Đà giảm có khả năng sẽ vẫn duy trì đối với ngô nếu nhu cầu sản xuất ethanol tuần này tiếp tục suy yếu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 20/07, giá ngô đã tiếp tục đà suy yếu từ phiên hôm qua khi nhu cầu tiêu thụ ngô Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu do sức cạnh tranh từ nguồn cung của Brazil. Hiện tại, giá ngô đã phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lí 600 và đang hướng về vùng đáy trước đó ở mức 577. Khả năng xuất hiện thông tin hỗ trợ mạnh giúp giá ngô thoát khỏi xu hướng giảm là rất thấp do yếu tố chính quyết định đến xu hướng giá gần như chỉ còn triển vọng nguồn cung tại Mỹ. Theo đánh giá của chúng tôi, hạn hán vẫn chưa nghiêm trọng đến mức cảnh báo trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa đang dần giảm sút sẽ khiến cho cán cân cung cầu đang thiên về bên bán nhiều hơn.
Nếu như những số liệu xuất khẩu tăng vọt của Brazil mặc dù chưa đến giai đoạn xuất khẩu cao điểm cho thấy áp lực cạnh tranh đối với Mỹ thì nhu cầu còn lại là sử dụng trong công nghiệp sẽ được phản ánh qua các số liệu trong báo cáo của EIA. Tính đến tuần trước, tồn kho ethanol đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong 6 tuần vừa qua. Trong khi đó, sản lượng mặc dù vẫn ở trên mức 1 triệu thùng/ngày nhưng lại là tuần thứ 5 liên tiếp giảm xuống. Điều này cho thấy rằng trong báo cáo tối nay, nếu như mức sản lượng tiếp tục xu hướng giảm xuống do tồn kho đang ở mức cao, thì nhiều khả năng con số này sẽ thấp hơn 1 triệu. Nhu cầu ngô ở Mỹ dùng trong ngành công nghiệp sản xuất ethanol thường chiếm 30- 40% sản lượng mỗi niên vụ, gần tương đương với khối lượng xuất khẩu. Chính vì thế nên số liệu trong báo cáo của EIA cũng phản ánh phần lớn nhu cầu và tác động mạnh tới giá. Với xu hướng hiện tại, chúng tôi cho rằng nhu cầu ethanol cũng sẽ là yếu tố tạo áp lực đến giá ngô.
Theo Sở Kinh tế Nông thôn Deral, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 ở bang Parana đạt 30% diện tích dự kiến, tăng 10% so với tuần trước với khoảng 72% cây trồng đang được đánh giá ở mức tốt. Tốc độ được đẩy mạnh sẽ càng củng cố cho việc nguồn cung từ Brazil sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đường khả năng tăng giá trong phiên hôm nay nhờ sự hỗ trợ từ quy định mới đối với thuế nhiên liệu sinh học tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 19/07, bông và đường cùng chung xu hướng giảm, trong đó, bông giảm nhẹ gần 1% do lo ngại khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu tiêu thụ, 2 mặt hàng đường đều có mức giảm gần 3% do tác động từ quy định thuế đối với nhiên liệu của chính phủ Brazil.
Theo Orplana, tổ chức hiệp hội các nhà sản xuất mía đường tại Brazil, ít nhất 21 tiểu bang và quận liên bang tại Brazil đã cắt giảm thuế ICMS đối với nhiên liệu sinh học theo quy định từ chính phủ nước này. Trong đó, nổi bật nhất là việc cắt giảm thuế ICMS của 2 ban sản xuất mía đường lớn, cụ thể, Sao Paullo giảm thuế ICMS từ 13.3% xuống 9.57% và Minas Gerais giảm từ 16% còn 9%, điều này giúp gia tăng sức cạnh tranh của ethanol so với đường và tác động tích cực lên giá.
Trong hôm nay, Petrobras, công ty dầu khí đa quốc gia tại Brazil, thông báo giảm 5% giá xăng dầu tại các nhà máy lọc dầu của họ nhằm hạ nhiệt giá dầu tại quốc gia này.
Về mặt kỹ thuật, giá đã nằm trên cả 3 đường trung bình là SMA13, MA20 và SMA34, thể hiện xu hướng tăng của giá, kết hợp với đường MACD giao với đường Signal và hướng lên trên đường 0, củng cố thêm tính chắc chắn cho khả năng tăng giá của đường trong phiên hôm nay.

