Cụ thể, theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) sáng nay, chất lượng đậu tương đã sụt giảm 5% so với tuần trước đó, xuống còn 53% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, thấp hơn mức dự đoán 55% của thị trường. Tại cùng thời điểm này trong năm, đây là mức xếp hạng cây trồng tốt – tuyệt vời thấp nhất kể từ năm 2012, mùa vụ chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử. Báo cáo cũng cho thấy chất lượng đậu tương tại các bang sản xuất chính của Mỹ như Iowa, Illinois và Indiana đều giảm mạnh trong tuần vừa rồi, đặc biệt là bang Illinois với mức giảm 10%. Điều này phản ánh mùa vụ đậu tương đã phải chịu áp lực tiêu cực từ thời tiết bất lợi trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Trong khi triển vọng nguồn cung dài hạn tại Mỹ có thể bị thắt chặt hơn, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 dồi dào tại Brazil và Argentina dự kiến sẽ bù đắp phần thiếu hụt đó và gâp áp lực lên giá mặt hàng này tại Mỹ. Sở Kinh tế Nông thôn (Deral) dự báo diện tích trồng đậu tương của Parana, bang sản xuất lớn thứ hai của Brazil, đạt 5,8 triệu héc-ta, tăng so với 5,79 héc-ta trong niên vụ trước. Bên cạnh đó, Sở giao dịch hàng hóa Rosario (BCR) có mức ước tính tương đối lạc quan rằng sản lượng đậu tương niên vụ mới của Argentina có thể đạt 48 triệu tấn, cao hơn mức 44 triệu tấn của niên vụ trước đó bất chấp những tác động của hạn hán.
Giá đậu tương đang bị tác động trái chiều từ các thông tin về nguồn cung tại các nước sản xuất chính. Theo đánh giá của chúng tôi, trong ngắn hạn, số liệu từ báo cáo Crop Progress có thể hỗ trợ cho giá hướng lên 1380 nhưng sẽ khó vượt lên vùng giá này.
Giá Arabica vẫn có thể tăng khi tồn kho trên Sở ICE tiếp tục giảm sâu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/09, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Giá Arabica tăng nhẹ khi tồn kho trên Sở ICE vẫn duy trì mức thấp, dù trước đó giá có sự suy yếu do dữ liệu xuất khẩu cà phê tích cực tại Brazil và Honduras. Trái lại, giá Robusta ghi nhận mức giảm hơn 1% khi tồn kho trên Sở ICE bất ngờ quay đầu tăng từ mức thấp lịch sử.
Tổng lượng cà phê Arabica lưu trữ trên Sở ICE vẫn chưa có tín hiệu ngừng lại đà giảm sâu, dù cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này đang được đẩy mạnh, đặc biệt là Brazil. Điều này khiến thị trường trong tâm lý lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên toàn cầu trong ngắn hạn.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tính đến hết ngày 05/09 đang ở mức 467.919 bao loại 60kg, giảm 15.464 bao so với phiên trước đó. Đây cũng là mức tồn kho thấp nhất từng được ghi nhận kể từ giữa tháng 11 năm 2022.
Hơn nữa, trong báo cáo về tồn kho hàng ngày trên Sở ICE, hiện vẫn chưa ghi nhận số bao bổ sung để chờ phân loại mới. Điều này như một tín hiệu cho thấy đà giảm của dữ liệu trên vẫn chưa dừng lại và tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá Arabica trong tương lai.
Các chuyên gia từ Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil cũng cho rằng, việc tồn kho cà phê ở mức thấp trên hai Sở Giao dịch Hàng hóa liên lục địa New York và London sẽ góp phần làm giảm những tác động “bearish” đến giá do xuất khẩu lớn tại Brazil gây ra.
Giá kim loại quý có thể biến động mạnh trước dữ liệu PMI dịch vụ của Mỹ vào tối nay
Giá kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng khi thị trường thiếu vắng thông tin cơ bản hỗ trợ mạnh.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 6/9 cho thấy, đơn hàng nhà máy của Đức trong tháng 7 giảm 11,7% so với tháng trước, suy yếu mạnh hơn so với mức dự báo giảm 4,0% của giới phân tích và mức tăng 7,6% được điều chỉnh từ 7,0% trong tháng 6. Điều này khiến cho đồng Euro suy yếu trước đồng USD, do sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vẫn đang bị đè nặng bởi áp lực lãi suất cao.
Ngoài ra, đồng Bảng Anh cũng đang mất giá so với đồng USD khi mới đây, Birmingham, thành phố lớn thứ 2 của Anh đã tuyên bố vỡ nợ, tạm dừng mọi chi tiêu ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu, do thành phố này gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản lương bằng nhau với tổng giá trị lên tới 760 triệu Bảng Anh (tương đương với 956 triệu USD).
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ tháng 8 của Mỹ công bố vào phiên tối. Các dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh toàn cầu phần lớn đã chậm lại trong tháng 8 do nhu cầu yếu và chi phí vay tăng cao. Lĩnh vực dịch vụ của Đức lần đầu tiên thu hẹp trong năm nay và lĩnh vực dịch vụ của Pháp yếu hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại Anh và khu vực đồng Euro (Eurozone) cũng đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong tháng 8. Về phía Trung Quốc, hoạt động dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 8 tháng.
Hơn nữa, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Mỹ đã suy yếu trở lại trong tháng 8, sau 3 tháng liên tiếp mở rộng, theo dữ liệu từ Conference Board công bố vào ngày 29/08. Do vậy, nhiều khả năng PMI dịch vụ của Mỹ trong tháng 8 có thể sẽ suy yếu. Đồng USD khi đó có thể sẽ gặp áp lực và khiến giá kim loại quý được hưởng lợi.
Động lực tăng của giá dầu có thể đã chững lại trong phiên hôm nay Thông tin Saudi Arabia và Nga đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm nay cho thấy rõ mong muốn kiểm soát giá dầu ở trên mức 80 USD/thùng khi bắt đầu bước sang giai đoạn cuối của mùa tăng trưởng nhu cầu.
Động thái quyết liệt này đã hỗ trợ giá dầu vượt qua được mức kháng cự trong gần một năm qua. Theo đó, việc cắt giảm sản lượng làm gia tăng các mối lo thiếu hụt nguồn cung dầu, khiến các quốc gia sẽ ưu tiên cho vấn đề dự trữ dầu, thúc đẩy giá tăng trong ngắn hạn.
Cùng với đó, những thông tin tích cực của kinh tế Mỹ đang củng cố kỳ vọng nhu cầu thực tế sẽ tăng, mặc dù giai đoạn này đang là cuối của mùa hè.
Cũng trong tuần này sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, theo nhận định hội nghị có thể bàn về vấn đề căng thẳng năng lượng nảy sinh kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra cho đến thời điểm hiện tại, khi OPEC+ duy trì các chính sách cắt giảm nguồn cung.
Theo các nguồn tin, nhóm G7 và đồng minh đã gác lại các đánh giá về kế hoạch gia hạn trần giá dầu Nga được áp dụng trong năm nay. Các nhà sản xuất dầu Nga vẫn có thể bán dầu bằng cách sử dụng ít tàu và dịch vụ bảo hiểm của phương Tây hơn, khiến cho phương Tây sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thực thi mức trần giá vì nằm ngoài thẩm quyền.
Diễn biến này cho thấy là động thái nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nhập khẩu dầu từ Nga.
Đánh giá về cơ bản các tin tức mang tính bất ngờ tương tự phiên tối hôm qua có thể sẽ không còn nhiều, điều này tạm thời đang mang lại sự ổn định của giá dầu và làm giá hạ nhiệt trở lại trong cuối phiên hôm qua đến hiện tại.
Như vậy, khi các nguồn tin mang yếu tố bất ngờ đã qua đi thì rất có thể giá sẽ quay trở lại nhịp độ ổn định và có khả năng sẽ điều chỉnh giảm.