Công ty này cho biết đã đạt được một thỏa thuận ủng hộ việc tái cơ cấu với hầu hết các chủ nợ có bảo đảm của mình.
Bà Paula Schneider, Giám đốc điều hành của American Apparel Inc., khẳng định "việc tái cơ cấu này sẽ đảm bảo cho American Apparel có thể trở thành một công ty mạnh và năng động hơn."
Bà cho rằng bằng việc củng cố năng lực tài chính, công ty có thể tái tập trung vào các nỗ lực kinh doanh nhằm thực hiện một "chiến lược xoay chuyển."
Vị giám đốc điều hành này nhấn mạnh "American Apparel không chỉ là một thương hiệu may mặc có tính biểu tượng, mà còn là nhà sản xuất may mặc lớn nhất tại Bắc Mỹ. Chúng tôi đang thực hiện bước đi này để giữ việc làm ở Mỹ và gìn giữ các tư tưởng mà công ty đại diện cho."
Theo hồ sơ phá sản, tổng tài sản và nghĩa vụ pháp lý trên danh nghĩa của công ty nằm trong khoảng từ 100-500 triệu USD.
Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại thành phố Los Angeles, bang California này cho biết sẽ không có bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, đồng thời hy vọng có thể hoàn thành việc tái cơ cấu này trong vòng 6 tháng tới.
Theo thỏa thuận tái cơ cấu, các chủ nợ sẽ cung cấp khoảng 90 triệu USD để tài trợ thông qua việc sở hữu khoản nợ. Công ty hy vọng sẽ cắt giảm khoản nợ từ 300 triệu USD xuống còn 135 triệu USD khi quá trình tái cơ cấu loại bỏ hơn 200 triệu USD trái phiếu đổi lại bằng cổ phần trong công ty mới được tái cơ cấu.
American Apparel được thành lập năm 1989 bởi ông Dov Charney. Khẩu hiệu "Sản xuất tại Mỹ" của ông từng nhận được sự ủng hộ lớn trong giới thanh thiếu niên Mỹ.
Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của một số thương hiệu may mặc khác như H&M, Forever 21 và Inditex's Zara, cũng như việc giảm giá lớn qua mua bán trực tuyến, thương hiệu này đã không có lợi nhuận kể từ năm 2009.
Trước đó, tháng 12 năm ngoái, công ty đã sa thải người sáng lập Dov Charney, gây ra nhiều hệ lụy pháp lý.
Theo Vietnam+