Sau khi liên tục suy yếu từ mức đỉnh 10 năm do những thông tin tích cực về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất ngô hàng đầu thế giới như Brazil, Ukraine và Mỹ, giá ngô đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/06, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 7 được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) đã nhảy vọt 1% lên mức 765 cents/giạ (300 USD/tấn). Đây đã là phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp, sau khi giá ngô hạ nhiệt và suy yếu khoảng 10%, tính từ vùng đỉnh thiết lập vào cuối tháng 04.

Sắc xanh càng kéo dài, lo ngại về một đợt tăng giá nữa lại càng gia tăng. Do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nhập khẩu nên những biến động hay xu hướng của thị trường nông sản thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi ở nước ta.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 05 của nước ta đạt 1,03 triệu tấn, hơn gấp đôi so với tháng 04. Không ít doanh nghiệp chăn nuôi đã tận dụng giai đoạn hạ nhiệt hơn vừa qua để đẩy mạnh mua hàng. Đối với giao dịch giao xa, nhu cầu vẫn còn nhiều nhưng các nhà máy vẫn đang kỳ vọng giá giảm thêm. Vậy đâu là những yếu tố hiện đang ảnh hưởng tới nguồn cung ngô thế giới?
Sản lượng ngô của Brazil không còn là mối bận tâm của thị trường
Phần lớn vụ ngô thứ 2, chiếm khoảng 75% sản lượng ngô của Brazil, sẽ dành cho hoạt động xuất khẩu. Mặc dù năng suất mùa vụ đã bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán trong suốt 3 tháng vừa qua nhưng đây không còn là mối lo ngại có thể đẩy giá ngô tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Đà tăng của ngô kéo dài từ cuối năm ngoái một phần đã phản ánh những thiệt hại về mùa vụ của quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ 2 thế giới. Điều này đã được phản ánh thông qua các báo cáo và mức cắt giảm ước tính sản lượng ngô Brazil niên vụ 2021/22 của các hãng tin và tổ chức lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, tình hình đang trở nên khả quan hơn cho giai đoạn thu hoạch hiện tại. Nếu như 1 tháng trước, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cho rằng mùa vụ sẽ bị thiệt hại thì trong báo cáo được phát hành tối qua, họ đã nâng mức dự báo sản lượng lên 115,22 triệu tấn. Những lo ngại trước đó đối với mùa vụ Brazil sẽ dần được xoa dịu trong giai đoạn tới khi nông dân đẩy mạnh hoạt động thu hoạch.

Dòng chảy ngũ cốc của Ukraine có được nối lại?
Yếu tố gây ra những biến động mạnh mẽ đối với thị trường ngô trong vài tháng qua không thể không nhắc tới tình hình mối căng thẳng chính trị ở Biển Đen. Khả năng xuất khẩu của Ukraine, quốc gia cung cấp khoảng 16% lượng ngô cho thế giới là những thông tin khiến giá ngô vẫn đang neo ở mức cao.

Vào đầu tháng này, Tổng thống Nga Putin đã tái khẳng định về việc mở hành lang nhân đạo đối với tàu chở ngũ cốc nhằm nối lại tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc trên biển Đen. Nếu Nga thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra thì có thể là cánh cửa mở ra cơ hội giúp nguồn cung ngũ cốc của Ukraine quay trở lại với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, giới chức trách Ukraine cũng đặt ra một viễn cảnh về việc nối lại con đường xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng trên sông Danube. Không những Nga và Ukraine, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng đẩy các nước láng giềng như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus vào cuộc. Mới đây, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này đã sẵn sàng phát triển cơ sở hạ tầng để vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến Trung Đông và châu Phi.
Theo Bộ nông nghiệp Ukraine, bức tranh về xuất khẩu tại nước này đã dần tích cực trở lại khi trong tháng 5, khối lượng ngũ cốc đưa ra thế giới tăng 80%, đạt mức 1,74 triệu tấn. Ngô cũng đang được dự báo sẽ là mặt hàng chiếm tỉ lệ lớn trong các lô hàng xuất khẩu trong tháng 6.
Những chuyển biến tích cực về thời tiết giúp đẩy nhanh tiến độ gieo trồng ngô Mỹ
Nếu như việc hạ nhiệt trong xung đột chính trị là cứu cánh cho xuất khẩu ngô tại Ukraine thì thời tiết thuận lợi là đòn bẩy lớn cho triển vọng về mùa vụ ở Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, mùa vụ ngô tại quốc gia này đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển và thời tiết vẫn là mối quan tâm hàng đầu quyết định đến xu hướng giá.
Trong đầu tháng 5, tình hình mưa bão kéo dài ở Midwest, khu vực gieo trồng chính của Mỹ, đã khiến tiến độ gieo trồng liên tục bị chậm trễ. Rủi ro cây trồng có thể sẽ phải trải qua mùa khô hạn khi chưa đủ phát triển và khả năng chống chọi đã gây ra lo ngại về năng suất mùa vụ sụt giảm. Ngoài ra, việc giá phân bón tăng phi mã vào đầu năm cũng được coi là một rào cản đối với quyết định mở rộng diện tích gieo trồng. Cả năng suất và diện tích đều lúc này đều đang là nguy cơ báo hiệu cho nguồn cung có thể thắt chặt hơn tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong 2 tuần trở lại đây, thời tiết khô ráo đã bắt đầu quay trở lại giúp tốc độ mùa vụ đã có sự cải thiện nhanh chóng. Trong báo cáo Crop Progress mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiến độ gieo trồng ngô niên vụ 2022/23 tính đến tuần này đã đạt 94% diện tích dự kiến và vượt lên mức trung bình 5 năm. Sự cải thiện về tình hình thời tiết đã xoá nhoà đi những lo ngại về một vụ mùa ngô bị chậm trễ.
Theo Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, việc cả 3 vựa nông sản lớn của thế giới đều có những tín hiệu tích cực về nguồn cung khả năng cao sẽ gỡ rối cho các doanh nghiệp nhập khẩu về chi phí đầu vào trong thời gian tới.
Khánh Linh – Thái Hảo
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV