Mặc dù biến động trái chiều giữa các xuất xứ, song nhìn chung giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo của Thái Lan cao nhất, và của Ấn Độ thấp nhất.
Diễn biến giá gạo XK của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam
5 tháng đầu năm 2020 (loại 5% tấm, USD/tấn)
Nguồn: Tổng hợp từ Reuters
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng đều đặn hàng tuần trong mấy tuần gần đây do nhu cầu mạnh từ các khách hàng Châu Phi và Châu Á. Mặc dù vậy, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ hiện vẫn rẻ hơn gần 30% so với gạo cùng loại của Thái Lan và rẻ hơn trên 15% so với gạo Việt Nam.
Tính chung trong một tháng, từ 23/4 đến 24/5/2020, giá gạo đồ 5% tấm tăng khoảng 3%, sau khi đã tăng khoảng 4% trong tháng trước đó. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm trong tuần kết thúc vào ngày 22/5/2020 có giá 385 – 389 USD/tấn (cao nhất trong vòng 1 năm), so với mức 374 – 379 USD/tấn cuối tháng 4/2020 (cao nhất trong vòng 8 tháng).
Đồng rupee yếu đi giúp hạn chế đà tăng giá gạo Ấn Độ mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu, góp phần làm tăng sức cạnh tranh cho gạo xuất khẩu của nước này. Lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài từ 25/3 đến 4/5/2020 khiến cho các nhà xuất khẩu nước này phải tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu từ cuối tháng 3/2020 cho tới đầu tháng 4/2020 càng đẩy giá gạo của nước này tăng lên.
Giá gạo Thái Lan trong khoảng thời gian từ 23/4 đến 24/5/2020 giảm gần 10% do các khu vực sản xuất lúa đã có mưa, làm giảm lo ngại về nguy sơ sụt giảm sản lượng do hạn hán. Thị trường Thái Lan bắt đầu có gạo vụ mới, và việc các nước xuất khẩu khác khôi phục hoạt động xuất khẩu cũng tác động làm giảm giá gạo Thái Lan.
Gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan trong tuần thứ 3 của tháng 5/2020 có giá 480 – 505 USD/tấn, giảm gần 10% so với mức 530-556 của một tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo Thái Lan hiện thấp hơn khoảng 27%.
Đồng baht Thái có xu hướng mạnh lên nhưng giá vẫn giảm vì nhu cầu yếu. Ngày 18/5/202, baht Thái tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng. Nhu cầu gạo Thái Lan từ khách hàng quốc tế ở mức thấp trong nhiều tháng nay vì giá cao hơn các đối thủ khác. Trong mấy tuần qua, các nhà xuất khẩu Thái Lan ký được một số hợp đồng với một số khách hàng, như Nhật Bản, nhưng khối lượng nhỏ.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ trong khoảng thời gian từ 23/4/2020 đến 24/5/2020 giữa bối cảnh nhu cầu khá cao nhưng nguồn cung trên thị trường trong nước không còn nhiều. Gạo 5% tấm xuất khẩu trong tuần thứ 3 của tháng 5/2020 có giá 450 – 460 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD/tấn (hơn 2%) so với một tháng trước đó. Đây là mức giá cao nhất trong vòng gần 1 năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cao hơn khoảng 30%.
Giá lúa gạo tại Philippines tiếp tục tăng do Covid-19 khiến các cơ quan chính phủ cũng như các hộ gia đình đều tăng cường tích trữ lương thực trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng nhanh.
Giá thóc gạo ở nước này đã bắt đầu giảm từ tháng 1/2019 cho tới đầu năm nay, sau khi Chính phủ Philippines thực hiện Luật Thuế quan về gạo, nhưng quay đầu tăng trở lại kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Giá thóc tại cổng trại trong tuần đầu tiên của tháng 5/2020 là 18,81 peso/kg, so với 15,79 peso đầu năm 2020; giá gạo xát thường và xát kỹ tăng lần lượt 3,75% và 2,15% lên 37,90 peso/kg và 42,34 peso/kg.
Giá gạo tại Indonesia cũng tiếp diễn xu hướng tăng nhẹ mặc dù nước này đang giữa vụ thu hoạch lúa và Chính phủ đã tăng gấp đôi lượng gạo xuất bán ra thị trường. Giá bán lẻ gạo trung bình trên thị trường hiện là 12.050 rupiah (0,81 USD)/kg, tăng so với 11.800 rupiah hồi đầu năm và so với 11.700 rupiah cách đây một năm. Giá gạo Bulog bán lẻ ra thị trường giao động trong khoảng 9.450 rupiah đến 10.250 rupiah/kg tùy mỗi khu vực.
Giá gạo Uruguay hầu hết tăng nhẹ trong vòng một tháng qua, trong khi giá gạo Argentina và Paraguay nhìn chung không thay đổi. Giá gạo Mỹ tháng qua tăng, với gạo xay xát hạt dài (gạo số 2, 4% vỡ) (FOB tại vùng Vịnh) hiện có giá 675 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần kết thúc vào ngày 7/4/2020. Đây là mức giá cao nhất 7 năm của loại gạo này. Giá gạo hạt dài xay xát của Mỹ hiện được hỗ trợ ở mức cao bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh sang Haiti và nguồn cung dự báo sẽ thắt chặt trong mùa Hè này, trước vụ thu hoạch 2020/21. Chênh lệch giá giữa gạo Mỹ so với gạo Thái Lan (hạt dài, xay xát) hiện ở mức 129 USD/tấn, tăng so với 83 USD/tấn cách đây một tháng.
Cung – cầu. Nguồn cung tăng dần khi một số nước nới lỏng những chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, và một số nước vào mùa thu hoạch lúa. Tuy nhiên, nhìn chung các nước vẫn chưa kết thúc hoàn toàn việc cách ly/giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, vận chuyển gạo xuất khẩu ở một số thị trường vẫn gặp khó khăn. Vụ thu hoạch ở Nam Mỹ bắt đầu từ cuối tháng 3/2020 và hiện sắp kết thúc.
Về nhu cầu, một số nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia và Malaysia có nhu cầu mua gạo để bổ sung vào kho dự trữ.
Dự báo giá gạo xuất khẩu trên thế giới sẽ duy trì vững. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giá giữa các xuất xứ sẽ thu hẹp dần lại trong bối cảnh nguồn cung tăng và nhu cầu cũng duy trì ổn định.
 

Nguồn: VITIC/Reuters