Vào tối nay, thị trường sẽ đón nhận một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ tháng 8.
Với việc hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 8, theo dữ liệu từ S&P Global và Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố vào đầu tháng 9 cho biết, nhiều khả năng PPI tháng 8 của Mỹ sẽ hạ nhiệt. Ngoài ra, việc chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ suy yếu trong tháng 8 do áp lực từ môi trường lãi suất cao làm tăng chi chí vay cũng có thể khiến doanh số bán lẻ suy giảm. Nền kinh tế hạ nhiệt sẽ thúc đẩy kỳ vọng Fed sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Đồng USD sẽ gặp áp lực và khiến giá kim loại quý được hưởng lợi.
Ngoài ra, quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng có thể sẽ chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của đồng USD, gián tiếp ảnh hưởng đến giá kim loại quý. Trước đó vào đầu tháng 9, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng ECB sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tuần này. Tuy nhiên, trước những báo cáo cho rằng ECB dự báo lạm phát tại khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ ở mức trên 3% trong năm 2024, đặc biệt là trong bối cảnh đồng euro bắt đầu mất ổn định, điều này có thể gây thêm áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương.
Nếu ECB tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, đồng euro sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD và từ đó hỗ trợ giá kim loại quý.
Giá cà phê có thể quay đầu giảm khi tồn kho tăng trở lại
Kết phiên giao dịch ngày 13/9, giá 2 mặt hàng cà phê có sự trái chiều. Giá Robusta tăng gần 2% khi xuất khẩu có tín hiệu chững lại sao với tháng trước tại Brazil và nguồn cung vẫn đang trong tình trạng khan hiếm ở Việt Nam. Trong khi đó, giá Arabica diễn biến khá giằng co trước sự trái chiều từ tín hiệu tích cực trong tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US và sự hạn chế bán hàng của nông dân Brazil.
Dù xuất khẩu đang có tín hiệu chậm lại nhưng Brazil vẫn còn nhiều tiềm năng để gia tăng lượng cà phê vận chuyển đi quốc tế trong niên vụ 2023/24.
Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà phê nhân, tăng 33,3% so với cung kỳ năm 2022, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE).
Trong số 3,35 triệu bao cà phê nhân xuất đi trong tháng 8, có 2,65 triệu bao cà phê Arabica, tăng 11,2% so với tháng 8 năm 2022.
Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US cũng đưa thêm tín hiệu tích cực. Tổng lượng Arabica tại đây giữ nguyên tại mức 442.548 bao loại 60kg khi kết phiên hôm qua và số bao chờ phân loại cũng vẫn còn 19.820 bao. Điều này càng gia tăng kỳ vọng tồn kho sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.
Tuy vậy, chỉ số Dollar Index đang yếu đi khi chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI lõi) tháng 8, loại bỏ biến động về giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm của Mỹ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo của giới chuyên gia.
Giá ngô có thể chịu sức ép từ báo cáo Export Sales tối nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/09, thị trường ngô vẫn duy trì sắc xanh sau khi ghi nhận phiên tăng giá mạnh vào hôm qua. Tuy nhiên, giá chủ yếu đi ngang với biên độ hẹp trong khoảng 2 cent trên mốc tham chiếu và đang có dấu hiệu suy yếu trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin cơ bản. Bên cạnh việc theo sát diễn biến xung đột tại biển Đen, thị trường cũng quan tâm đến tình hình xuất khẩu tại Mỹ trong thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm của niên vụ 23/24.
Trước thềm báo cáo Export Sales được công bố tối hôm nay, hãng tin Reuters đã tổng hợp dự đoán của thị trường về số liệu giao hàng và bán hàng ngô trong tuần trước. Cụ thể, khối lượng bán ngô niên vụ 23/24 của Mỹ hiện đang được dự báo trong khoảng 0,5 – 1,1 triệu tấn, khá thấp so với mức gần 1 triệu đã được trong tuần trước đó. Trong tuần đánh giá, Mỹ không ghi nhận thêm đơn hàng mới của ngô trong báo cáo Daily Export Sales. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc đối với ngô Brazil càng ngày càng cao, đối tác mua hàng hàng đầu của Mỹ đã nhập khẩu 4,85 triệu tấn ngô Brazil trong 8 tháng đầu năm nay. Điều này ảnh hưởng trưc tiếp đến xuất khẩu ngô tại Mỹ và đặt ra kịch bản số liệu bán hàng có thể sẽ sụt giảm trong tuần này, đồng thời tác động “bearish” đến giá trong phiên hôm nay.
Đối với tình hình xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen, mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm con đường vận chuyển ngũ cốc mới qua đường bộ và đường sắt, xuất khẩu Ukraine vẫn ghi nhận mức giảm mạnh trong hai tuần đầu tháng 09. Tiềm năng xuất khẩu qua các tuyến đường trên sông Danube đã bị cắt giảm 0,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng bởi tác động của các cuộc tấn công của Nga vào nước này. Ở chiều ngược lại, nguồn cung giá rẻ từ Nga được dự báo sẽ bù đắp nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine khi hãng Sovecon nâng dự báo ngũ cốc niên vụ 23/24 của Nga 58,9 triệu tấn. Lo ngại về nguồn cung thiếu hụt cũng sẽ phần nào được xoa dịu và hạn chế giá tăng trong ngắn hạn.