Lo ngại về thời tiết đã dần phản ánh vào đà tăng vừa qua, giá đậu tương có thể sẽ chịu áp lực bán trong phiên đầu tuần
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã quay đầu suy yếu trở lại trước áp lực chốt lời sau 6 phiên tăng liên tiếp vừa qua. Thời tiết khô hạn ở Midwest được dự báo sẽ quay trở lại và thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8 là yếu tố đã kéo cả 3 mặt hàng họ đậu tăng mạnh trong tuần trước.
Báo cáo Crop Progress sáng mai theo chúng tôi sẽ không hỗ trợ cho giá đậu tương nhờ có lượng mưa đáng kể vào tuần trước. Tuy nhiên, độ ẩm chủ yếu tập trung ở các bang phía nam nên có khả năng các bang sản xuất lớn ở trung tâm vẫn sẽ không cải thiện đáng kể. Dự báo thời tiết sắp tới tại Mỹ cho thấy, áp suất cao mở rộng sẽ mang nhiệt trở lại phần lớn các bang miền trung và miền đông. Đây thường là thời gian nóng nhất, nhiệt độ được dự báo là cao hơn nhiều so với mức trung bình vào tháng 8 trên khắp khu vực từ đồng bằng, Midwest trải dài sang phía đông bắc. Mặc dù một lượng mưa nhỏ vẫn được dự báo xuất hiện ở phía bắc nhưng điều kiện thời tiết nhìn nhung vẫn đang rất bất lợi đối với mùa vụ đậu tương. Cho đến hiện tại, năng suất vẫn đang là con số thiếu rõ ràng nhất và sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những nghi ngờ và quyết định xu hướng giá đậu tương trong vài tuần tới.
Sau tuần tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm qua, giá đậu tương đã quay trở lại mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua và đang gặp phải áp lực bán tại vùng đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 6 ở vùng 1480. Quay trở lại thời điểm này năm ngoái, đậu tương cũng trải qua diễn biến tương tự khi lo ngại về thời tiết đã thúc đẩy giá hồi phục khá mạnh vào tháng 7 nhưng ngay sau đó đã bước vào giai đoạn suy yếu dần khi những thông tin này đã phản ánh vào giá. Theo nhận định của chúng tôi, nếu như thời tiết vẫn khô nóng theo mùa và dần trở nên cải thiện vào cuối tháng 8 thì giá đậu tương sẽ khó có thể thiết lập vùng đỉnh mới.
Cà phê khả năng cao sẽ có phiên giằng co trước diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật
Kết thúc tuần giao dịch 25/07 – 31/07, 2 mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc. Tuy nhiên, diễn biến trong tuần lại có sự trái chiều, đặc biệt là 2 phiên cuối tuần, khi Robusta duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu nhập khẩu tại Nestle gia tăng, Arabica suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ suy giảm.
Các chỉ số vĩ mô suy yếu vẫn đang có những tác động nhất định đến lực mua cà phê trên thị trường. Cụ thể, Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF, kỳ vọng giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), khiến lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê tại 2 thị trường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng âm trong quý II tại Mỹ cũng củng cố thêm lo ngại này và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cà phê, trong bối cảnh các thông tin cơ bản chưa có nhiều sự đổi mới.
Tốc độ suy giảm của tồn kho đạt chuẩn Arabica trong tuần qua đã có sự suy yếu so với các tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần trước, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US chỉ giảm 4,798 bao (60kg), so với mức giảm 28,430 bao của tuần trước đó. Đặc biệt, trong bối cảnh dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Minas Gerias, vùng sản xuất chiếm gần 60% sản lượng Arabica tại Brazil, vẫn duy trì sự khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến độ thu hoạch tại đây, thúc đẩy việc nới lỏng nguồn cung trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, dù có 2 phiên giảm giá trước đó, giá Arabica vẫn nằm trên 2 đường trung bình động MA10 và MA20, thêm vào đó, đường MACD giao nhau với đường Signal hướng lên trê đường 0, thể hiện cho xu hướng tăng của giá. Tuy vậy, nếu xét theo khung 1H, các chỉ số này lại không được khả quan như vậy. Cụ thể, đường MACD và Signal dù nằm trên đường 0, có chiều hướng đi ngang, cùng với giá đang bị kẹp giữa 2 đường trung bình động.
Triển vọng cung cầu nhiều khả năng sẽ hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng trong thời gian tới
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với xu hướng suy yếu nhẹ sau chuỗi tăng liên tiếp trước đó. Đà giảm chủ yếu xuất phát từ những dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu trong tháng 7. Tuy nhiên, với nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt và Trung Quốc đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế trong quý III, nhiều khả năng đà giảm của giá đồng sẽ không quá sâu trong tuần này.
Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết vào hôm Chủ nhật, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của quốc gia này trong tháng 7 bất ngờ rơi xuống dưới mốc 50, đạt mức 49 điểm và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Điều này biểu thị cho sự thu hẹp của các hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương và Chính phủ nước này tiếp tục kiên quyết bám sát theo chính sách Không Covid. Sáng nay, chỉ số PMI Caixin của các nhà quản lý sản xuất cũng cho thấy năng lực suy yếu của các nhà máy tại Trung Quốc so với tháng trước, đạt mức 50.4 điểm. Giá đồng ngay lập tức đảo chiều suy yếu trước triển vọng tiêu cực về nhu cầu.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản tại Trung Quốc vẫn đang lao đao trước cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp. Các ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với khoản lỗ thế chấp 350 tỷ USD, tương đương 6.4% các khoản vay khi niềm tin về bất động sản sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, 100 nhà phát triển hàng đầu đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm gần 40% trong tháng 7. Điều này cũng đã gây áp lực đối với nhu cầu về đồng, chiếm 22% trong lĩnh vực xây dựng tại Trung Quốc và là sức ép đến giá.
Tuy nhiên, quý III sẽ là thời điểm vàng mà Trung Quốc tập trung cho việc phục hồi kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung về đồng đang có những dấu hiệu thu hẹp trong thời gian gần đây. Sản lượng đồng của Chile suy yếu 4.7% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái và cũng giảm so với hồi tháng 5. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đang ở mức 7,648 tấn và là mức thấp nhất kể từ 20/01 năm nay. Nhiều khả năng trong thời gian tới, khi các yếu tố vĩ mô đã được phản ánh hầu hết vào giá, triển vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng.
Dầu thô nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm điều chỉnh trước các số liệu sản xuất suy yếu
Giá dầu chịu sức ép trong phiên sáng nay, khi lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng với số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc.
Cuối tuần trước, chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã rơi xuống mức 49, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế của nước này. Chỉ số PMI phi sản xuất mặc dù vẫn ở mức 53.8, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức kỳ vọng. Dịch Covid-19 đã khiến cho triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm nay trở nên xấu đi đáng kể. Trong khi đó, ngành bất động sản của Trung Quốc, một trong những “đầu tầu” được kỳ vọng sẽ kéo nền kinh tế đi lên, đang gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp. Sáng hôm nay, chỉ số PMI của Caixin chỉ đạt 50.4, thấp hơn kỳ vọng 51.5 của thị trường cũng khẳng định sự suy yếu của ngành sản xuất. Điều này đang liên tục gây sức ép cho giá dầu, và khiến cho lực bán duy trì sau khi thị trường mở cửa.
Tuy vậy, giá nhiều khả năng cũng sẽ không giảm quá sâu, sau khi Saudi Arabia tiếp tục khẳng định sự cần thiết trong việc hợp tác với Nga để duy trì khối OPEC+, một động thái cho thấy Saudi Araiba sẽ không quá mặn mà với đề nghị gia tăng sản lượng từ Mỹ, bất chấp chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng trước. Theo số liệu mới nhất, trong tháng 6, sản lượng dầu của OPEC+ vẫn đang thấp hơn gần 3 triệu thùng/ngày so với kế hoạch đề ra, với tỷ lệ tuân thủ đã tăng lên đến mức 320%, và chỉ có UAE là nước duy nhất đạt mục tiêu. Thị trường đang chờ đợi cuộc họp ngày 03/08 sắp tới, cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 04/2020 OPEC không có kế hoạch cắt giảm sản lượng cụ thể.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV