Lực bán nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đối với nhóm đậu tương trong vài phiên tới
Thị trường nông sản sẽ quay trở lại giao dịch vào phiên tối nay sau kì nghỉ lễ vừa qua. Đây cũng thường là giai đoạn quan trọng đối với các mặt hàng khi giá nhiều khả năng sẽ được củng cố đà giảm và xác nhận đảo chiều xu hướng trong nửa cuối năm. Quay trở lại thời điểm này năm ngoái, sau 2 báo cáo về nguồn cung tại Mỹ và nghỉ lễ Độc lập tại Mỹ, nhóm đậu tương quay trở lại giao dịch với mức gapdown lớn và lực bán sau đấy cũng áp đảo hoàn toàn trong suốt phiên. Diễn biến lao dốc tương tự cũng đã xuất hiện trong phiên cuối tuần vừa rồi và khiến giá đậu tương quay trở lại hỗ trợ ở vùng đáy được thiết lập vào đầu tháng 4.
Nếu chưa tính đến yếu tố thời tiết mùa vụ tại Mỹ, diện tích gieo trồng đậu tương năm nay mặc dù thấp hơn so với dự kiến trong báo cáo tháng 3 nhưng vẫn cao hơn 0.5 triệu mẫu so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, số liệu tồn kho đậu tương cuối quý 2 trong báo cáo Grains Stock của Mỹ cũng cao hơn kỳ vọng và cả mức cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy dấu hiệu của việc xuất khẩu đang dần suy yếu hơn, và các số liệu xuất khẩu hàng tuần trong báo cáo Export Sales gần đây cũng đã phần nào chứng minh điều này. Kết hợp với triển vọng sản lượng mùa vụ năm nay của Mỹ và dự báo mùa vụ kỷ lục của Brazil, nguồn cung đậu tương thế giới niên vụ 22/23 sẽ nới lỏng hơn so với niên vụ 21/22. Xét về các yếu tố cơ bản, thị trường đậu tương trong giai đoạn này đang chịu tác động “bearish” mạnh hơn so với năm ngoái nhưng mức giá hiện tại vẫn đang cao hơn 100 cents so với tháng 7/2021.
Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương đã xác nhận cho xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, đà giảm đang bị cản lại tại hỗ trợ tâm lí 1400. Nếu như đậu tương tiếp tục phá vỡ vùng giá này trong phiên hôm nay, thì lực bán có thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trở lại. Chúng tôi vẫn thiên về việc mở vị thế bán trong giai đoan này.

Giá đồng có thể rơi xuống mốc 3.5 USD/pound khi thiếu vắng những thông tin tích cực thúc đẩy nhu cầu
Giá đồng tiếp tục cho thấy xu hướng lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường vắng bóng những tin tức cơ bản tích cực thúc đẩy nhu cầu. Hiện tại, giá đồng đang dao động ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021.
Lo ngại về tăng chậm lại tiếp tục gây sức ép lên giá đồng, vốn được coi như thước đo sức khoẻ của nền kinh tế do tính ứng dụng rộng rãi. Hàng loạt Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát leo thang. Vào sáng nay, Ngân hàng Trung ương Úc tiếp tục tham gia vào cuộc chiến tăng lãi suất tháng thứ 3 liên tiếp, thêm 0.5 điểm phần trăm so với hồi tháng 6 lên mức 1.35%, đánh dấu 125 điểm cơ bản tăng kể từ tháng 5 và là chuỗi động thái tăng nhanh nhất kể từ năm 1994. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng phải đối diện với chi phí vay cao hơn và làm chậm lại các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, bên canh Mỹ, tại Đức và Ý, hai quốc gia nhập khẩu đồng thuộc top 5 thế giới cũng đều cho thấy sự suy yếu trong hoạt động sản xuất vào tháng 6, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đều giảm về mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay. Điều này tiếp tục gây ra sức ép cho thị trường đồng khi nhu cầu sử dụng tại các quốc gia lớn trên thế giới có xu hướng sụt giảm, bất chấp sự phục hồi nhẹ tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Reuters, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới Telsa thông báo sẽ tạm dừng hầu hết việc sản xuất dây chuyền lắp ráp Model Y của mình ở Thượng Hải trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7, sau đó tạm dừng dây chuyền Model 3 trong 20 ngày bắt đầu từ ngày 18 tháng 7 phục vụ cho việc bảo trì. Nhu cầu về đồng cho xe điện gấp 4 lần xe hơi thông thường và Thượng Hải là nhà máy đạt năng suất cao nhất của Tesla. Do đó, yếu tố này cũng sẽ có tác động “bearish” lên giá đồng trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H1, giá đồng phá vỡ đáy trước đó và tiếp tục di chuyển theo kênh xu hướng với phe mua đang cho thấy ưu thế. Nhiều khả năng giá sẽ dao động một khoảng tương đương trước đó, dự đoán từ 3.56 - 3.5 USD/pound từ giờ cho tới khi kết phiên.

Cà phê nhiều khả năng sẽ phục hồi trong hôm nay nhờ lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch 04/07, cà phê Robusta có sự giảm nhẹ do tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê bất chấp thông tin xuất khẩu cà phê trong tháng 05 của Indonesia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 thế giới, sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó Arabica nghỉ Lễ Quốc khánh Mỹ nên không giao dịch.
Theo thông tin từ viện cà phê Honduras (IHCAFE), xuất khẩu cà phê tháng 06 đạt 654,996 bao (loại 60kg), giảm 16.3% so với mức 782,170 bao cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, Costa Rica, một trong những quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu thế giới cũng cho biết, nước này đã xuất khẩu 146,581 bao cà phê, giảm 11.8% so với mức 162,222 vào cùng kỳ năm trước. Các thông tin về giảm tỷ lệ xuất khẩu của 2 quốc gia hàng đầu về sản xuất cà phê do ảnh hưởng của năng suất và sản lượng đã củng cố thêm lo ngại về nguồn cung mặt hàng này trong ngắn hạn khi lượng tồn kho đạt chuẩn của cà phê Arabica trên sàn ICE US vẫn duy trì đà giảm. Tính đến hết ngày 01/07, lượng tồn kho đạt chuẩn đã giảm 32,847 bao về mức 854,584 bao, thấp nhất trong vòng hơn 22 năm trở lại đây.

Thị trường giằng co mạnh giữa một loạt các bất ổn, đà tăng của dầu thô khó vững bền
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong ngày hôm nay, khi thị trường quay lại giao dịch bình thường sau ngày nghỉ lễ vắng lặng 04/07.
Tuy vậy, có thể thấy nhiều khả năng, giá dầu vẫn khó có thể thoát khỏi vùng đi ngang tại khu vực 104-114 USD/thùng. Thị trường vẫn đang giằng co mạnh với 1 bên là lo ngại về suy thoái kinh tế với 1 bên là rủi ro thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Tháng 7 có thể xem là thời gian “trọng điểm” của các lịch chỉ số kinh tế quan trọng, và tuần này thị trường “mở màn” với số liệu Bảng lương Phi Nông nghiệp tháng 6. Mặc dù thị trường lao động được xem là đã phục hồi rất tốt và không còn là một trong các yếu tố mà Fed quá tập trung để điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tuy nhiên số lượng tuyển dụng thêm hiện tại sẽ là một trong các dấu hiệu chỉ ra sức mạnh của nền kinh tế Mỹ hiện tại, nhất là thời điểm gần đây nhiều công ty đang tiến hành các biện pháp cắt giảm nhân sự.
Trong khi đó, tại thị trường hàng thực, sản lượng dầu của Ecuador giảm 2 triệu thùng/ngày, của Libya giảm 865,000 thùng/ngày trong khi các cuộc đình công ở Na Uy khiến cho sản lượng dầu thô giảm đến 130,000 thùng/ngày, trong khi các sản phẩm lọc dầu giảm 320,000 thùng/ngày. Đó là chưa kể đến các sự cố tại Venezuela trong cuối tuần trước, cho thấy rủi ro tiềm ẩn tại các nước sản xuất dầu đang gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng, đầu tư vào các cơ sở vật chất.
Giá dầu dù đang tăng nhưng vẫn ở dải dưới của Bollinger Band. Chỉ số RSI đã quay trở lại mức 50, đồng thời tạo các đáy thấp hơn (higher low). Chỉ số MACD cũng cho thấy lực mua yếu dần, tuy nhiên khối lượng của phiên hôm qua khá thấp, không phải là một dấu hiệu chắc chắc cho việc đà tăng đã ổn định. Thị trường có thể đón nhận nhiều tin tức khiến cho giá biến động mạnh trong hôm nay nên các nhà đầu tư không nên mở vị thế mới, và nên chốt lời ở mức 111.8 USD nếu đang nắm giữ vị thế mua.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV