Nhận định trên được đưa ra sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm qua 11/8 bất ngờ hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ với USD thêm 1,9%, đưa tỷ giá về 6.2298 nhân dân tệ/USD, từ mức 6.1162 nhân dân tệ/USD.

Giới quan sát thị trường cho rằng, động thái này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành xuất khẩu sau số liệu đáng thất vọng của tháng 7.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc giảm chủ yếu là do nhu cầu bên ngoài trì trệ. Các nền kinh tế sản xuất trong vùng, từ Đài Loan tới Hàn Quốc, đã chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu suy giảm mạnh trong năm 2015.

Do đó, HSBC nhận định: “Trong một môi trường mà kinh tế chỉ phục hồi nhẹ, các lợi ích của việc giảm giá đồng tiền để trở nên cạnh tranh hơn so với các thị trường xung quanh cũng không rõ ràng hoặc dễ dàng để tận dụng. Nó cũng đi ngược lại mục tiêu lâu dài của các nhà lập pháp để thúc đẩy việc quốc tế hóa hơn nữa cho nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư. … Theo quan điểm của chúng tôi, có thể có một cân nhắc khác đằng sau công bố ngày hôm nay. Chúng tôi tin rằng PBoC đang gia tăng tốc độ cải cách để tăng cường khả năng RMB được đưa vào rổ tiền tệ SDR của IMF”.

Theo HSBC, giới chức Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để thúc đẩy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài hay những thách thức trong nước từ sự phục hồi còn bất định của thị trường bất động sản cho tới tăng trưởng đầu tư còn yếu. Báo cáo gần nhất cho biết, các ngân hàng chính sách sẽ phát hành hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu tài chính để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, khi khả năng phục hồi kinh tế còn mong manh, thị trường vẫn cần những biện pháp nới lỏng thêm nữa trong những tháng tới. HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất chính sách xuống 25 điểm và giảm tỷ lệ dự trữ xuống 200 điểm trong nửa sau năm 2015.
Minh Phương
Theo HSBC