Ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ, dân số và nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này có nhu cầu rất cao đối với hàng hóa nguyên liệu, vượt quá sản lượng nội địa. Sự bùng nổ giá mọi thứ trong thời gian gần đây, từ đồng đến than đá, đã đẩy chi phí sản xuất ở nước này lên mức cao nhất kể từ 2008, làm cản trở đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Cùng với ảnh hưởng của nhu cầu bất tận là sự nhạy cảm vô cùng đối với sự biến động của thị trường hàng hóa và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải hành động bất cứ khi nào các điều kiện thị trường đe dọa đến ngành công nghiệp quan trọng hoặc tới người dân của mình.
Mối quan tâm chính của các nhà hoạch định chính sách là giá hàng hóa tăng sẽ đẩy nhanh lạm phát và làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất. Rủi ro nay đã hiện hữu khi chỉ số giá sản xuất chủ chốt tháng 5 tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, gần gấp rưỡi mức tăng 6,8% của tháng 4 và cũng cao hơn mức dự đoán trong cuộc thăm dò trước đó là 8,5%, làm sụt giảm nghiêm trọng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất – vốn đã eo hẹp.
Nội các Trung Quốc trong cuộc họp ngày 19/5 gọi việc giá tăng cao là "không hợp lý”, tuyên bố họ sẽ tăng cường quản lý nguồn cung hàng hóa. Chính phủ nước này đã mở chiến dịch chống việc “buôn bán bất chính” và kêu gọi các nhà sản xuất than tăng sản lượng.
Cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thực hiện 2 cuộc theo dõi riêng biệt ở các thị trường than và quặng sắt, trong khi Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia – quản lý kho dự trữ chiến lược bí mật – đã công bố danh sách bán các kim loại chủ chốt, những đợt bán hiếm hoi từ trước tới nay, nhằm mục đích bù đắp phần nào vào khoảng trống thiếu hụt nguồn cung và giúp hạ nhiệt giá kim loại.
Ngoài ra, NDRC đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có việc công bố thêm các quy tắc mới, theo đó yêu cầu các nhà định giá hàng hóa phải minh bạch và nhất quán hơn kể từ tháng 8 này – một phần của cuộc can thiệp toàn diện vào thị trường hàng hóa nguyên liệu mà Bắc Kinh tiến hành cho đến nay, báo hiệu cách tiếp cận mới của Chính phủ trong việc quản lý giá nguyên liệu.
Mặc dù tốc độ tăng giá hàng hóa nhập khẩu tại nhà máy của Trung Quốc đã chậm lại một chút trong tháng 6, sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp hạ nhiệt giá cả. Theo đó, chỉ số giá sản xuất tháng 6 tăng 8,8%, song đó vẫn là mức cao khiến hầu hết các nhà sản xuất “khó chịu” trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và khó có thể chuyển hết gánh nặng giá cả sang vai người tiêu dùng khi lạm phát giá tiêu dùng cũng đã tăng cao.
Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa các kim loại chủ chốt, 1/3 tổng thương mại sản phẩm cây trồng trên toàn cầu và gần 20% tổng thương mại dầu của toàn thế giới.
Frederic Neumann, trưởng bộ phận Kinh tế Châu Á của ngân hàng HSBC, cho biết: “Các động thái đây của Trung Quốc đã thành công trong việc làm giảm giá hàng hóa. Tuy nhiên, về cơ bản, giá nguyên liệu thô được thúc đẩy bởi cung và cầu trên toàn cầu, mà Chính phủ Trung Quốc chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp."
Tuy nhiên, giá hầu hết các nguyên liệu đầu vào quan trọng, bao gồm than, nhôm và kẽm giao dịch trên sàn Thượng Hải, hiện vẫn ở mức gần cao nhất trong nhiều năm.
Một số nhà kinh tế cho rằng chi phí tăng cao chỉ làm tạm thời và sẽ mất dần khi chuỗi cung ứng hồi phục sau cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn cầu. Song nhiều người khác lại chỉ ra rằng sản lượng toàn cầu bị hạn chế, thời gian các hoạt động khai thác mới đi vào hoạt động tăng chậm và nhu cầu ngày càng tăng khi các nền kinh tế trên thế giới hồi phục và tăng trưởng sẽ ngăn cản giá nguyên liệu giảm nhiều.
Với việc các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang hồi phục trở lại sau giai đoạn đóng cửa kéo dài vì Covid-19, sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu dự kiến sẽ tăng lên, ngăn cản giá giảm trong ngắn hạn, thậm chí có thể đẩy giá tăng trở lại.
Shan Hui, trưởng nhóm phụ trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs Asia, cho biết: “Giá một số mặt hàng đã giảm…. Điều đó chứng tỏ rằng (các biện pháp) có hiệu quả, ít nhất là trong thời gian tới,” nhưng cần có một cái nhìn toàn diện về cung và cầu trong dài hạn.
Wu Shiping, nhà phân tích của Tianfeng Futures, cho biết giá than cốc, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép đang ở mức cao là do thiếu hụt nguồn cung. Còn đối với quặng sắt, ông Shiping cho biết: “Lượng cung (quặng sắt) từ các công ty khai thác lớn đã giảm và thị trường kỳ hạn đang bám theo giá giao ngay”.
Trên thực tế, giá kim loại cơ bản, thép và than kỳ hạn tương lai, cũng như hợp đồng mở (lượng tiền chảy vào các hợp đồng kỳ hạn tương lai) tại các sàn giao dịch Trung Quốc đã giảm khỏi mức cao kỷ lục do các biện pháp hạ nhiệt giá cả của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hợp đồng mở của các mặt hàng lợn sống, quặng sắt và than cốc vẫn gần mức cao kỷ lục.
Ví dụ như than nhiệt – vốn bị trỉ chích nhiều trong việc được sử dụng làm nguyên để tạo ra năng lượng cho hầu hết các nhà máy, văn phòng và nhà ở. Khi Bắc Kinh công bố kết quả khảo sát vào ngày 18/6, hợp đồng than nhiệt giao dịch tại Trịnh Châu đã tăng lên mức kỷ lục trên 900 nhân dân tệ/tấn, tăng 30% so với chỉ 6 tuần trước đó.
Mặc dù sau đó đã giảm xuống dưới 800 nhân dân tệ do cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách và phí giao dịch hối đoái cao hơn làm giảm nhiệt thị trường than, nhưng giá nhanh chóng quay trở lại mức gần cao kỷ lục, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do thời tiết nắng nóng thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện chạy điều hòa cho tới mùa Thu.
Đối với quặng sắt, giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép – ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc – đã giảm hơn 1/5 từ mức cao kỷ lục mọi thời đại vào tháng 5, nhưng lý do của sự sụt giảm này phần lớn là bởi việc Trung Quốc hạn chế sản lượng thép để giảm lượng khí thải.
Trong khi đó, hợp đồng mở - thước đo số lượng người tham gia vào các hợp đồng giao dịch trên thị trường kỳ hạn tương lai – cho thấy hoạt động đầu cơ không phải là động lực chính của thị trường này, và hầu hết những người nắm giữ các hợp đồng đều cảm thấy thoải mái dù bị Chính phủ siết chặt việc giám sát.
Trong khi đó, hành động bán hàng từ kho dự trữ quốc gia không có nhiều tác động đối với các mặt hàng đồng, nhôm và kẽm trên thị trường Trung Quốc – vốn hiện đang cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, giá lợn và thịt lợn năm nay cũng giảm mạnh, giảm 50% từ đầu năm đến hiện tại, nhưng lý do chỉ một phần bởi sản lượng hồi phục, còn lại phần nữa là bởi dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, khiến các nhà sản xuất lợn phải cấp tâp giết mổ lợn để tránh bị thiệt hại nếu lợn nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc sắp tới sẽ sụt giảm, giá có thể sẽ tăng trở lại.
Cần lưu ý rằng, biện pháp can thiệp từ phía nguồn cung chỉ có tác động ngắn hạn, nhất là khi việc mở rộng sản xuất (nguyên liệu) cần có thời gian. Theo chuyên gia Neumann của HSBC, việc kiềm chế hơn nữa giá hàng hóa (của Trung Quốc) cuối cùng có thể khiến cho các lĩnh vực sử dụng nhiều nguyên liệu giảm tốc độ tăng trưởng.
Ông nói: “Có những lý do để tiên đoán điều đó sẽ xảy ra, một phần là do các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn khiến tốc độ xây dựng nhà chậm lại,” và thêm rằng Trung Quốc có thể giúp các công ty quản lý rủi ro biến động giá hàng hóa bằng việc cho mỏ rộng giao dịch trong nước và cung cấp thêm nhiều sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
 

Nguồn: VITIC / Reuters