Theo chuyên gia Susan Minmeyer từ Viện Tài nguyên thế giới (WRI), với mức độ ô nhiễm này, toàn bộ dân số đang sinh sống tại Singapore đều có khả năng bị ảnh hưởng.
Chính phủ Singapore cho biết Chỉ số ô nhiễm tiêu chuẩn (PSI) của nước này vượt ngưỡng an toàn và gia tăng đến con số 423 – mức cao nhất từ trước đến nay.
Cục Môi trường quốc gia Singapore cho biết theo thang đo này, mức PSI từ 201-300 bị xem là “rất không tốt cho sức khoẻ”. Do đó, với PSI 423, từ tối hôm 24-9 Chính phủ Singapore buộc phải ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường tiểu học và trung học trên toàn đất nước cho đến khi tình hình được cải thiện.
Bà Susan Minmeyer cho biết ô nhiễm trong không khí có khả năng tồi tệ hơn nếu hướng gió thay đổi từ đám cháy rừng ở khu vực phía nam Sumatra, Indonesia.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo trên trang Facebook cá nhân của mình rằng ông huỷ bỏ chuyến đi đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York để giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, chấp nhận bỏ lỡ buổi tưởng niệm cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu tổ chức ở New York ngày hôm qua 24-9.
Ông Lý Hiển Long cũng đề nghị người dân Singapore "hãy uống thật nhiều nước, tránh đi ra ngoài đường nếu có thể, chú ý đến hàng xóm và bạn bè, và giữ an toàn".
Trong hơn hai thập kỷ qua, khói từ Indonesia lan truyền ra nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á khi chủ đất cùng nông dân nước này bắt đầu đốt cháy nhiều bụi cây và rừng để chuẩn bị cho mùa vụ trồng trọt tiếp theo trong mùa khô.
Nghiêm trọng nhất là vào năm 1997, 1998, khi đám khói này gây thiệt hại kinh tế tổng cộng 9 tỉ USD trong khu vực, làm nhiều nơi ở Thái Lan và Malaysia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cộng hưởng với hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay, các chuyên gia thời tiết dự báo tình trạng ô nhiễm do khói bụi trên sẽ còn trầm trọng hơn nhiều.
Như WRI cảnh báo, các vụ cháy rừng ở Indonesia đạt đến đỉnh điểm trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng trong tuần trước, nước này ghi nhận hơn 13.000 cảnh báo hỏa hoạn.
Theo Hải Yến
Tuổi Trẻ