Từ đầu năm đến nay, các quốc gia trên toàn thế giới đã bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ với quy mô lớn nhất kể từ năm 2000.

Trung Quốc đã và đang bán nợ của Mỹ nhưng đây không phải là quốc gia duy nhất thực hiện điều này. Nhiều thị trường mới nổi như Brazil, Ấn Độ và Mexico cũng đang bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ dù cách đây không lâu, tất cả những quốc gia này đều là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khi kênh đầu tư này được xem là nơi an toàn nhất để rót tiền.

“Cách đây khoảng 5-6 năm, mọi người đã rất lo lắng rằng Trung Quốc sắp sở hữu Mỹ. Còn lo lắng hiện nay là Trung Quốc đang bán Mỹ”, nhận định của nhà kinh tế cấp cao Gus Faucher tại PNC Bank.

Số liệu hàng tháng mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy lượng trái phiếu kho bạc mà Chính phủ các nước đã bán ra còn nhiều hơn so với mức họ đã mua vào ròng rã trong 10 tháng tính đến tháng 7/2015.

Theo phân tích của CNNMoney về số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Chính phủ các nước đã bán tháo tổng cộng 103 tỷ USD nợ của Mỹ, tăng gần 45 tỷ USD so với năm ngoái.

Các quốc gia không có tiền mặt để mua trái phiếu kho bạc Mỹ

Đó là hậu quả của đà giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Khi giá hàng hóa bùng nổ cách đây một thập kỷ, các quốc gia thị trường mới nổi đã chốt lời và đầu tư số tiền thu được vào trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như các loại hình tài sản khác tương tự như tiền mặt.

Trong năm 2005, Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã đưa ra thuật ngữ “dư thừa tiết kiệm toàn cầu”.

Vì giá hàng hóa đang trên đà sụt giảm nên các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa như Brazil, Mexico và Indonesia không có tiền mặt để đầu tư vào các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ trước đây.

“Đà tăng trưởng chậm lại cũng đồng nghĩa với việc họ không có nhu cầu mua vào đồng USD vì không có tiền mặt. Vấn đề lớn hơn hiện nay là liệu họ có đủ USD chảy vào nền kinh tế để tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ”.

Các quốc gia này cần tiền mặt để hỗ trợ nền kinh tế

Các quốc gia này cũng đang đứng trước sức ép hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc của mình.

Đồng nội tệ của các quốc gia đang mất giá so với đồng USD. Và một số quốc gia như Trung Quốc đã tiến hành mua vào đồng nội tệ để giá trị của đồng tiền này không rớt giá quá mạnh. Bên cạnh nền kinh tế, Trung Quốc cũng đã chi tiền mặt để hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Trước tình trạng rút vốn ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia cũng muốn đảm bảo rằng họ có đủ tiền mặt để cân bằng tình trạng này.

Vì cần tiền nên các quốc gia này cần phải bán nợ của Mỹ.

“Trước đây, các thị trường mới nổi là đối tượng mua ròng Trái phiếu kho bạc Mỹ và hiện họ đang đối mặt với sức ép ngược lại”, nhận định của Binqi Liu, Giám đốc quản lý quỹ cấp cao tại HSBC Global Asset Management.

Tình trạng găm giữ tiền mặt đã chấm dứt

Điều này đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với tình trạng găm giữ tiền mặt trong một thập kỷ qua - tức tình trạng “dư thừa tiết kiệm” mà Bernanke đã nói cách đây khoảng 10 năm.

Trong năm 2000, lượng tiền mặt trong kho dự trữ ngoại hối của tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đạt tổng cộng 1.8 ngàn tỷ USD và con số này đã phình to lên gần 12 ngàn tỷ USD vào giữa năm 2014.

Hiện lượng dự trữ này đã bắt đầu sụt giảm. Theo IMF, tổng dự trữ tiền mặt đã giảm xuống mức 11.5 ngàn tỷ USD vào giữa năm 2015.

Trên thực tế, báo cáo của Deutsche Bank cho thấy 2015 sẽ là năm đầu tiên trong hơn một thập kỷ dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm.

Đà bán tháo của các Chính phủ nước ngoài đã làm dấy lên nghi ngờ về nhu cầu trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, như các ngân hàng và tổ chức tài chính, đã bắt đầu can thiệp.

Dù vậy, lượng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ đã cho thấy tình trạng dư thừa tiết kiệm toàn cầu đã chấm dứt.

Theo Phước Phạm 

Vietstock

Nguồn: Vietstock