Giá đậu tương có thể sẽ tăng trở lại vùng 1395 trong phiên hôm nay do những số liệu trong báo cáo Crop Progress
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá đậu tương đã tạo gap up và bật tăng mạnh theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Nắng nóng đỉnh điểm vào tuần trước tại Midwest đã khiến cho cây trồng ở Mỹ đều bị sụt giảm chất lượng. Và những số liệu kém khả quan trong báo cáo Crop Progress đã khiến cho lực mua hoàn toàn áp đảo đối với đậu tương. Tính đến hiện tại, giá đậu tương đã gần như lấy lại được mức giảm trong tuần trước nhờ hỗ trợ mạnh ở mức 1300. Với đà hồi phục từ vùng chặn dưới này cùng với triển vọng mùa vụ Mỹ trong trung hạn vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro, chúng tôi cho rằng giá đậu tương vẫn có khả năng quay trở lại vùng 1395.
Theo báo cáo Crop Progress, chất lượng ngô trong tuần vừa rồi đã giảm 3% xuống còn 61% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, và thấp hơn so với dự kiến của thị trường. Tình hình mùa vụ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng ở các khu vực phía trung và nam nhưng đã ghi nhận thêm mức giảm mạnh hơn ở một số bang ở trung tâm Midwest như Kansas, Nebraska. Những số liệu này cho thấy rằng hạn hán đang mở rộng và tác động lớn hơn đến mùa vụ đậu tương của Mỹ. Đối với 2/3 phía tây của bang Nebraska, hạn hán phần lớn được duy trì hoặc đang trở nên tồi tệ hơn. Tình hình ở bang Missouri cũng kém hơn do lượng mưa thấp hơn 1 nửa so với bình thường kết hợp với nền nhiệt cao ở quanh mức 50 độ C đã gây ra căng thẳng lên cây trồng tại đây.
Mặc dù lượng mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện trở lại trong đầu tuần này nhưng khu vực được cung cấp độ ẩm lại nằm chủ yếu ở phía nam. Ngoài ra, theo hình ảnh dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong tuần đầu tiên của tháng 8, khô hạn sẽ quay trở lại, đặc biệt là thiếu hụt ở vùng đồng bằng phía bắc. Đây vẫn là giai đoạn phát triển quan trọng của đậu tương nên khả năng mùa vụ vẫn đang đứng trước nguy cơ năng suất bị cắt giảm.

Giá Arabica nhiều khả năng sẽ giằng co trước sự chờ đợi phiên tăng lãi suất tiếp theo vào ngày mai của FED
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, 2 mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc, trước lo ngại về nguồn cung thu hẹp khi tồn kho của Arabica giảm về mức thấp nhất trong gần 23 năm qua. Đồng thời, đồng Real giảm hơn 2% cũng thúc đẩy lực bán của nông dân Brazil trong phiên hôm qua.
Sự chú ý của thị trường đang đổ dồn vào phiên họp chính sách của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày mai, với những lo ngại tổ chức này sẽ tăng lãi suất mạnh hơn so với mức dự đoán 75 điểm phần trăm, cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ suy giảm.
Thông tin về nguồn cung cà phê tại Brazil vẫn chưa có tín hiệu tích cực, theo khảo sát trước đó của Safras & Mercados, tiến độ thu hoạch tại nước này mới đạt 66% vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng như mức 73% của trung bình 5 năm gần nhất. Điều này, dẫn đến lo ngại nguồn cung cà phê trong ngắn hạn tiếp tục thu hẹp, khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Lực mua của đồng được thúc đẩy bởi rủi ro nguồn cung, tuy nhiên đà tăng gặp nhiều thách thức
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay với lực mua khá mạnh, được hỗ trợ chủ yếu do những thông tin về rủi ro nguồn cung thắt chặt. MMG cho biết sản lượng của Las Bambas đã giảm 60% trong quý II xuống 32,042 tấn đồng cô đặc so với năm trước do ảnh hưởng của biểu tình kéo dài. Công ty dự kiến sản xuất 300,000 – 320,000 tấn đồng trong năm nay, tuy nhiên, sản lượng thực tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 101,000 tấn. Trước đó, các công ty khai thác đồng hàng đầu như Vale SA hay Antofagasta đều đã cắt giảm triển vọng sản xuất đồng trong năm 2022.
Về phía nhu cầu, tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc mặc dù khá chậm chạp, nhưng đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong tháng 7. Theo Bloomberg, chỉ số tổng hợp đo lường triển vọng kinh tế tại quốc gia này đạt mức 5 trên thang 7 điểm, mức điểm cho thấy các hoạt động kinh tế bắt đầu đang nóng lên. Đây cũng là một tín hiệu tương đối tích cực đối với thị trường đồng
Bên cạnh các yếu tố cung cầu, yếu tố từ việc đồng Dollar Mỹ tiếp tục hạ nhiệt đã hỗ trợ cho đà tăng của đồng, do áp lực từ chi phí đầu tư và nắm giữ hàng thực suy yếu.
Tuy nhiên, trước áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào giữa tuần này khiến tăng trưởng có nguy cơ chậm lại, đà tăng của giá đồng có thể gặp lực cản. Đường cong lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm tiếp tục đảo ngược là tín hiệu đáng cảnh báo cho vòng xoáy suy thoái. Điều này ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đồng cho các hoạt động sản xuất toàn cầu có nguy cơ sụt giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch Covid-19 tại Thượng Hải, Bắc Kinh đang cho thấy dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, số ca nhiễm tại các tỉnh lân cận tiếp tục tăng vẫn sẽ là rào cản lớn đối với các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc.
Dữ liệu mới nhất của Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế ( ICSG) cho biết thị trường đồng tinh chế toàn cầu đã thặng dư 5,000 tấn vào tháng 5, từ mức thâm hụt 23,000 tấn vào tháng trước đó. Như vậy trong 5 tháng đầu năm, thị trường đồng thặng dư 43,000 tấn so với mức thâm hụt 23,000 tấn vào cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh tốc độ phục hồi nhu cầu vẫn còn yếu, giá đồng nhiều khả năng vẫn còn động lực giảm.

Giá dầu khả năng cao sẽ tiếp đà phục hồi, tuy nhiên mức tăng không quá lớn
Dầu thô tiếp đà tăng trong sáng nay, nối tiếp phiên giao dịch đầu tuần.
Thực chất, thị trường dầu vẫn đang trong giai đoạn giằng co với một bên là lo ngại về nguồn cung thắt chặt, một bên là lo ngại về suy thoái kinh tế. Thực chất, việc sản lượng tại các nước như Libya liên tục biến động là một yếu tố đã được nhiều nhà phân tích kỳ vọng từ trước, đặc biệt khi quốc gia này chịu nhiều sức ép từ các vấn đề nội bộ, nhất là khi giá lương thực duy trì ở mức cao nhiều tháng liền khiến cho nhiều quốc gia Trung Đông, vốn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hiện tại, dữ liệu nguồn cung mà thị trường quan tâm nhất là các con số từ Nga. Theo dữ liệu mới nhất từ Bloomberg, sản lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã giảm liên tiếp 5 tuần, giảm 480,000 thùng/ngày từ giữa tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu là được cho là do Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu giảm khối lượng nhập khẩu từ Nga. Thực tế, nửa đầu năm mới là trọng điểm mà Trung Quốc thu mua các nhiên liệu, hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II được kỳ vọng sẽ khó mà phục hồi mạnh mẽ, do các biến thể mới của Covid-19 đang lây lan trong khi chính phủ vẫn đang theo đuổi mục tiêu Zero-Covid.
Trong khi đó, thị trường đang theo dõi sát các thông tin về kế hoạch tăng lãi suất của Fed. Phần lớn đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm, tuy nhiên một yếu tố khác được theo dõi sát là số lần tăng lãi suất còn lại trong năm nay và mức độ tăng lãi suất. Hầu hết đang nghiêng về khả năng lãi suất cuối năm sẽ đạt 3.5%, tuy nhiên, nếu Fed báo hiệu trong cuộc họp con số cao hơn, thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng sẽ gặp áp lực lớn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV