Trong báo cáo tháng này, số liệu đáng chú ý là năng suất đậu tương niên vụ 2023/24 đã bị cắt giảm mạnh xuống còn 50,9 giạ/mẫu, từ mức 52 giạ/mẫu trong tháng trước và thấp hơn mức 51,3 giạ/mẫu dự đoán trung bình của thị trường. Mặc dù rõ ràng là thông tin nghiêng về hướng "bullish", tuy nhiên, đây cũng không phải là yếu tố quá bất ngờ đối với thị trường khi con số được USDA đưa ra vẫn nằm trong khoảng dự đoán. Mặt khác, với việc thời tiết tại Mỹ đang tiếp tục tích cực như hiện tại, thị trường có quyền hy vọng rằng năng suất đậu tương năm nay của Mỹ có thể sẽ ghi nhận sự cải thiện trong các báo cáo tới. Với mức sản lượng cũng được điều chỉnh thấp hơn, xuất khẩu niên vụ 2023/24 của Mỹ được USDA cắt giảm 25 triệu giạ so với báo cáo tháng 07. Tồn kho cuối niên vụ 2023/24 được dự báo đạt 245 triệu giạ, giảm 65 triệu giạ so với báo cáo trước và thấp hơn dự đoán trung bình của các chuyên gia. Nhìn chung, mặc dù các số liệu trong báo cáo WASDE lần này đang mang đến ảnh hưởng "bullish" đến giá, tuy nhiên, nếu diễn biến thời tiết tiếp tục thuận lợi ở Midwest, áp lực bán có thể sẽ quay trở lại thị trường và khiến đà tăng hiện tại bị cản trở.
Đối với báo cáo Export Inspections, chúng tôi cho rằng giao hàng niên vụ 2022/23 của Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp như những tuần trước. Tính đến ngày 03/08, tỷ lệ giao hàng đậu tương so với xuất khẩu cả niên vụ 2022/23 mới chỉ đạt 94,51%. Chỉ còn 4 tuần nữa là kết thúc niên vụ và Mỹ sẽ cần giao ít nhất 0,77 triệu tấn đậu tương mỗi tuần để có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu là 53.89 triệu tấn. Nếu số liệu tối nay không có sự đột phá, đây là thông tin có thể gây sức ép lên giá.

Giá Arabica vẫn có thể giảm khi nguồn cung đang tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch tuần 07/08 – 13/08, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong đó, giá Arabica suy yếu khi xuất khẩu đang được đẩy mạnh tại Brazil và hoạt động thu hoạch cà phê đã gần kết thúc. Trong khi đó, nguồn cung cà phê vẫn khan hiếm tại Việt Nam khiến hoạt động xuất khẩu chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, từ đó hỗ trợ giá Robusta khởi sắc trong tuần qua.
Hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil dần được đẩy mạnh với mặt hàng Arabica khi đã thu đã đạt 80% diện tích dự kiến. Dù tiến độ có phần chậm hơn so với lịch sử nhưng triện vọng sản lượng cà phê tích cực khiến nguồn cung vụ mới đang sẵn có, từ đó tạo điều kiện để xuất khẩu gia tăng.
Trong 11 ngày đầu tháng 08, Brazil đã xuất khẩu 1.194.879 bao cà phê loại 60kg, tăng 26% so với mức 946.453 bao trong cùng kỳ tháng trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Với hơn 1 triệu bao đã vận chuyển, có 866.254 bao cà phê Arabica, cao hơn so với mức 687.910 của 11 ngày đầu tháng 07.
Trước đó, dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 07 của Brazil do CECAFE công bố cũng cho thấy sự tích cực so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu cà phê xanh của Brazil đã đã đạt 2,695 triệu tấn trong tháng 7, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica chiếm phần lớn xuất khẩu của Brazil tăng 6,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 2,19 triệu bao.
Không chỉ tại Brazil, Colombia, quốc gia xuất khẩu Arabica lớn thứ 2 thế giới cùng được nhận định có nguồn cung gia tăng trong niên vụ 2023/24. Thời tiết bình thường trở lại sau ảnh hưởng mưa lớn của La Nina giúp mùa vụ cà phê phục hồi.

Lo ngại kinh tế Trung Quốc suy yếu có thể cản trở đà tăng của giá đồng
Trong phiên sáng đầu tuần, giá đồng mở cửa với lực bán áp đảo, chịu sức ép chủ yếu bởi đồng USD mạnh lên và triển vọng kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Dự báo giá sẽ giảm trong cả phiên hôm nay khi thị trường thiếu vắng tin tức hỗ trợ.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang bị đè nặng bởi sự sụt giảm bất động sản ngày càng tồi tệ, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi niềm tin tiêu dùng yếu kém. Các số liệu chính thức được công bố vào ngày 15/08 dự kiến sẽ chỉ cho thấy mức tăng vừa phải về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định, cho thấy đà phục hồi tăng trưởng chững lại.
Thêm vào những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy yếu, tập đoàn tài chính hàng đầu của Trung Quốc, Zhongzhi Enterprise Group, đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thanh khoản khi không thể trả lãi trái phiếu.
Trong khi đó, nhà phát triển bất động sản Country Garden đã bị đình chỉ giao dịch trái phiếu vào sáng nay trong bối cảnh các vấn đề về nợ ngày càng trầm trọng.
Những lo ngại về tính thanh khoản của các công ty hàng đầu Trung Quốc đang làm gia tăng tâm lý bi quan trên thị trường sau khi Trung Quốc công bố các khoản vay và hỗ trợ tín dụng sụt giảm mạnh trong tháng 7.
Do đó, trong tình hình hiện tại, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc phải có những hành động mạnh mẽ để kích thích kinh tế. Nếu không, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể rơi vào hiệu ứng domino và khiến cho nền kinh tế ngày càng lao dốc.
Bên cạnh đó, yếu tố nguồn cung lại tương đối tích cực, khiến cho giá đồng thiếu vắng động lực tăng. Cụ thể, Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đang đẩy mạnh cải cách thể chế để thúc đẩy hoạt động khai thác. Bộ Năng lượng và Mỏ Peru (MINEM) cho biết họ đang lên kế hoạch loại bỏ các rào cản cản trở hoặc trì hoãn hoạt động thăm dò và phát triển khai thác mỏ dự án, kích thích đầu tư, đồng thời thực hiện các biện pháp để giảm thiểu xung đột xã hội.
