Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/06, giá WTI giảm 3,04% xuống 106,19 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,54% xuống 111,74 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng, đo lường sự biến động của giá các mặt hàng trong nhóm, giảm 1,63% xuống 5.398,48 điểm.
Thị trường dầu thô đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 3 tới nay. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, giá dầu đã giảm hơn 15% và chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Nguy cơ suy thoái kinh tế đe dọa tới triển vọng tiêu thụ dầu
Giá dầu nói riêng cũng như chi phí năng lượng nói chung tăng vọt trong thời gian qua đã tạo ra áp lực lạm phát với rất nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, buộc Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia phải có biện pháp nhằm khiến giá cả hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 tăng 8,6% và vẫn đang neo ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Mới đây, chỉ số CPI của Anh và Canada được công bố cũng tăng lần lượt 9,1% và 7,7% và đều là những mức tăng kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang tiên phong trong công cuộc tăng lãi suất để kìm hãm mức lạm phát đang ngày một leo thang. Cơ quan này đã tăng lãi suất từ 0% lên 1,75% sau ba đợt tăng lãi suất trong năm nay, và dự kiến sẽ kết thúc năm với mức lãi suất mục tiêu là 3,4%. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tiếp bước và tăng lãi suất lần thứ năm liên tiếp lên 1,25%.
Chi phí vay tăng cao cùng với nguồn cung tiền bị thắt chặt sẽ khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân công và sản lượng trong bối cảnh chi phí đầu vào chưa hạ nhiệt.
Về mặt lý thuyết, tình trạng suy thoái kinh tế thường được ghi nhận sau hai quý liên tiếp mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm, kèm với đó là những chỉ số kinh tế tiêu cực như tỷ lệ thất nghiệp tăng, hoặc doanh số bán lẻ giảm.
Hiện nay, doanh số bán lẻ trong ba tháng gần nhất ở Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Tại Mỹ, người tiêu dùng cũng đang cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh chi phí hàng hóa leo thang. Doanh số bán lẻ của ba tháng gần nhất cũng tăng trưởng ở mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, doanh số bán xe và cả doanh số bán nhà ở Mỹ đều sụt giảm trong tháng 5. Đây đều là những chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào một đợt suy thoái.
Việc Mỹ và Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn với rất nhiều quốc gia, đang gặp khó khăn có thể gây ra một hiệu ứng lan tỏa tiêu cực, với tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới của cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Giá dầu thường rất nhạy với các tin tức về triển vọng tăng trưởng kinh tế, vì vậy, rất có thể các nhà giao dịch đã bắt đầu phản ứng với nguy cơ về việc GDP của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý III này, sau khi giảm 1,4% trong quý I/2022. Sức ép gia tăng trên thị trường trong bối cảnh lo ngại tiêu thụ dầu trên toàn cầu sẽ giảm vì suy thoái kinh tế.
Liệu những lo ngại về nguồn cung có thể đưa giá quay trở lại đỉnh cũ?
Hiện thị trường dầu thô thế giới vẫn đang ở trong trạng thái “nghịch đảo giá”, hay nói cách khác là hợp đồng tháng gần đang có giá cao hơn hợp đồng tháng xa, phản ánh tình trạng nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn đang dừng ở mức dự đoán, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu và các sản phẩm lọc dầu chưa có dấu hiệu suy yếu. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá xăng trung bình tại nước này đã chạm mốc 5 USD/gallon (3,79 lít), do ảnh hưởng của năng lực lọc dầu hạn chế và khó có thể đáp ứng nhu cầu trong thời gian tiêu thụ cao điểm mùa hè.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích ở Goldman Sachs liên tục nhấn mạnh vào sự thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn của thị trường dầu, và lưu ý rằng người dân Mỹ vẫn có thể chấp nhận chi trả cho mức giá năng lượng cao hơn.
Về phía Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC), năng lực sản xuất hiện tại của nhóm hiện cũng rất khó để đáp ứng hạn ngạch đã cam kết là 648.000 thùng, do nguồn cung sụt giảm và bất ổn ở một số nước thành viên như Libya và Nigeria.
Có thể thấy, nguồn cung bị gián đoạn vẫn sẽ là yếu tố để giá dầu thô neo ở mức cao, tuy nhiên, giới đầu tư đang chứng kiến những quyết tâm rõ rệt trong việc bình ổn giá của các nhà chức trách.
Bên cạnh việc làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế để làm giảm nhu cầu, chính sách tiền tệ của Fed đang giúp cho đồng USD mạnh lên, và khiến cho chi phí nắm giữ dầu thô hàng thực, cũng như các chi phí xuất nhập khẩu dầu tăng lên.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell, mặc dù bày tỏ kỳ vọng rằng tình hình kinh tế đang khá thuận lợi, với thị trường lao động mạnh mẽ và nhu cầu duy trì ở mức cao, cũng thừa nhận có khả năng Mỹ sẽ phải đón nhận kỳ suy thoái. Kết hợp với các cảnh báo về sự suy thoái kinh tế của của các ngân hàng đầu tư như Citibank và Nomura, giá dầu gần đây tiếp tục chịu áp lực theo đà chung thị trường tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đang lên kế hoạch cùng với các nước đồng minh để áp một mức giá trần đối với giá dầu của Nga, nhằm gia tăng thêm nguồn cung cho thị trường dầu thô thế giới, và hạn chế tác động tiêu cực của việc giá năng lượng tăng đến các nước kém phát triển.
Bên cạnh đó, theo dự kiến Bộ trưởng Năng lượng Mỹ sẽ gặp các giám đốc các công ty năng lượng lớn trong ngày hôm nay, với kỳ vọng sẽ tìm ra nguyên nhân hoặc cách giải quyết tình trạng giá nhiên liệu cao.
Nếu các nhà chức trách quyết tâm thực hiện các kế hoạch kể trên để kiềm chế lạm phát, kết hợp với lo ngại suy thoái kinh tế, thị trường dầu thô thế giới sẽ chịu sức ép lớn và trong ngắn hạn, giá khó có thể quay lại mức đỉnh cũ thiết lập trong tháng 03.
Tiên Phạm – Hồng Hoa
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam