Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam.
Cụ thể, nhu cầu thế giới vẫn ổn định trong khi các nước xuất khẩu khác chưa kịp phục hồi. Trung Quốc là nguồn cung tôm lớn nhất châu Á, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nguồn tôm cho chế biến và tiêu dùng.
Cùng với đó, thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ đối với tôm đang ở mức thấp; lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Viêt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhận định năm nay có yếu tố thuận lợi với xuất khẩu thủy sản nói chung, tôm nói riêng là kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế; lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng ĐBSCL, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, dịch bệnh do Covid-19 vẫn còn có tác động xấu… là những khó khăn, thách thức đối với kế hoạch năm 2021.
Trong bối cảnh hiện tại, VASEP đưa ra dự báo, xuất khẩu tôm năm nay tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra con số cụ thể hơn, dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ đạt khoảng 4,4 tỷ USD.
Ở góc độ thuận lợi, khó khăn cho từng thị trường xuất khẩu lớn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn.
Dù vậy, hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.
Với thị trường Mỹ, xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ.
Tương tự với EU, xuất khẩu tôm Việt sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Đáng chú ý, với thị trường Trung Quốc, khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm.
Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài các thị trường nêu trên, thị trường Nauy được đánh giá tiềm năm cho mặt hàng tôm và cá ngừ trong thời gian tới. Một số thị trường vẫn có đà tăng trưởng tốt như: Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thuỵ Sỹ, Chile, Papua New Guinea, Nam Phi, Pakistan, Kuweit.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu năm mới, vụ mới, cần tập trung chỉ đạo ngay các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và tiến hành thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu; hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt lưu ý, cần thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững...

Nguồn: haiquanonline.com.vn