Cụ thể theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lần lượt giảm 3,7% (tính theo USD) và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9.

Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp và nhập khẩu giảm tháng thứ 11 liên tiếp. Xuất khẩu giảm do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu trong khi nhập khẩu giảm do giá hàng hóa lao dốc và nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm mạnh.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc theo đó tăng lên 60,3 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 60,2 tỷ USD của tháng trước đó.

Mặc dù, xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ hơn so với dự báo của giới chuyên gia nhưng nếu xét đến các yếu tố mùa vụ thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thế giới vẫn không có nhiều cải thiện. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới, theo chuyên gia kinh tế Ma Xiaoping tại HSBC.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh nếu không xảy ra vụ nổ ở Thiên Tân hồi tháng 8/2015 và việc đóng cửa tạm thời các nhà máy để giảm ô nhiễm không khí trước lễ duyệt binh tháng 9.

Báo cáo xuất khẩu tháng 9 lại là một dấu hiệu tiêu cực khác đối với kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây, sau báo cáo PMI sản xuất, dự trữ ngoại hối và lĩnh vực bất động sản.

Với những số liệu yếu ớt như vậy, GDP quý III/2015 của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục ở dưới ngưỡng mục tiêu tăng trưởng năm 7% của chính phủ. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 - tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Cục Hải quan Trung Quốc lại khá tự tin về triển vọng xuất nhập khẩu trong quý IV/2015. Ông Huang Songping dự đoán rằng, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại trong 3 tháng cuối năm trong khi xuất khẩu cũng sẽ giảm chậm lại, nhờ một số biện pháp kinh tế gần đây của chính phủ Trung Quốc, như nới lỏng các thủ tục và giảm thuế hải quan. 

Nguyễn Dung

Theo WSJ