Khi mà cả mảng công nghệ của thế giới lệ thuộc vào kim loại hiếm, đương nhiên là Trung Quốc đã khai thác lá chủ bài này để phục vụ mục đích phát triển công nghiệp và cả vấn đề địa chiến lược.
Chỉ cần Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm, kim loại hiếm cho một khách hàng nào đó là đủ gây ra tê liệt. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp kim loại hiếm để phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số trong tương lai.
Trung Quốc do có đất hiếm và kim loại hiếm nên sở hữu lợi thế. Thứ nhất, Trung Quốc có thể tăng giá bán, tức là “thách giá” cỡ nào, các hãng lớn trên thế giới khi cần vẫn phải mua. Thứ hai, các công ty của Trung Quốc được cung cấp đất và kim loại hiếm với giá rẻ và cần bao nhiêu cũng có.
Như vậy, hàng của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài. Nhưng Trung Quốc không có tất cả các kim loại hiếm, cho nên từ nhiều năm qua, quốc gia này đã chuẩn bị sẵn nhiều nước cờ, để bảo đảm nguồn cung ứng.
Trung Quốc mua lại mỏ cobalt của Cộng hòa Dân chủ Congo. Quốc gia này nắm giữ 60% trữ lượng cobalt của toàn cầu, mà chủ yếu là để xuất khẩu. Trung Quốc vừa ký một loạt hợp đồng mua 80% cobalt của Congo. Bắc Kinh đã có những tính toán chiến lược tinh vi và đã đi trước phương Tây đến mấy nước cờ.
Sau hơn 30 năm chấp nhận là xưởng cung cấp nguyên liệu cho thế giới trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ cao và đang trở thành một nguồn tiêu thụ đất hiếm, kim loại hiếm ngang tầm với các nước công nghiệp tiên tiến.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể làm chủ luôn cả dây chuyền công nghiệp, kiểm soát từ khâu cung cấp một loại nguyên liệu thiết yếu đến thành phẩm.
Trung Quốc sẽ không chỉ là một nhà cung cấp kim loại hiếm, tức là một nguồn cung cấp vật liệu cơ bản để những quốc gia khác làm ra điện thoại di động, đầu máy chạy điện hay pin Mặt trời, mà chính Trung Quốc đang trở thành một mắt xích then chốt của nền công nghiệp thế giới.
Trung Quốc khát tăng trưởng, khát công nghệ mới, mà kim loại hiếm là chìa khóa cho phép đạt được tất cả các mục tiêu này. Điện thoại Trung Quốc, pin Mặt trời Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới và trong tương lai rất gần người khổng lồ châu Á này nhờ có kim loại hiếm sẽ làm chủ luôn cả thị trường xe ô tô điện của thế giới.
Các hãng ô tô của Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu có công nghệ mà không có cobalt thì không thể sản xuất ra xe ô tô điện. Nhờ có kim loại hiếm, Trung Quốc sẽ làm chủ toàn bộ dây chuyền sản xuất công nghiệp. Không ai ngạc nhiên nếu như trong tương lai, tất cả chúng ta đều phải dùng xe ô tô điện của Trung Quốc!
Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả cũng đắt không kém. Guillaume Pitron đã tận mắt trông thấy những “ngôi làng ung thư” trong vùng Nội Mông, nơi cung cấp đến 3/4 đất hiếm do Trung Quốc lọc ra. 10% diện tích đất canh tác nhiễm kim loại nặng; 80% sông ngòi ngấm chất hóa học độc hại.
Đương nhiên là có thể tìm thấy đất hiếm ngay ở Pháp hay bất kỳ một quốc gia phương Tây nào khác, nhưng từ những năm 1980, Trung Quốc độc quyền khai thác mảng này bởi đơn giản các nước phương Tây không muốn phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường, những hậu quả đối với sức khỏe con người mà ngành công nghiệp khai thác mỏ kim loại hiếm gây ra.
Đâu đó như thể phương Tây để được tiếng khen là phát triển công nghệ sạch, đã khoán cho Trung Quốc khai thác kim loại hiếm.
Nguồn: TTXVN