Nhật Bản là quốc gia đưa hạt gạo lên sàn giao dịch đầu tiên trên thế giới, vào năm 1730.
Hợp đồng gạo kỳ hạn tương lai trên sàn Osaka sẽ kết thúc giao dịch vào tháng 6/2022, khi tất cả những hợp đồng hiện tại đáo hạn.
Động thái này diễn ra sau khi Bộ Nông nghiệp từ chối đơn xin cấp phép lại hợp đồng gạo kỳ hạn vì khối lượng giao dịch thấp, người đứng đầu sàn giao dịch Osaka Dojima cho biết.
"Chúng tôi không coi hợp đồng tương lai lúa gạo là trụ cột trong doanh thu của mình. Nhưng chúng tôi tin rằng hợp đồng lúa gạo kỳ hạn của chúng tôi là một sản phẩm hữu ích cho nông dân Nhật Bản, vì vậy quyết định của Chính phủ không chấp thuận (cho tiếp tục giao dịch) gây thất vọng cho chúng tôi”, chủ tịch sàn giao dịch Ikko Nakatsuka cho biết.
Giống như ở nhiều nước châu Á, gạo đóng một vai trò văn hóa quan trọng trong xã hội Nhật Bản cũng như chế độ ăn uống ở nước này.
Nhật Bản luôn dư thừa gạo. Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) mới đây cho biết sản lượng lúa của nước này có thể sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 7 triệu tấn lần đầu tiên kể từ năm 1958.
nhat ban ket thuc 300 nam giao dich gao
Theo MAFF, năm 2021, diện tích lúa ở nước này ước giảm tới 65.000 ha so với năm ngoái.
Căn cứ vào năng suất lúa bình quân trong các năm gần đây, MAFF ước tính sản lượng lúa của nước này chỉ đạt 6,94 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, do dân số Nhật Bản đang có xu hướng giảm nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo ở nước này không lớn, khiến tồn kho lúa gạo đang đứng ở mức cao.
Vì vậy, việc sản lượng lúa giảm có thể sẽ giúp hạn chế đà đi xuống của giá nông sản này.
Trong cuộc họp ngày 29/7, MAFF đã thông qua chính sách cơ bản mới để đảm bảo sự ổn định trong cán cân cung-cầu và giá cả trên thị trường lúa gạo.
Về chính sách này, MAFF tin rằng việc cắt giảm sản lượng lúa gạo xuống còn 6,93 triệu tấn/năm thông qua việc giảm khoảng 67.000 ha diện tích trồng lúa là cần thiết để bình ổn giá lương thực này.
Hiện nay, MAFF đang trong quá trình đạt được mục tiêu đó, chủ yếu nhờ chương trình trợ cấp cho các hộ nông dân chuyển diện tích trồng lúa phục vụ cho con người sang trồng lúa làm thức ăn chăn nuôi hoặc các cây trồng khác.
Theo MAFF, năm ngoái, diện tích trồng lúa ở Nhật Bản là 1,366 triệu ha. 

Nguồn: VITIC / Reuters