Navy Times dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ hôm qua cho biết việc điều tàu có thể diễn ra trong vài ngày tới, nhưng đang chờ chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua lần cuối. Còn Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ hôm nay cho hay động thái có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới.
Khi được hỏi về thông tin này tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Bắc Kinh từ lâu đã làm rõ lập trường của mình về Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích.
"Tôi chưa xem thông tin mới nhất mà các bạn đề cập. Tuy nhiên, sau khi nghe những gì các bạn nói, chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vấn đề này", AP dẫn lời bà Hoa, nói.
Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận về vấn đề này nhiều lần, kể cả trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington tháng trước, bà nói thêm.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể nhìn nhận tình hình Biển Đông hiện tại một cách khách quan, công bằng, và cùng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông", bà Hoa nói thêm.
Hiện chưa rõ Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào nếu Mỹ tiến hành động thái thách thức yêu sách của nước này ở Biển Đông. Bắc Kinh từng phản đối chính thức về một sự cố hồi tháng 5, khi hải quân Trung Quốc 8 lần yêu cầu máy bay trinh sát P8-A Poseidon của hải quân Mỹ rời khỏi khu vực, khi nó bay qua đá Chữ Thập - nơi Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, cải tạo và xây dựng. Phi cơ Mỹ khẳng định họ đang bay trong không phận quốc tế vào thời điểm đó.
Các dự án cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành trung tâm gây gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, kể từ khi thông tin về hoạt động này bắt đầu xuất hiện năm 2013.
Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động xây đảo và khẳng định động thái này làm gia tăng căng thẳng, đe dọa sự ổn định của khu vực. Họ nói rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc, trong đó có các tòa nhà, bến cảng và đường băng, vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông mà Bắc Kinh ký năm 2002. Văn kiện này thúc giục các bên tranh chấp không xây dựng mới hoặc thực hiện bất kỳ điều gì làm gia tăng căng thẳng.
Theo Phương Vũ
VnExpress