Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu phản đối một gói các biện pháp liên quan tới thương mại, trong đó có dự luật trao cho Tổng thống “Quyền Thúc đẩy Thương mại” (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, để đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này đã gây phản ứng trái chiều tại châu Á.

Việc gói các biện pháp liên quan tới thương mại không được Hạ viện Mỹ thông qua chẳng khác nào một đòn giáng đối với Tổng thống Barack Obama. TPA được cho là đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn tất thỏa thuận TPP. Nếu dự luật này được thông qua, chính quyền của Tổng thống Obama có quyền ký kết các thỏa thuận mà Quốc hội chỉ có thể đồng ý hoặc phản đối mà không được phép đưa ra những sửa đổi.

Quyết định trên của Hạ viện Mỹ cũng là đòn giáng đối với đồng minh của ông Obama cách Mỹ nửa vòng trái đất - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người coi nhiệm vụ hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản là một trong những ưu tiên hàng đầu, và việc thúc đẩy một thỏa thuận thương mại có quy mô rộng lớn với Mỹ (TPP) là một phần quan trọng để đạt mục tiêu này. Nhật Bản, bên lớn thứ hai tham gia đàm phán TPP chỉ sau Mỹ, đặt nhiều hy vọng vào TPP để thúc đẩy thương mại và giúp Chính phủ thực hiện hoạt động tái cơ cấu mà Nhật Bản đang rất cần - đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất ô tô - vốn rất khó thực hiện nếu như không có lực đẩy từ bên ngoài.

Đối với cả hai nước, TPP còn được coi là cách thức để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Với Mỹ, TPP giúp phát huy ảnh hưởng tại châu Á; còn với Nhật Bản, đây là cách để giành lại một số sức mạnh kinh tế mà nước này đã để mất vào tay Trung Quốc. Ông Akira Amari, Bộ trưởng Thương mại và là trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, nhận định kết quả bỏ phiếu vừa qua tại Hạ viện Mỹ khiến tình hình trở nên "hết sức mong manh". Tuy nhiên, ông Amari cũng cho rằng hiện chưa đến mức phải quá nản lòng.

Đối với Trung Quốc, kết quả bỏ phiếu vừa qua tại Hạ viện Mỹ được coi là một chiến thắng. Shi Yinhong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh - nói: "Kết quả này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc rất vui mừng". Hiện, Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng chính thức nào về việc này, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh ngầm hài lòng với kết quả trên, vốn sẽ ngăn cản Mỹ nỗ lực triển khai ảnh hưởng của mình tại châu Á. Trung Quốc không được mời tham gia đàm phán TPP, và tại Mỹ, các quan chức chính quyền thường xuyên "quảng cáo" hiệp định này là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả là nhiều quan chức tại Bắc Kinh nghi ngờ TPP, coi đây là một phần trong kế hoạch "xoay trục" của Mỹ về châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhân vật ôn hòa trong chính phủ Trung Quốc tỏ ra quan tâm tới việc gia nhập TPP trong tương lai, như một cách để khuyến khích các cải cách tạo thuận lợi cho thị trường tại Trung Quốc và tăng cường hội nhập kinh tế châu Á. Mặc dù vậy, trong những tháng gần đây, quan điểm này đã không nhận được nhiều sự quan tâm bởi Trung Quốc đang đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo tại châu Á, trong đó có dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), kế hoạch "Con đường tơ lụa" của Chủ tịch Tập Cận Bình và đề xuất Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Shi Yinhong làm việc tại Đại học Nhân Dân, nói: "Thất bại của TPP là một bước lùi đối với chính sách ngoại giao của ông Obama, bởi vì các quốc gia tham gia đàm phán sẽ bắt đầu nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ". Ông nói thêm rằng các nước châu Á sẽ bắt đầu chuyển sự chú ý của họ khỏi TPP và hướng tới các sáng kiến của Trung Quốc.

Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ cũng là tin tức tốt lành đối với Hàn Quốc - quốc gia đang tìm cách tham gia đàm phán TPP song đã bị Mỹ từ chối bởi không muốn có thêm đối tác đàm phán nữa khi các cuộc thảo luận đã đi tới giai đoạn cuối. Hàn Quốc đã có một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, tuy nhiên việc thực hiện thỏa thuận này đôi khi gặp khó khăn.

Nguồn: Báo Hải Quan