Hôm qua, sau 21 phát đại bác chào mừng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, và hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau thảo luận nhiều lĩnh vực. The Diplomat tổng kết lại những vấn đề đáng lưu ý từ cuộc gặp mà ông Tập đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ.

Vấn đề Biển Đông

Biển Đông là một chủ đề lớn trong chương trình nghị sự giữa nguyên thủ hai nước, tuy nhiên Mỹ - Trung đã không đạt được nhiều tiến bộ trong giải quyết những bất đồng liên quan đến các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.

Trước cuộc gặp, ông Obama được kỳ vọng sẽ gây sức ép với ông Tập để Trung Quốc ngừng các hoạt động xây dựng phi pháp ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động này đã khiến Mỹ và các đồng minh ngày càng bất an về ý đồ quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông, theo Wall Street Journal.

Thế nhưng trong cuộc họp báo sau hội nghị, ông Tập đã nhắc lại quan điểm cũ của Trung Quốc rằng họ "có chủ quyền" với những hòn đảo trên Biển Đông "từ thời xưa". Trong khi đó, cụm từ Biển Đông còn không xuất hiện trong bản tóm tắt hội nghị của Nhà Trắng. Cả ông Obama cùng ông Tập đều chỉ nhắc lại những quan điểm của riêng mình về vấn đề này tại buổi họp báo chung.

Điểm đáng chú ý là ông Tập đã lần đầu tiên đưa ra lời cam kết công khai rằng Trung Quốc sẽ không "quân sự hóa" các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho rằng đây là một điều mới, dù cam kết của ông Tập không khác mấy so với những tuyên bố của các quan chức ngoại giao Trung Quốc trước đây.

"Đây là một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên điều chưa rõ ràng là khái niệm 'quân sự hóa' mà ông Tập đưa ra ở đây là gì. Phải chăng đó là việc không triển khai chiến đấu cơ lên các đường băng, hoặc không bố trí lửa trên đảo nhân tạo", ông Bonnie Glaser, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.

"Tuyên bố của ông Tập có thể giúp Mỹ và các bên khác có cái để nói khi đề cập đến các hành động của Trung Quốc trong khu vực. Nhưng để làm được việc đó hiệu quả cần phải có một định nghĩa rõ ràng, không quá rộng về quân sự hóa", ông M. Taylor Fravel, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.

Vấn đề an ninh mạng

Trước chuyến thăm của ông Tập, chính quyền Mỹ đã gây sức ép rất lớn với Trung Quốc về vấn đề an ninh mạng, thậm chí còn đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận chống lại hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp hôm qua, nhìn bề ngoài, có vẻ như ông Obama đã thu được những gì mình muốn. Theo Nhà Trắng, hai bên nhất trí "không thực hiện hoặc cố tình ủng hộ hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ qua mạng, trong đó có các bí mật kinh doanh và thông tin mật của doanh nghiệp, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty hoặc lĩnh vực thương mại".

Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng tuyên bố này sẽ không giải quyết được vấn đề. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Tập đã khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc không tham gia vào hoạt động gián điệp mạng, cũng không ủng hộ các công ty Trung Quốc dùng thủ đoạn này. Do vậy, thỏa thuận trên với Mỹ thực chất chỉ là cái gật đầu của Trung Quốc với những gì mà họ khăng khăng là không làm, và điều đó sẽ không làm các công ty Mỹ cảm thấy an toàn hơn.

Hiệp định đầu tư song phương

Khi chuyến công du tới Mỹ của ông Tập được loan báo, các chuyên gia phân tích cho rằng đây sẽ là bước ngoặt cho Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT). Thế nhưng thực tế cho thấy họ đã quá lạc quan, khi hai bên vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển kể từ khi trao đổi danh sách những lĩnh vực không cho phép nước ngoài đầu tư. BIT thậm chí còn không được nhắc tới trong bản tóm tắt thông tin của Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo chung, ông Obama và ông Tập đều nói rằng họ đã nhất trí "tăng cường" (theo lời ông Obama) và "thúc đẩy mạnh mẽ" (theo lời ông Tập) quá trình đàm phán. Những lời lẽ mang tính ngoại giao này thể hiện một điều rằng BIT vẫn chưa diễn ra đúng như những gì hai bên mong đợi.

Quan hệ quân đội

Quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc không nhận được nhiều chú ý trong cuộc họp báo chung, và nó cũng không được đề cập nhiều trong bản tóm tắt thông tin của Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Mỹ - Trung đã đạt được một số tiến triển nhất định.

Theo thông báo trước đó của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hai nước đã hoàn tất và ký kết một thỏa thuận để kiểm soát các vụ chạm mặt trên không của quân đội hai bên. Thỏa thuận này sẽ ngăn chặn những vụ đối đầu nguy hiểm trên không bằng cách đưa ra những quy định về ứng xử cho phi công quân sự hai nước.

Ngoài ra, dưới sức ép của Mỹ, Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ xem xét biện pháp xây dựng lòng tin tương tự nhằm định hướng hành vi cho lực lượng hải cảnh. Đây là điều rất quan trọng bởi hải cảnh là lực lượng hoạt động tích cực nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, hơn cả hải quân. "Trong nhiều vụ chạm mặt trên biển, tàu hải quân của chúng tôi thường xuyên gặp tàu hải cảnh Trung Quốc, như thể họ đi cùng với tàu hải quân Trung Quốc vậy", Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho hay.

Quan hệ song phương

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng quan hệ Mỹ - Trung nhìn chung ổn định. Ông Obama tuyên bố rằng "sự hợp tác của chúng ta đang phát huy hiệu quả", trong khi ông Tập nhấn mạnh việc xây dựng "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ là "một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc".

Trước chuyến thăm này, ông Tập rất được kỳ vọng sẽ định hình được khái niệm về "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ, trong đó coi Trung Quốc như một cường quốc sánh ngang hàng, bình đẳng với Mỹ.

Tuy nhiên, các tuyên bố trong cuộc họp báo chung cho thấy Mỹ - Trung vẫn chưa thống nhất được khái niệm chung về mô hình này, và đây vẫn sẽ là mục tiêu cho nỗ lực ngoại giao trong thời gian tới của Bắc Kinh. Những tuyên bố mà hai nhà lãnh đạo đưa ra không có gì mới so với những gì mà hai nước đã thể hiện trước đây, chứng tỏ quan hệ hai nước vẫn đang bị bó hẹp trong mô hình hiện tại.

Tuy nhiên, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo cũng đạt được kết quả lớn về biến đổi khí hậu. Trong tuyên bố chung, Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ bắt đầu "hệ thống thương mại hóa khí thải quốc gia" vào năm 2017. Mỹ cũng sẽ thực hiện Kế hoạch Năng lượng Sạch, cam kết giảm 32% lượng phát thải CO2 từ các nhà máy phát điện vào năm 2030 so với mức năm 2005.

Những tuyên bố này được cho là sẽ nâng cao cơ hội thành công cho một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức ở Paris vào tháng 12. Ông Obama cho rằng với việc Mỹ và Trung Quốc – hai nước phát khí thải nhiều nhất thế giới – nhất trí với nhau, thì các nước khác "không có lý do gì" để từ chối tham gia nỗ lực của họ.

Câu hỏi mà The Diplomat đặt ra là quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu khi cuộc gặp được kỳ vọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất đã qua mà chưa đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Theo Trí Dũng
VnExpress

Nguồn: VnExpress