Theo số liệu của Liên đòan Thịt Quốc gia Philippines (NMIS), dự trữ thịt lợn đông lạnh ở Philippines trong tháng 10/2021 đạt 73.294 tấn, tăng 65,8% so với tháng 10/2020, trong đó thịt lợn nhập khẩu chiếm 97%, đạt mức 71.528 tấn, trong khi thịt lợn trong nước chỉ có 1.766,3 tấn. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm giảm giá và ổn định nguồn cung thịt lợn trong nước, Tổng thống Duterte đã ban hành pháp lệnh (EO) 133, trong đó tăng hạn ngạch tối thiểu (MAV) nhập khẩu thịt lợn năm 2021 lên 254.210 tấn.
Ông Duterte cũng đã ký pháp lệnh EO 134, trong đó quy định rằng thịt lợn nhập khẩu trong hạn ngạch hoặc theo MAV sẽ bị áp thuế 10% trong ba tháng và tăng lên 15% trong những tháng còn lại. Mức này thấp hơn mức ban đầu là 30%.
Nhập khẩu thịt lợn ngoài hạn ngạch được áp dụng mức thuế 20% trong ba tháng đầu tiên và sẽ tăng lên 25% trong những tháng còn lại. Đây là mức thấp hơn so với mức thuế ban đầu là 40%.
Các nhà chăn nuôi lợn tại Philippines đang tỏ ra bất bình về các quyết định cho phép nhập khẩu quá nhiều thịt lợn. Trong 9 tháng năm 2021, Philippines đã nhập khẩu 439.300 tấn thịt lợn, tăng 261% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Liên đoàn sản xuất Thịt lợn Philippines, giá bán trong nước đã bắt đầu giảm. Lúc đầu ý định của chính phủ là tăng hạn ngạch nhập khẩu chỉ nhằm mục đích tăng nguồn cung cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch tả ASF, nhưng hiện nay cả những khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch ASF thì nguồn cung thịt lợn nhập khẩu cũng quá nhiều gây ra xu hướng giảm giá.
Tây Ban Nha là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Philippines, với 104.000 tấn, tiếp theo là Canada (92.000 tấn) và Mỹ (58.000 tấn). Năm 2021 dự kiến nhập khẩu thịt lợn của Philippines đạt hơn 500.000 tấn.