Đà tăng của giá đồng nhiều khả năng sẽ gặp lực cản khi thiếu vắng những thông tin tích cực thúc đẩy giá
Giá đồng trong 2 phiên gần đây đều cho thấy xu hướng di chuyển với biên độ hẹp khi các thông tin về cơ bản vẫn chưa thể cho thị trường đồng động lực tăng mạnh mẽ. Sáng nay, thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên mức lãi suất chuẩn cho vay 1 năm ở mức 3.7% và lãi suất trung hạn 5 năm ở mức 4.45% phù hợp với kỳ vọng của thị trường, đã hỗ trợ cho giá tăng nhẹ. Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, việc giữ nguyên mức lãi suất tại Trung Quốc thay vì cắt giảm nhằm kích tích kinh tế, sẽ hạn chế sự trượt giá của đồng nhân dân tệ và ngăn dòng vốn chảy ra. Ngoài ra, giá nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có đồng cũng sẽ bớt áp lực hơn so với việc để đồng nội tệ tiếp tục trượt giá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc tại Trung Quốc tiếp tục tăng vào ngày hôm qua, và rủi ro trong lĩnh vực bất động sản tiêu thụ lượng lớn nhu cầu về đồng, vẫn sẽ là các yếu tố cản trở đà phục hồi của giá đồng. Thông tin từ Bloomberg cho biết, không chỉ những người mua nhà mà giờ đây, hàng trăm nhà thầu đang phàn nàn về các hoá đơn nợ của các chủ đầu tư bất động sản. Các nhà thầu này đang từ chối chi trả các khoản vay ngân hàng trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản, trong đó có Tập đoàn Evergrande vẫn còn nhiều khoản nợ đối với họ. Đây là một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tẩy chay thế chấp bắt đầu từ những người mua nhà đang có xu hướng lan rộng.
Về mặt vĩ mô, giá đồng tiếp tục đối mặt với những rủi ro kinh tế trước lo ngại tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại. Theo hãng tin Reuters, nhiều suy đoán đang cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm như cam kết của các quan chức ngân hàng trước đó vào ngày mai, nhằm kiềm chế mức lạm phát kỷ lục. Đây là khu vực tiêu thụ đồng lớn thứ 2 trên thế giới sau châu Á, và tiên phong trong lĩnh vực năng lượng sạch vốn tiêu thụ một lượng đồng khổng lồ. Việc mạnh tay thắt chặt tiền tệ sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng trong tương lai đối với khu vực đồng tiền chung này. Giá đồng nhiều khả năng vẫn tiếp tục gặp nhiều trở ngại.

Thị trường dầu sẽ cần một nhịp điều chỉnh trước khi giá có thể tăng trở lại
Giá dầu đã lấy lại cột mốc 100 USD/thùng, với nhiều điểm yếu về phía nguồn cung cho thấy khả năng thị trường mất cân bằng vẫn còn rất lớn.
Sau khi chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc mà không đạt được thỏa thuận mới nào để tăng sản lượng, lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung một lần nữa lại tăng lên trên thị trường. Đây cũng là nhận định chung của nhiều công ty năng lượng. Mới đây, CEO của công ty Conoco Phillips cũng đã lên tiếng cảnh báo về thiếu hụt nguồn cung dầu, khi nhu cầu vượt qua ngưỡng trước đại dịch trong khi các nước thành viên OPEC+ đang vất vả trong việc tuân thủ hạn ngạch. Trong tháng 6 vừa qua, 20 nước tham gia thỏa thuận sản lượng vẫn đang sản xuất dưới mục tiêu khoảng 1.5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, công suất dự phòng của OPEC mà EIA ước tính rơi vào khoảng dưới 3 triệu thùng/ngày, thấp hơn trung bình giai đoạn 2012-2021. Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1-2 triệu thùng/ngày, tập trung chủ yếu tại Saudi Arabia và UAE. Khi mà tồn kho dầu của nhóm OECD, các nước có kho dự trữ dầu chiếm tỷ trọng lớn trên toàn thế giới, vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp trong vòng 1-2 năm tới, khả năng giá dầu duy trì ở mức cao là rất lớn.
Trong khi đó, các gián đoạn về nguồn cung lại liên tục diễn ra, điển hình như các trường hợp bất khả kháng tại Libya, Nam Phi, hay mới đây là đường ống dẫn dầu từ Canada sang Mỹ. Điều này khiến cho thị trường dễ rơi vào “cú sốc” và đẩy giá lên cao.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV