Đã có những tín hiệu tích cực đầu năm 2024 từ kinh tế toàn cầu. Kinh tế tăng trưởng chậm hơn nhưng được nhận định đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Tuy nhiên, các xung đột địa chính trị vẫn là một trong các rủi ro lớn nhất với kinh tế thế giới. Cục diện thế giới vẫn đối mặt nhiều bất ổn.
Một thế giới đa cực với ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước đang phát triển, các nước Nam bán cầu được kỳ vọng sẽ tạo ra những đóng góp tích cực hơn. Tìm hiểu những cơ hội, thuận lợi để tranh thủ, nhận diện những thách thức sẽ giúp chủ động ứng phó trong chặng đường phía trước.
Triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam
Bước sang năm mới 2024, mọi người đều kỳ vọng vào những dấu hiệu tích cực hơn của thế giới, nhất là về kinh tế. Và trong bức tranh đó, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục được nhận định là tích cực.
Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh mới đây đánh giá, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á có khả năng đạt được những bước tiến vượt bậc trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2038.
Trung tâm Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh dự báo, Việt Nam từ vị trí nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới hiện nay sẽ tăng nhanh lên vị trí 24 vào năm 2033 và trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 1.Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á có khả năng đạt được những bước tiến vượt bậc (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trước đó, nhiều báo chí quốc tế cũng nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Trang Digital News Asia cho biết Việt Nam có triển vọng trung hạn khả quan. Các biện pháp hỗ trợ chính sách mới có thể đem lại hiệu quả trong nửa cuối năm 2024.
Trang Firbe2Fashion trích khuyến nghị từ Ngân hàng thế giới về việc gia hạn chương trình hỗ trợ kinh tế vào năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được triển khai triệt để, thúc đẩy tổng cầu, đồng thời nỗ lực khôi phục niềm tin, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trước đó, Ngân hàng HSBC nhận định, trong bức tranh tổng thể khu vực, kinh tế Việt Nam được nhận định là "lạc quan thận trọng". Nền kinh tế Việt Nam đã bền bỉ vượt qua khó khăn, tăng trưởng phục hồi, tình hình kinh tế được cải thiện trong quý 4 năm trước.
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, là một trong các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và toàn cầu và là điểm sáng trong bức tranh chung của kinh tế thế giới.
Những tín hiệu tích cực từ kinh tế Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đầu năm cũng ghi nhận một số tín hiệu lạc quan hơn.
Triển vọng kinh tế thế giới
Lạm phát, một trong các mối lo ngại lớn trong năm 2023, hiện bắt đầu có dấu hiệu giảm dần tại nhiều nền kinh tế lớn, mở đường cho các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn pha trộn cả những mảng màu sáng - tối, với cả những cơ hội và thách thức đan xen.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, với mức tăng 2,6%. Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác, với 2,1%. Tại cả Khu vực sử dụng đồng Euro và Anh, tăng trưởng thu nhập thực tế được cho là sẽ tăng mạnh, lên khoảng 2% vào cuối năm.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm". Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 2.Kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm" (Ảnh: AP)

Mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024 nhưng nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm. Những dấu hiệu này đã thuyết phục giới chuyên gia tin tưởng về triển vọng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Trong bức tranh chung của kinh tế thế giới, các định chế tài chính khu vực và quốc tế đều đưa ra góc nhìn tích cực, lạc quan và tin rằng châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Ngân hàng phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay. Ngân hàng này nhấn mạnh, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tương đối lạc quan, nhu cầu trong nước lành mạnh, kiều hối dồi dào và đà phục hồi tích cực của ngành du lịch là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.
Ông Albert Park - Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: "Các nền kinh tế đang phát triển châu Á tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Lạm phát trong khu vực cũng đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, từ lãi suất cao đến các thách thức khí hậu như El Nino. Chính phủ các nước khu vực cần luôn cảnh giác để đảm bảo kinh tế có khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững".
Ở quy mô rộng hơn, theo Liên hợp quốc, những rủi ro đe dọa tăng trưởng toàn cầu năm 2024 là thương mại suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Trong khi nhiều thể chế tài chính quốc tế cũng nhận định, diễn biến và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng tại Trung Đông cũng như tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ hay biến đổi khí hậu… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu.
Ông Ajay Banga - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - cho biết: "Có quá nhiều điều đang diễn ra trên khắp thế giới, biến động địa chính trị, các cuộc xung đột. Tất cả những điều này đều đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và quá trình hồi phục".
Những thách thức lớn này đòi hỏi các nền kinh tế cần chủ động có những phương án ứng phó phù hợp, linh hoạt để tránh các kịch bản xấu.
Thách thức và cơ hội đối với kinh tế Đông Nam Á
Trong bức tranh kinh tế 2024, báo Le Monde của Pháp đã nhận định, rủi ro số 1 đối với các nền kinh tế là những thay đổi địa chính trị. Trong đó, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng tại Trung Đông là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế thế giới năm nay.
Sau 3 tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, chảo lửa Gaza chưa hạ nhiệt. Điểm đáng lo ngại là nguy cơ xung đột lan rộng đang ngày càng tăng cao với những diễn biến mới tại khu vực Trung Đông, có thể đẩy cả khu vực vào một kịch bản xấu là một cuộc chiến có quy mô rộng lớn hơn, với sự tham gia của nhiều bên, nhiều lực lượng.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 3.Xung đột Hamas - Israel có thể gây hậu quả khôn lường với kinh tế thế giới (Ảnh: AP)

Khung cảnh hoang tàn, đổ nát, người dân sống trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, khủng hoảng nhân đạo ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Đó là những hình ảnh tại dải Gaza sau 3 tháng xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra từ 7/10 năm ngoái.
Israel vẫn đang tiếp tục không kích và tấn công trên bộ vào Gaza. Trong khi, lực lượng Hamas khẳng định tiếp tục tấn công vào các mục tiêu của Israel.
Nguy hiểm hơn, xung đột có nguy cơ lan rộng sang các mặt trận khác, đặc biệt là khi một lãnh đạo cấp cao Hamas bị tiêu diệt ở thủ đô Beirut của Lebanon. Trong khi triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn xa vời.
Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại - cho rằng: "Nguy cơ những gì đã xảy ra năm 2006 có thể xảy ra lần nữa, một cuộc chiến tranh mở, là một nguy cơ không thể loại trừ được. Và những gì xảy ra liên quan cái chết của một trong những thủ lĩnh của Hamas lại là một yếu tố khác có thể đẩy xung đột leo thang đến đỉnh điểm".
Trong một bối cảnh rộng hơn, lực lượng Houthi ở Yemen vẫn tiếp tục các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ, đẩy cả khu vực vào một bối cảnh hỗn loạn, bất ổn. Phong trào này cho biết sẽ tiếp tục ngăn các tàu của Israel hoặc các tàu đi đến Israel đi vào Biển Đỏ và Biển Arab cho tới khi hàng hóa và thuốc thang cứu trợ được phép vào Dải Gaza. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng chiến dịch quân sự trên Dải Gaza.
Vai trò ngày càng tăng của các nước Nam bán cầu
Trong bối cảnh tình hình thế giới với nhiều điểm nóng thì cũng có những chuyển động chính trị đáng chú ý. Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS chính thức kết nạp thêm 5 thành viên từ 1/1/2024, mở rộng quy mô, ảnh hưởng. Nhiều trung tâm khu vực cũng đã có các bước mở rộng, cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước Nam bán cầu.
Ngay ngày đầu tiên của năm mới, BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chính thức kết nạp 5 thành viên mới - Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Với quy mô hơn 1/4 dân số thế giới và hơn 45% GDP toàn cầu, khối này có thể tạo động lực cho các quốc gia thành viên cả về kinh tế và chính trị.
Ông Nasser Kanaani - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - cho biết: "Trở thành thành viên chính thức của BRICS đồng nghĩa với việc nâng cao vị thế quốc tế của Iran. Bằng cách tham gia cơ chế hợp tác này, Iran sẽ phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia của mình, đồng thời nâng cao vai trò mang tính xây dựng của mình trong các cơ chế đa phương quốc tế".
Ông Mohamed Qasem - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ai Cập - cho rằng: "Chúng tôi đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các thành viên mới của BRICS khi mọi thứ phát triển trong vài năm tới. Tôi chắc chắn rằng Ai Cập sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực chung của 10 quốc gia trong BRICS".
Trước đó, năm 2023 cũng chứng kiến tiếng nói ngày càng tăng của các nước Nam bán cầu.
Năm 2023, Ấn Độ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "tiếng nói của nam bán cầu", để nâng cao vai trò các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Năm qua, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cũng đã mở rộng đáng kể quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi, tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển.
Ông Solomon Dersso - Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi Amani, Ethiopia - cho biết: "Châu Phi tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên đấu trường chính trị, kinh tế thế giới không chỉ vì mục đích bảo vệ lợi ích của chính mình mà thậm chí còn đóng góp cho toàn cầu".
Theo các chuyên gia, các nước Nam bán cầu sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong trật tự toàn cầu ngày càng đa cực. Các nguồn lực và quan hệ đối tác của các nước này rất cần thiết để thúc đẩy sự thịnh vượng hơn nữa và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Những diễn biến khó lường của các xung đột địa chính trị, khả năng thay đổi chính sách tại nhiều quốc gia và sự khó đoán định từ những thách thức biến đổi khí hậu sẽ là những thách thức mà cả thế giới phải cảnh giác trong năm 2024 này. Nhưng với xu hướng hợp tác vẫn đang chiếm ưu thế cùng vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự chung tay của thế giới để ứng phó với những thách thức toàn cầu, vì hòa bình, ổn định của thế giới. Và trong bối cảnh đó, Việt Nam, vẫn sẽ là một nhân tố tích cực, một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: VTV.vn