Loạt phát biểu “diều hâu” từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian gần đây vẫn đang là yếu tố chính hỗ trợ đồng USD. Mới đây nhất, tại một sự kiện ở trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Chủ tịch Fed bang Minneapolis, đồng thời là thành viên bỏ phiếu về các quyết định chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), ông Neel Kashkari, dự đoán rằng với khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế Mỹ, Fed có thể sẽ cần phải tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Ngoài ra, đứng trước nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10, vai trò trú ẩn an toàn của đồng bạc xanh cũng được phát huy. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo rằng việc chính phủ Mỹ đóng cửa có thể sẽ đe dọa đến mức xếp hạng Aaa của quốc gia này. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, chính phủ Mỹ đã có 14 lần đóng cửa kể từ năm 1981, với nhiều lần trong số đó chỉ kéo dài 1 hoặc 2 ngày. Lần đây nhất và cũng là lần kéo dài lâu nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019 do tranh chấp về an ninh biên giới. Điều này đã khiến cho nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 3 tỷ USD, tương đương 0,02% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với mỗi tuần kéo dài, việc đóng cửa chính phủ sẽ trực tiếp làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,15 điểm phần trăm, Goldman Sachs cho biết.
Bên cạnh áp lực từ đồng USD, giá bạc và bạch kim còn chịu nhiều sức ép trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp. Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande, đã hủy bỏ các cuộc họp chủ nợ quan trọng và xem xét kế hoạch tái cơ cấu. Trong khi đó, China Oceanwide Holdings Ltd cũng đang phải đối mặt với việc bị thanh lý và Country Garden Holdings Co vẫn cố gắng tránh khả năng vỡ nợ.

Lực bán khả năng sẽ được đẩy mạnh trên thị trường đậu tương trong phiên tối
Trong sáng nay, lực mua đối với đậu tương đã chiếm thế áp đảo ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch. Bên cạnh hỗ trợ kĩ thuật, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) sáng nay đã góp phần tác động “bullish” tới giá mặt hàng này. Tuy nhiên, với bối cảnh vụ thu hoạch tại Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu thì áp lực nguồn cung dồi dào tại Brazil vẫn đang là yếu tố hạn chế đà tăng ngắn hạn của giá đậu tương.
Theo báo cáo Crop Progress, chất lượng đậu tương trong tuần trước đã sụt giảm 2% xuống còn 50%, thay vì duy trì ở mức 52% như dự đoán thị trường. Trong khi đó, tiến độ mùa vụ tính đến tuần này đã đạt 12% diện tích dự kiến, thấp hơn một chút so với mức 14% kỳ vọng của thị trường. Đây là nguyên nhân chính lý giải cho sắc xanh sáng nay của giá đậu tương. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, tác động của báo cáo này sẽ không quá đáng kể khi tiến độ thu hoạch hiện tại vẫn đang cao so với mức trung bình 5 năm. Trong tuần qua, mưa rào rải rác ở một nơi ở phía tây khu vực Midwest như Dakota và Nebraska đã ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng và quá trình thu hoạch. Nhưng tại các bang sản xuất lớn nhất trong khu vực như Illinois, Iowa và Missouri, chất lượng đậu tương vẫn được duy trì hoặc cải thiện hơn so với tuần trước đó. Nhìn chung, các số liệu trong báo cáo mới đây không đủ để thúc đẩy giá tăng mạnh. Chúng tôi cho rằng lực hỗ trợ trong phiên sáng nay có khả năng sẽ dần suy yếu trong phiên tối.
Còn tại Brazil, Secex cho biết nhờ có vụ thu hoạch kỷ lục, xuất khẩu đậu tương trong 26 ngày đầu tháng 9 của nước này đã vượt trên tổng lượng xuất khẩu trong cả tháng 9 năm ngoái. Trung bình, các lô hàng đậu tương xuất khẩu của Brazil đạt 321.300 tấn/ngày trong tháng 9. Với nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, xuất khẩu ngô Brazil dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 10 triệu tấn trong tháng này. Đây sẽ là yếu tố tác động “bearish” mạnh mẽ đến giá đậu tương CBOT trong trung hạn.

Giá cà phê vẫn còn động lượng giảm khi tồn kho tăng
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 25/9, giá 2 mặt hàng cà phê đã nối dài đà giảm từ tuần trước. Giá Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, trong khi giá Robusta đã giảm 5 phiên liên tục. Triển vọng nguồn cung tích cực kết hợp cùng việc xuất khẩu cà phê được đẩy mạnh tại Brazil vẫn là yếu tố chính dẫn dắt giá.
Tiếp nối những thông tin cơ bản đang thiên hướng tác động “bearish” lên giá, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE mở rộng giúp củng cố thêm niềm tin về việc nguồn cung ngày ngày càng mở rộng, hướng tới đảm bảo đủ cà phê trên thị trường.
Trong báo cáo kết phiên ngày 25/9, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US ghi nhận ở mức 446.518 bao loại 60kg, tăng 5.665 bao so với phiên cuối tuần trước. Không những vậy, các khô lưu trữ tại Sở này ghi nhận thêm 12.271 bao đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho lưu trữ. Đây sẽ là nguồn cung chính để tồn kho đạt chuẩn có thể nối tiếp đà mở rộng trong thời gian tới, đặc biệt khi xuất khẩu cà phê vẫn đang được đẩy mạnh tại Brazil.
Tình trạng khô nóng tại vùng trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ có sự cải thiện nhờ lượng mưa được bổ sung trong tuần này. Mưa giúp đất có đủ ẩm và giảm bớt trình trạng nắng nóng, từ đó giúp cây cà phê có điều kiện phát triển phù hợp hơn.