Tăng 68%
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 2 vừa qua, cả nước xuất khẩu 160.584 tấn cà phê, kim ngạch đạt 528,5 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và giảm 27,3% về kim ngạch so với tháng trước.
Dù bị giảm trong tháng 2 do ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn đang tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Hết tháng 2, xuất khẩu nhóm hàng này đạt xấp xỉ 400 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 1,25 tỷ USD, tăng 16% về lượng nhưng tăng đến 68% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024 là kỷ lục xuất khẩu của ngành hàng cà phê.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu bình quân nhóm hàng này cũng tăng cao. Cụ thể, 2 tháng qua, trị giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 3.100 USD/tấn, cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ 2023, tương đương tăng khoảng 43%.
Với kết quả trên, nhóm hàng cà phê đã vượt kim ngạch của thủy sản (đạt 1,2 tỷ USD) và lần đầu tiên vươn lên vị trí số 2 trong các ngành hàng xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ).
Việc tăng trưởng cả 3 tiêu chí về lượng, giá và trị giá bình quân của mặt hàng cà phê xuất khẩu đang giúp cho bà con nông dân trồng cà phê, nhất là thủ phủ cà phê ở Tây Nguyên được hưởng niềm vui lớn.
Theo cập nhật của các trang thông tin chuyên về giá cà phê, trong ngày 14/3, giá cà phê nhân xô ở khu vực Tây Nguyên đang dao động quanh mức 91.000 đồng/kg.
Với sự khởi đầu ấn tượng, các chuyên gia và nhà quản lý đang kỳ vọng xuất khẩu cà phê năm 2024 sẽ cán mốc kỳ lục 5 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm dẫn đầu ngành nông nghiệp
Liên quan đến xuất khẩu hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài cà phê, hết tháng 2 còn 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô là gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch đạt 2,24 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả trên, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp.
Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Đối với nhóm hàng thủy sản, dù tạm bị cà phê giành ngôi vị số 2 về xuất khẩu của ngành nông nghiệp, nhưng kết quả đạt được của nhóm hàng thủy sản cũng rất tích cực.
Hết tháng 2, xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, kết quả xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm là hết sức khởi sắc, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 kim ngạch ngành hàng này giảm sâu (giảm 18%).
Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tiếp đó là thị trường Hòa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Để tiếp đà khởi sắc trong 2 tháng đầu năm, ngành hàng thủy sản đang nỗ lực để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được kết quả cao trong năm 2024.
“Với sự nỗ lực, linh hoạt và thích ứng của doanh nghiệp thủy sản và sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, tôi tin rằng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể tới mốc 9,5 tỷ USD” bà Nguyễn Thị Thu Sắc tin tưởng.