Singapore đã vừa giành vị trí đầu trong báo cáo xếp hạng các thương hiệu quốc gia mạnh nhất năm 2015, qua đó soán ngôi vương của Đức.
Đức hiện tụt xuống vị trí thứ 13 trong bảng tổng sắp, cách khá xa vị trí số 1 nước này nắm giữ hồi năm ngoái.
Công ty nghiên cứu Brand Finance của Anh, nơi thực hiện cuộc đánh giá và xếp hạng kể trên, nói rằng tại hạng mục "sức mạnh thương hiệu quốc gia", giá trị thương hiệu của Đức đã tụt mất 4%, tức khoảng 191 tỷ USD, so với năm ngoái.
Mặc dù tổn thất không có liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải động cơ diesel xảy ra mới đây của hãng Volkswagen (VW), Brand Finance vẫn nói rằng sức mạnh thương hiệu của Đức "dựa một phần lớn vào năng lực sản xuất, gồm các thương hiệu xe hơi như Volkswagen."
David Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance, nói rằng thực tế VW, một thương hiệu mang tính biểu tượng của Đức, lại hành xử như thế sẽ xóa sạch hàng thập kỷ tích cóp danh tiếng tốt đẹp và sẽ "khiến ngành sản xuất ở Đức lãnh tai tiếng."
Báo cáo cũng nói rằng dù danh tiếng quốc tế của Đức đã có một năm tích cực, đặc biệt sau khi nước này giang tay đón hàng trăm ngàn người tị nạn Syria, lợi ích thu được vẫn không đủ để bù lại thiệt hại từ vụ VW.
Trong khi đó, Singapore, nước đứng vị trí thứ 2 trong năm 2014, đã vươn lên số 1 với 88 điểm/thang điểm 100. Brand Finance nói rằng Singapore đã tăng điểm trong một số hạng mục chủ chốt như điểm đến đầu tư và sự phù hợp.
Sức mạnh thương hiệu quốc gia được Brand Finance đánh gia dựa trên một chỉ số gồm 3 yếu tố chính là đầu tư, xã hội, hàng hóa và dịch vụ.
Công ty có đánh giá các yếu tố như chính sách thuế và quản lý thương mại, nhưng không phản ánh các vấn đề khác như nhân quyền và tự do báo chí.
Vị trí thứ 2 trong báo cáo sức mạnh thương hiệu quốc gia 2015 thuộc về Thụy Sĩ với 85,9 điểm. Vị trí thứ 3 thuộc về Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và thứ tư là Phần Lan. New Zealand cùng đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc lần lượt đứng thứ 5 và 6. Qatar đứng vị trí thứ 9.
Theo Vietnam+