Hạn hán tại Midwest có thể sẽ không còn là yếu tố “bullish" đủ mạnh để thúc đẩy đà tăng của giá đậu tương trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/07, giá đậu tương đã tiếp nối đà tăng mạnh trong phiên thứ 5 liên tiếp. Hiện tại, giá đã phá vỡ vùng đỉnh được thiết lập vào tuần trước và vượt lên vùng kháng cự tâm lí 1400. Dự báo thời tiết trong khoảng 1 tháng tới vẫn sẽ duy trì khô hạn tại các khu vực gieo trồng chính ở Midwest cho thấy lo ngại về nguồn cung vẫn đang gia tăng và từ đó tác động “bullish” mạnh tới giá đậu tương. Do mùa vụ của Mỹ vẫn đang là yếu tố tâm điểm của thị trường, quyết định lên xu hướng và biến động giá trong giai đoạn này nên khi mô hình chuyển từ có mưa trong tuần này sang khô hạn thì đã ngay lập tức phán ánh vào đà tăng mạnh vừa qua.
Thị trường đậu tương gần như không xuất hiện thêm thông tin cơ bản tác động nhưng lực mua vẫn đang được đẩy mạnh. Nếu khô hạn vẫn duy trì, chắc chắn con số năng suất đậu tương niên vụ 22/23 sẽ phải bị điều chỉnh xuống mức thấp hơn so với ước tính 51.5 giạ/mẫu trong báo cáo Cung – cầu tháng 7 và từ đó kéo theo nguồn cung thắt chặt hơn. Tuy nhiên, với dự báo vẫn chưa rõ ràng trong khung thời gian khá dài thì triển vọng năng suất mùa vụ đậu tương tại Mỹ sẽ khó có thể xác định trước khi đi qua giai đoạn phát triển nhất của cây trồng vào cuối tháng 8. Chính vì thế nên chúng tôi cho rằng đà tăng 5 phiên liên tiếp vừa qua đang là phản ánh thái quá của thị trường trong ngắn hạn và lực mua có thể bị hạn chế trong 1 vài phiên tới.
Ngoài ra, những số liệu trong báo cáo Export Sales tối nay cũng sẽ có ảnh hưởng tới diễn biến giá. Phần lớn thị trường đang dự đoán rằng bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 sẽ tiếp tục thấp hơn so với tuần trước và thậm chí có thể là con số âm. Nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia mua hàng đang suy yếu, ngay cả quốc gia đang có lượng hàng có sẵn lớn nhất là Brazil vừa thu hoạch cũng xuất khẩu được ít hơn. Chính vì thế nên số liệu trong báo cáo này có thể sẽ tác động “bearish” đến giá.

Robusta nhiều khả năng có chuỗi 4 phiên tăng giá liên tiếp nhờ sự hỗ trợ từ nhu cầu gia tăng của Nestle
Kết thúc phiên giao dịch 27/07, cả 2 mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc trước những lo ngại về nguồn cung thu hẹp, cùng như việc đồng Dollar tăng mạnh hơn 2%, đã thúc đẩy lực bán từ nông dân Brazil và hỗ trợ lực tăng của giá.
Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF, dự kiến cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 0.4% so với mức 3.6% được đưa ra hồi tháng 04. Tỷ lệ cắt giảm tập trung vào các nền kinh tế lớn, trong đó Mỹ và Liên minh Châu Âu EU ghi nhận kỳ vọng mức giảm lần lượt là 1.4% và 0.2%, điều này càng tăng thêm lo ngại về suy thoái kinh tế, dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, từ đó gây áp lực lên giá.
Tiến độ thu hoạch cà phê theo cập nhất mới nhất tại Cooxupe, hợp tác xã xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil, đạt 52.57%, vẫn thấp hơn so với mức 53.45% cùng kỳ năm ngoái và 61.2% năm 2020. Đây được kỳ vọng sẽ là thông tin hỗ trợ giá trong phiên hôm nay, đặc biệt khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US vẫn duy trì đà giảm và cán mức thấp nhất trong gần 23 năm qua.
Về mặt kỹ thuật, giá đang tiệm cận với đường SMA34 và năm trên SMA13 cùng như MA20, kết hợp với đường MACD giao với đường Signal hướng lên trên, thể hiện cho xu hướng đi lên của giá.
Với Robusta, Nestle, công ty sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, bắt đầu hoạt động nhà máy sản xuất cà phê mới tại Mexico và dự kiến tăng nhập khẩu hạt Robusta từ quốc gia này và Brazil. Điều này cho thấy nhu cầu về cà phê sẽ gia tăng trong thời gian tới và được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy giá trong phiên hôm nay. Các yếu tố kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho xu hướng tăng giá của Robusta, khi đường MACD cắt đường Signal và có chiều hướng đi lên rõ ràng cùng với giá đang nằm trên 2 đường trung bình là SMA13 và MA20.

