Đà giảm của lúa mì có khả năng sẽ được đẩy mạnh nếu như xuất khẩu của Ukraine quay trở lại bình thường
Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/07, lúa mì đang dẫn dắt đà giảm của nhóm nông sản sau khi mất đi hỗ trợ 800. Phiên suy yếu hôm qua đã kết thúc nhịp hồi phục ngắn hạn của lúa mì và khiến giá quay trở lại với xu hướng giảm chính. Những triển vọng tích cực hơn về khả năng xuất khẩu trở lại của Ukraine là yếu tố đã khiến cho lực bán hoàn toàn áp đảo trong phiên sáng nay.
Tính từ khi tạo đỉnh vào giữa tháng 5 năm nay, giá lúa mì đã lao dốc liên tiếp gần 40% về vùng giá hiện tại, mức thấp nhất được ghi nhận trước khi chiến tranh ở Biển Đen diễn ra. Điều này phản ánh rằng lo ngại về nguồn cung ở đây đang dần được xoa dịu và đã hoàn toàn được xoá bỏ ở thời điểm hiện tại. Một cuộc đàm phán đa phương giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc đã chính thức diễn ra nhằm hỗ trợ Ukraine đạt được khả năng xuất khẩu ngũ cốc như trước đây. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đề xuất của nước này về cách thức nối lại xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen đã nhận được sự ủng hộ từ phần đông người tham dự. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về việc Nga và Ukraine sẽ ký một thỏa thuận vào hôm nay để mở lại các cảng xuất khẩu ngũ cốc. Hai quốc gia tham gia mặc dù vẫn chưa lên tiếng xác nhận nhưng đây cũng được xem là động thái trấn an thị trường sau những lo ngại về việc thiếu hụt kho chứa. Theo đánh giá của chúng tôi, trong trường hợp xấu nhất là tiến độ xuất khẩu qua các cảng Biển Đen vẫn sẽ cải thiện nhờ việc tận dụng tối đa các phương thức vận chuyển khác như đường sông. Chính vì thế nên trong trung hạn, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế hơn đối với mặt hàng này.
Ngược lại, theo báo cáo mới nhất của Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), giai đoạn gieo trồng lúa mì ở Argentina đã sắp hoàn thành nhưng chất lượng cây trồng vẫn tiếp tục suy giảm. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tổ chức này cắt giảm dự báo diện tích gieo trồng xuống còn 6.1 triệu ha. Thông tin này sẽ giúp hạn chế đà giảm đối với lúa mì trong phiên hôm nay.
Giá Robusta nhiều khả năng đảo chiều tăng trở lại, nhờ nguồn cung thu hẹp tại Việt Nam và Uganda 
Kết thúc phiên giao dịch 21/07, hai mặt hàng cà phê đồng loạt quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần, do tiến độ thu hoạch tại Cooxupe vẫn duy trì tốc độ tăng hàng tuần và sự hồi phục đáng kể từ tiến độ thu hoạch tại vùng trồng cà phê chính Minas Gerais.
Theo Safras & Mercado, hãng tư vấn nông nghiệp hàng đầu Brazil, sản lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ 22/23, tính đến 19/07 tại Brazil đạt 66%, tăng 7% so với tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn mức 73% của trung bình 5 năm, là thông tin “bullish” đến giá trong bối cảnh tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (EBC) tăng lãi suất 0.5%, thay đổi so với mức 0.25% dự kiến trước đó. Đây cũng là lần tăng lãi suất đầu tiên sau 11 năm của khu vực này, phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu như cà phê, đặc biệt hơn khi liên minh Châu Âu (EU) là khu vực tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, sẽ là nhân tố tác động tiêu cực giá cà phê trong phiên hôm nay.
Với Robusta, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 07 tại Việt Nam đạt 58,365 tấn, giảm so với mức 67,580 tấn cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng suy giảm, nhiều khả năng việc thiếu hụt này sẽ tiếp tục kéo dài cho đến tháng 10, khi bắt đầu vụ thu hoạch mới. Bên cạnh đó, Uganda, nước xuất khẩu Robusta lớn thứ 4 thế giới cũng suy giảm sản lượng trong tháng 06 do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn kéo dài đã dẫn đến xuất khẩu trong tháng tại nước này giảm 14.2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc nguồn cung thiếu hụt sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, khi Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch còn Brazil thì tiến độ thu hoạch vẫn chưa có sự cải thiện nhất định, sẽ là yếu tố gây áp lực lên giá.
Về mặt kỹ thuât, giá đang nằm giữa 2 đường SMA13 và SMA34, cùng với dải Bollinger thắt lại 2 đầu, thể hiện xu hướng giá đi ngang. Bên cạnh đó, đường MACD giao nhau với đường Signal, dưới đường 0 và có xu hướng chếch lên, kết hợp với thông tin cơ bản tác động tích cực lên giá, nhiều khả năng trong phiên hôm nay, giá sẽ tăng lên 2010 cents.
Đà tăng của giá đồng trong phiên có thể không bền vững khi triển vọng nhu cầu vẫn tiêu cực
Đồng tiếp tục đi ngang và dao động với biên độ hẹp khi những lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn đang tiềm ẩn. Giá đồng có thể tăng nhẹ trong phiên hôm nay trước các tin tức về rủi ro nguồn cung, tuy nhiên, đà tăng có thể không bền vững.
Freeport-McMoRan, công ty khai thác đồng lớn thứ 2 trên thế giới đã công bố lợi nhuận quý II giảm 5.8%, đạt mức 5.42 tỷ USD và thấp hơn dự báo của thị trường ở mức 6.13 tỷ USD. Công ty đã đưa ra lưu ý rằng giá đồng hiện tại đang không đủ để hỗ trợ các mỏ mới. Điều này hạn chế sự mở rộng nguồn cung đồng trên thế giới và gây áp lực đến giá đồng trong phiên.
Bên cạnh đó, Antofagasta, công ty sản xuất đồng lớn thứ 8 trên thế giới, cũng đã cắt giảm khoảng 30,000 tấn mục tiêu sản lượng đồng cả năm xuống còn 640,000 – 660,000 nghìn tấn do rò rỉ một đường ống ngầm vận chuyển tinh quặng đồng từ dự án hàng đầu, kết hợp với tình trạng thiếu nước tại mỏ. Trong khi, tại quốc gia xuất khẩu đồng lớn thứ 2 trên thế giới, cộng đồng bản địa xung quanh mỏ đồng Las Bambas, chiếm 2% nguồn cung đồng trên thế giới đã kết thúc thoả thuận đình chiến với công ty khai thác mà không đạt được thoả thuận nào. Trước đó, mỏ đồng này đã phải tạm dừng hoạt động 50 ngày, và sau đó là 30 ngày nhằm tìm kiếm tiếng nói chung với cộng đồng địa phương. Những triển vọng tiêu cực tại nguồn cung sẽ mang lại động lực chính cho đà tăng của giá đồng trong phiên.
Tuy nhiên, trước triển vọng tương đối tiêu cực của nền kinh tế, đặc biệt là khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vừa nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, mức tăng cao hơn so với những gì chủ tịch ECB đã tuyên bố vào hồi tháng trước. Và ECB cũng sẽ tiến tới một cuộc họp có thể là vào ngay trong tháng sau nhằm tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, thị trường đang hướng tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tuần sau. Hai khu vực kinh tế lớn đồng loạt thắt chặt tiền tệ sẽ khiến rủi ro suy thoái gia tăng và gây ra áp lực đối với thị trường đồng, nhất là khi sự phục hồi trong nhu cầu đồng tại Trung Quốc vẫn đang chậm chạp. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn chưa thể vượt mốc 30,000 tấn kể từ cuối tháng 4 cho đến nay, và hiện đang ở mức 14,000 tấn, phản ánh sức tiêu thụ vẫn còn yếu.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H1, giá đồng tiếp tục di chuyển với biên độ hẹp và có xu hướng đi ngang. Lực mua và lực bán trong phiên hôm nay đang khá giằng co. Nhiều khả năng giá đồng sẽ test lại kháng cự 3.36 USD/pound trong vài phiên tới trước khi giảm trở lại.
Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng, tuy nhiên đà tăng khó duy trì
Giá dầu phục hồi trong phiên sáng, khi thị trường vẫn còn lực hỗ trợ bất chấp lo ngại về lãi suất tăng.
Việc ECB tăng lãi suất mạnh thêm 50 điểm cơ bản, đẩy lãi suất tiền gửi quay lại mức 0% khiến cho giới đầu tư ngần ngại trong việc nắm giữ và tăng cường vị thế mua dầu, đặc biệt khi độ biến động lớn trong phiên đã khiến cho khối lượng giao dịch giảm đi trong những phiên gần đây. Các ngân hàng trung ương khác, như BoJ của Nhật, cũng đang chịu sức ép khi đồng tiền mất giá quá nhiều so với đồng Dollar, khiến cho thị trường tài chính trong nước trở nên bất ổn. Nguy cơ các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất thêm nữa đang là một trong các rủi ro lớn mà thị trường cần phải cân nhắc.
Điều này đang gây sức ép lớn đối với giá dầu, tuy vậy Brent vẫn vững vàng trên mốc 100 USD/thùng. Nguyên nhân là do tại châu Âu, việc Gazprom, nhà cung cấp dầu khí lớn, liên tiếp thực hiện bảo trì, bảo dưỡng bất chợt và kéo dài trong nhiều ngày, đã gây ra tình trạng bất ổn trong nguồn cung lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Mỹ và châu Âu tiếp tục nghiên cứu các phương pháp để đặt giá trần lên các sản phẩm dầu của Nga, đồng thời cấm các công ty bảo hiểm các chuyến tầu chở dầu cũng khiến cho châu Âu chịu rủi ro giá tăng cao hơn so với Mỹ. Khả năng cao giá Brent sẽ vẫn duy trì ở khu vực 100 USD/thùng, trước khi châu Âu và Nga đạt được một số bước tiến mới.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV