Kim loại cơ bản đóng vai trò không thể thiếu đối với tất cả các nền kinh tế trên toàn thế giới. Trong số đó, đồng và thép được xem như hai loại nguyên liệu quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất, xây dựng. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá các mặt hàng này chủ yếu bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến nguồn cung và nhu cầu. Do đó, việc nắm được cán cân cung – cầu sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm giá và các nhà đầu tư giao dịch các mặt hàng này hiệu quả hơn.
Thị trường đồng: Nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn
Đồng vốn dĩ được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, nhờ vào tính ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như sản xuất và truyền tải điện, công nghiệp xây dựng, thiết bị điện tử và các loại máy móc khác.
Các mỏ đồng lớn nhất trên thế giới có thể được tìm thấy ở Chile, Peru, Trung Quốc, Cộng hoà Congo, và Australia, chiếm hơn 65% tổng sản lượng trên thế giới, trong đó có tới 11/20 mỏ đồng nằm tại Chile và Peru. Đây cũng là hai quốc gia xuất khẩu đồng hàng đầu, chiếm khoảng 50% lượng xuất khẩu trên toàn cầu. Do đó, các yếu tố tác động tới nguồn cung tại hai quốc gia này đều sẽ gây ra những biến động tới giá đồng thế giới. Điển hình như vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình của người dân địa phương tại các mỏ đồng của Chile và Peru vào cuối năm ngoái hay đầu năm nay, giá đồng đều có xu hướng tăng trước những lo ngại về nguồn cung bất ổn.
Còn xét về nhu cầu tiêu thụ, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu và sử dụng lớn nhất với cơ cấu chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu toàn cầu, cao gấp 4 lần so với Nhật Bản, quốc gia xếp thứ 2. Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã tăng gấp 3,5 lần trong vòng 1 thập kỷ. Ngoài ra, đây cũng là nước sản xuất đồng tinh chế hàng đầu, nhằm cung ứng cho chuỗi sản xuất khổng lồ và hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ cho đất nước hơn 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp từ đầu năm đến nay, nhu cầu về đồng trong năm 2022 của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, và dự kiến sẽ chỉ được phục hồi vào nửa cuối năm nay.
Nhìn chung, triển vọng trong dài hạn, nhu cầu về đồng được dự đoán sẽ còn động lực phát triển mạnh mẽ hơn do xu hướng sử dụng năng lượng xanh trên thế giới chiếm ưu thế, đặc biệt là tại các nước phát triển ở châu Âu và mới đây là Trung Quốc. Trên thực tế, 1 megawat từ pin năng lượng mặt trời cần tiêu tốn tới 5 tấn đồng, trong khi con số này đối với năng lượng gió rơi vào khoảng 4,3 – 9,6 tấn. Chính vì lẽ đó, các nhà phân tích thị trường ước tính sự thiếu hụt nguồn cung đồng hàng năm có thể lên tới 10 triệu tấn vào năm 2030 nếu không có mỏ mới nào được xây dựng.
Bức tranh cung cầu trên thị trường thép
Bên cạnh đồng, thép cũng là đầu vào quan trọng cho ngành kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp sản xuất và xây dựng. Sản lượng thép qua các năm liên tục tăng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất chế tạo, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Các nước sản xuất thép lớn nhất trên thế giới phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Nga, trong đó, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về sản lượng thép. Đồng thời lượng nhập khẩu chiếm 13% và lượng xuất khẩu chiếm 10% lượng thép toàn cầu cũng giúp Trung Quốc xếp thứ nhất về hoạt động thương mại trong ngành này.
Thời gian vừa qua, giá thép liên tục tăng cao khi chiến sự giữa Nga và Ukraine luôn trong tình trạng căng thẳng, và Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu thép lớn thứ 5 trên thế giới. Yếu tố từ nguồn cung thắt chặt, cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh và lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến triển vọng ngành thép toàn cầu năm 2022 suy yếu. Ngành xây dựng và bất động sản, vốn chiếm khoảng 50% trong nhu cầu tiêu thụ thép, đang có xu hướng chững lại trước lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ và các ảnh hưởng bởi tình trạng phong toả tại Trung Quốc. Điều này sẽ tạo áp lực đối với nhu cầu về thép cũng như các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt hay than cốc. Trong khi đó, nhu cầu thép ở các nước phát triển được dự báo sẽ tăng lần lượt 1,1% và 2,4% vào năm 2022 và 2023, sau khi phục hồi 16,5% vào năm trước đó.
Nhìn chung, mặc dù đồng hay thép đều đang gặp những biến số tác động đến cung cầu khiến cho giá cả biến động kể từ đầu năm tới nay, tuy nhiên với vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đây đều là những thị trường được đánh giá mang tính tiềm năng và ổn định trong dài hạn.
Hồng Hạnh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)