Giá đồng có thể chạm kháng cự quan trọng 3.57 USD/pound nếu GDP quý II của Mỹ không quá tiêu cực
Giá đồng tiếp tục động lực tăng giá sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua. Mức tăng đang củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư rằng tiến trình thắt chặt tiền tệ của FED sẽ không quá mạnh mẽ và dễ dàng vượt khỏi kỳ vọng của thị trường. Đồng Dollar Mỹ trong phiên sáng nay tiếp tục đà suy yếu và giá đồng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, phát biểu của Chủ tịch FED sau cuộc họp, ông Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện chưa rơi vào suy thoái khi thị trường lao động vẫn thắt chặt. Đánh giá lạc quan này cũng góp phần thúc đẩy thị trường đồng, vốn là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tại thị trường Trung Quốc, các ngân hàng tại quốc gia này đang gấp rút tăng vốn để chuẩn bị cho khả năng tăng đột biến của các khoản nợ xấu do suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng nhà ở lan rộng. Chính quyền địa phương cũng cung cấp vốn từ việc bán trái phiếu chính phủ để giúp đỡ những bên cho vay trong những khu vực bị thiếu tiền mặt. Những nỗ lực cho việc phục hồi lĩnh vực bất động sản và niềm tin của thị trường vào các gói kích thích mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị tổ chức họp vào cuối tháng này cũng sẽ cho thị trường đồng một động lực đẩy trong các phiên sắp tới.
Về yếu tố vĩ mô sắp tới, thị trường sẽ tập trung vào bộ dữ liệu tăng trưởng GDP của Mỹ được công bố vào tối nay. Các chuyên gia đang dự đoán GDP quý II của Mỹ sẽ tăng 0.5% so với quý trước đó sau mức ghi nhận tăng trưởng âm vào quý đầu năm. Tuy nhiên, Mỹ là một quốc gia nhập khẩu một lượng lớn hàng hoá từ thị trường Trung Quốc, trong khi GDP quý II của Trung Quốc trước đó đã cho thấy mức tăng trưởng âm 2.6%. Do đó, dữ liệu GDP của Mỹ nhiều khả năng sẽ khó có được một kịch bản tích cực hơn kỳ vọng của thị trường, đà tăng của giá đồng có thể sẽ gặp thách thức. Tuy nhiên, trong trường hợp số liệu không quá tiêu cực, nhiều khả năng giá sẽ hướng lên vùng kháng cự quan trọng 3.57 USD/pound.

Thị trường dầu có thể sẽ biến động mạnh trước các số liệu kinh tế của Mỹ
Giá dầu tiếp tục tăng trong sáng nay khi mà các thông tin về nguồn cung và các yếu tố vĩ mô tiếp tục thu hút sức mua rất tốt.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5, cùng với việc xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng mạnh, phản ánh rằng nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa quá suy yếu. Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đúng như kỳ vọng của giới phân tích cũng khiến cho tâm lý của các nhà đầu tư cải thiện rất nhiều. Đồng USD tiếp tục giảm trong sáng nay về 106.33 điểm, cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu.
Trong hôm nay, các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý về số liệu GDP quý II của Mỹ. Rất nhiều nhà phân tích cũng như nhiều tổ chức đã đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng âm trong quý II. Theo quy ước thông thường, một nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nếu GDP sụt giảm 2 quý liên tiếp, tuy nhiên, GDP không phải là chỉ báo duy nhất và cũng chưa phản ánh đầy đủ năng lực của một nền kinh tế.
Tin tức về GDP tối nay sẽ có tác động không kém so với các chính sách tiền tệ của FED, và có thể khiến cho thị trường dầu thô sẽ biến động mạnh. Nếu GDP Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm, FED có thể sẽ phải bớt mạnh tay trong việc nâng lãi suất, để không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Triển vọng tiêu thụ dầu vì thế có thể sẽ không sụt giảm quá mạnh. Tuy nhiên, tại thời điểm tin tức này được công bố, nếu thị trường phản ứng tiêu cực quá mức, giá dầu khó có thể tránh khỏi áp lực bán mạnh.
Trong lúc các tin tức cơ bản chưa chỉ rõ xu hướng giá, nhà đầu tư có thể cân nhắc thêm các yếu tố kỹ thuật. Giá đã tạo các đáy thấp hơn (higher low) và vượt qua cạnh giữa của Bollinger Band trên khung ngày.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV