về giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp, người chăn nuôi vay vốn để tái đàn trong thời điểm giá lợn đang giảm rất thấp và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Cụ thể, bà Nga đề nghị có chính sách tín dụng riêng đối với người chăn nuôi, đặc biệt là giảm lãi suất để cho các doanh nghiệp xây kho lạnh, dự trữ sản phẩm chăn nuôi trong thời điểm giá rất thấp. Với vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cần có giải pháp quản lý, bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất.
Nhận định chăn nuôi là lĩnh vực còn nhiều dư địa cần thúc đẩy để góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để giảm áp lực giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao cần tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước.
Đặc biệt, cần chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm tiết kiệm đầu vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; có dự báo về cung-cầu ở các vùng miền, đặc biệt là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu tăng trở lại.
Những khó khăn, Bộ NN&PTNT đã báo cáo đầy đủ với Chính phủ để có hệ thống giải pháp, tháo gỡ khó khăn về lưu thông, đảm bảo cung ứng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.
“Bộ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải xem xét vấn đề vận tải thủy để giảm chi phí đầu vào; đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
So với tháng 8/2021, trong tháng 9, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng. Cụ thể, cám mì 7.237,5 đg/kg (tăng 3,6%); cám gạo chiết ly 5.283,3 đg/kg (tăng 3,3%); ngô hạt 7.937,5 đg/kg (tăng 0,5%); khô dầu đậu tương 12.337,5 đg/kg (tăng 0,6%); bột cá 27.950 đg/kg (tăng 0,5%); Lysine HCl 33.185,8 đg/kg (tăng 0,6%); Methionine 61.190,3 đg/kg (tăng 0,7%). Riêng giá DDGS giảm 1,4% (8.500 đg/kg).
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 8/2021. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt 60 kg đến xuất chuồng 12.177,5 đg/kg (tăng 1,2%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 12.752,8 đg/kg (tăng 1,2%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 12.014,8 đg/kg (tăng 1,3%).