Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm giá khoảng 377-380 USD/tấn, giảm so với 387-390 USD/tấn cách đây một tuần. Nhu cầu từ khách hàng Châu Phi lúc này yếu bởi những khách hàng này còn khá nhiều gạo dự trữ.
Việc Trung Quốc tích cực bán gạo dự trữ từ những vụ trước cũng góp phần khiến giá gạo giảm.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4/2018 -2/2019 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống 10,57 triệu tấn, chủ yếu do Bangladesh giảm mua vì sản lượng trong nước được mùa.
Ngày 18/4/22019, Bộ trưởng Thương mại Bangladesh cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo (áp dụng đã từ lâu) sẽ được mang ra thảo luận lại sau khi nhiều doanh nghiệp đề xuất xóa bỏ. “Nếu dư thừa, chúng tôi có thể cho phép xuất khẩu”, Bộ trưởng Tipu Munshi nới với các phóng viên trong một cuộc họp báo sau cuộc họp với Hiệp hội các nhà kinh doanh gạo.
Bangladesh đã cấm xuất khẩu một số loại gạo thường từ tháng 5/2018, sau khi giá tạo trong nước tăng mạnh. Đến cuối 2018 thì họ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo.
Vào cuối năm 2017, nước này đã buộc phải tăng cường nhập khẩu gạo để đẩy mạnh lượng dự trữ sau khi lũ lụt gây mất mùa lớn, đẩy giá gạo trong nước tăng lên mức cao kỷ lục.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, gạo 5% tấm giá giảm nhẹ xuống 393-411 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 405-410 USD/tấn cách đây một tuần.
“Khách hàng nước ngoài đã chuyển hướng sang mua gạo Ấn Độ và Việt Nam vì giá rẻ hơn so với gạo của chúng tôi”, Reuters dẫn lời một thương gia Thái Lan cho biết.
Tuy nhiên, lo ngại về nguồn cung trong nước đã giữ giá gạo vững trong thời gian gần đây.
Vụ thu hoạch ở Thái Lan đã hoàn tất từ tháng trước nên thị trường lúc này không có thêm nguồn cung mới, trừ lượng gạo mà các nhà máy chưa bán ra, có nghĩa là giá sẽ tiếp tục vững mặc dù thiếu vắng nhu cầu”, Reuters dẫn lời một thương gia khác tại Thái Lan cho biết.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam vững tuần thứ 5 liên tiếp, ở mức 360 USD/tấn, do nguồn cung bắt đầu sụt giảm. Các thương gia đang hy vọng sẽ có nhu cầu mới từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 1/2019.
Tại Philippines, dự trữ gạo tính đến ngày 1/3 đã tăng 30,87% so với một năm trước đó, lên 2,22 triệu tấn, đủ dùng trong khoảng 69 ngày. Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), dự trữ gạo toàn quốc đạt 2,22 triệu tấn, tăng so với 1,69 triệu tấn cách đó một năm và cũng 3,75% so với 2,14 triệu lấn dự trữ ở thời điểm tháng 2/2019.
Mặc dù có tỉ trọng lớn nhất trong tổng lượng dự trữ, song dự trữ của các hộ gia đình vẫn giảm 6.08% so với năm ngoái xuống 1,03 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng nhẹ 0,12% so với tháng trước. Dự trữ tại các kho thương mại và Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) tăng lần lượt 25,75% lên 695.840 tấn và 1.030,17% lên 491.940 tấn, tương ứng. So với tháng 2, dự trữ của các kho thương mại giảm 14,22% trong khi dự trữ của NFA vẫn tăng 65,29%.
Tại Nigeria, thông tin từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigeria Audu Ogbeh cho biết, quốc gia này đang sản xuất 90% lượng gạo mà họ tiêu thụ tại địa phương. Theo ông, Nigeria không chỉ tự cung được gạo mà còn hướng tới xuất khẩu sang các nước Châu Phi khác, Châu Âu và Mỹ, kể cả Viễn Đông, trong đó có Trung Quốc.