Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi giá dầu bắt đầu tăng phi mã trở lại kéo theo những hệ quả đối với nền kinh tế, đã trở thành một bài toán khó buộc chính phủ các nước phải tìm cách giải quyết. Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay, nhiên liệu sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, mà ngô là nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 16/06, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 7 được giao dịch liên thông với thế giới đã tăng mạnh gần 2% lên mức 788 cents/giạ (310 USD/tấn). Giá đang có xu hướng quay trở lại vùng đỉnh cũ được thiết lập vào cuối tháng 4 năm nay.
Ở nước ta, ngô được nhập khẩu phần lớn từ Nam Mỹ và sử dụng trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá ngô ở trong chu kỳ tăng mạnh do nguồn cung toàn cầu thắt chặt kể từ cuối năm ngoái đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Thay vì hạ nhiệt khi mùa vụ các nước sản xuất chính đang dần ổn định hơn, gánh nặng về chi phí của ngành chăn nuôi đang có dấu hiệu gia tăng do giá ngô đang bị ảnh hưởng từ giá dầu thô.
Ethanol – mắt xích kết nối giá dầu và giá ngô
Mối quan hệ giữa giá ngô và giá các mặt hàng năng lượng, tiêu biểu là dầu thô đang ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Xu hướng sử dụng ethanol - nhiên liệu sinh học được pha chế vào xăng, hay còn gọi là “xăng xanh”, khiến cho giá 2 loại hàng hoá tưởng chừng như không liên quan nà đã dần phụ thuộc vào nhau. Và ngô chính là nguyên liệu chính để sản xuất ra ethanol.
Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất ethanol với 15 tỷ gallon ethanol sản lượng vào năm 2021 và chiếm 55% tổng khối lượng toàn cầu. Đứng sau đó là Brazil, chiếm 27% sản lượng và chính phủ nước này cũng đang có những chính sách đẩy mạnh việc sử dụng nhiên liệu sinh học để kiềm chế lạm phát giá năng lượng nội địa. Không khó hiểu khi đây cũng là 2 quốc gia nằm trong top đầu về hoạt động sản xuất ngô.
Mato Grosso là bang xuất khẩu ngô lớn nhất của Brazil, và một lượng lớn ngô tại bang cũng đang được sử dụng để sản xuất ethanol. Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) ước tính rằng 19% sản lượng ngô trong năm 2021 của bang đã được sử dụng để sản xuất ethanol và dự báo tỉ lệ này sẽ tăng lên trong những năm tới. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học chính là điểm kết nối giữa ngô và các mặt hàng năng lượng.
Xu hướng sử dụng nhiên liệu sinh học của thế giới
Trong bối cảnh giá dầu tăng vọt như hiện nay, các chính sách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học không chỉ được xem là biện pháp thân thiện với môi trường mà còn giúp Mỹ bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Vào năm 2021, việc sử dụng ethanol đã thay thế hơn 500 triệu thùng dầu thô tại quốc gia này.
Vào đầu tháng 6 này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) dự kiến sẽ ban hành yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học cho năm 2022 ở mức 20,63 tỷ gallon, cao hơn so với 18,84 tỷ gallon trong năm 2021. Ngoài ra, tổ chức này cũng cho biết sẽ từ chối tất cả các đơn đề nghị miễn trừ của nhà máy lọc dầu, nhưng sẽ cho phép mở rộng thời hạn để các nhà máy lọc dầu có thể đáp ứng được tỷ lệ pha trộn đã đề ra.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol của Mỹ vào tuần đầu tháng 6/2022 đã tăng lên mức 1,06 triệu thùng/ngày. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp con số này quay trở lại ở trên mức 1 triệu thùng/ngày, mốc tham chiếu thường được sử dụng và phản ánh nhu cầu đối với ethanol.
Theo MXV, trước tình hình giá dầu vẫn đang chưa có dấu hiệu suy yếu do bất ổn chính trị ở Biển Đen, triển vọng nhu cầu ethanol sẽ có thể được đẩy mạnh trong thời gian tới. Mặc dù mùa vụ ngô tại quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn đang chưa gặp phải rủi ro đáng kể, nhưng đây vẫn sẽ là yếu tố khiến cho giá vẫn neo ở mức cao trong quý II năm nay.
Khánh Linh – Thái Hảo
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)