Lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil sẽ giúp ngô vượt vùng kháng cự 700

Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/05, ngô tiếp tục là mặt hàng dẫn dắt xu hướng của thị trường nông sản với mức tăng mạnh nhất. Ngô đóng cửa ở mức 696.5 cents/giạ, tăng 2.54%. Trong phiên, đã có lúc giá ngô chạm tới vùng kháng cự tâm lí 700 nhưng đà tăng đã bị hạn chế bởi lực bán kĩ thuật vào cuối phiên.

Đây là mức giá cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây và có khả năng ngô sẽ tiếp tục chinh phục các mức giá cao hơn trong bối cảnh các thông tin cơ bản đều có tính “bullish” mạnh.

Những lo ngại đang gia tăng về nguồn cung bị thắt chặt và mùa vụ gieo trồng tại Brazil tiếp tục là yếu tố chính lý giải cho phiên tăng giá hôm qua. Hạn hán đang diễn ra cực kì nghiêm trọng ở các vùng gieo trồng ngô vụ 2 ở nước này và được dự báo là sẽ tiếp tục kéo dài, gây ra ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng vụ mùa. Ở bang Panara, chỉ 28% diện tích gieo trồng được đánh giá tốt, trong khi con số này vào tuần trước là 40% và 2 tuần trước đó là 62%.

Hiện tại, 1/3 vụ ngô ở bang này đang trong quá trình thụ phấn - giai đoạn cây cần nước nhất cho quá trình sinh trưởng và việc thiếu nước sẽ có tác động lớn nhất đến chất lượng cây trồng. Không những thế, tại bang Mato Grosso, Cơ quan thống kê nông nghiệp IMEA cũng vừa giảm dự báo sản lượng ngô niên vụ 20/21 của bang này xuống 34.6 triệu tấn, thấp hơn 1.1% so với báo cáo tháng trước, chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi. Thêm vào đó, ngô vụ 2 tại đây sẽ là nguồn cung ngô cho thế giới vào tháng 7, khi tới giai đoạn thu hoạch vụ mùa, nên các yếu tố ảnh hưởng đến mùa vụ Brazil sẽ được phản ánh ngay vào giá hợp đồng ngô tháng 7. Điều này đồng nghĩa với việc thời tiết bất lợi và nguồn cung cạn kiệt đang và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá của ngô trong dài hạn.

Lúa mì phiên hôm qua cũng có mức tăng khá mạnh 1.22%, lên 724.25 cents/giạ. Đà tăng của lúa mì một phần cũng do ảnh hưởng từ giá ngô tăng lên. Ngoài ra, theo thông tin của hãng tư vấn Agritrend, xuất khẩu lúa mì niên vụ 2021/22 của Argentina dự kiến sẽ đạt 13.5 triệu tấn, cao hơn so với mức 10.5 triệu tấn trong niên vụ 2020/21. Điều này cho thấy nhu cầu lúa mì cũng đang tăng cao và hỗ trợ cho giá trong phiên hôm qua.

Mở cửa phiên sáng nay, giá ngô đang giằng co ở mức 697.00 cents/giạ. Hiện tại, giá ngô vẫn đang di chuyển trong kênh trên và tiếp tục xu hướng tăng với các chỉ báo kĩ thuật đều được duy trì. Trong một vài phiên tới, ngô có khả năng sẽ vượt được mức kháng cự tâm lí quan trọng 700 để tiến tới vùng giá tiếp theo quanh 710.

 

Giá đường và Arabica có thể đi ngang với khoảng rộng để chờ thông tin mới

Kết thúc phiên giao dịch 04/05, giá đường và cả 2 mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trở lại.

Giá Arababica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US chỉ tăng rất nhẹ 0.1 cents, nhưng đã chấm dứt được chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó, chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ quan trọng 140 cents.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng Ba đạt mức 11.94 triệu bao (1 bao = 60kg), tăng nhẹ so với mức 11.66 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 20/21 cũng tăng 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu đang dần được phục hồi.

Về mặt kỹ thuật, ngoài việc được hỗ trợ bởi đường trendline cùng đường Fibo 38.2%, thì các chỉ báo MACD hay RSI đều chưa cho thấy tín hiệu giá có thể sớm tăng trở lại. Trong khi đó, đường Tenkan đang bắt đầu cắt xuống đường Kijun của chỉ báo Ichimoku, nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm cho giá giằng co tại vùng giá 140.0 – 143.0 trong phiên hôm nay.

Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE EU đóng cửa tăng 1.24% lên mức 1474 USD/tấn, đúng như các dự đoán trước đó của MXV News. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây với mặt hàng này, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung có thể gián đoạn do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại tại các nước Nam Á và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen bất ngờ đưa thông tin về việc chính phủ Mỹ có thể nâng lãi suất trong thời gian tới, dù đã được đính chính lại sau đó, vẫn đang khiến đồng Dollar có xu hướng phục hồi trong ngắn hạn. Việc này sẽ cản trở giá Robusta hướng đến vùng giá 1500 trong tuần này.

 

Giá bạc sẽ hồi phục trở lại trong hôm nay sau khi giảm mạnh ở phiên trước

Đóng cửa ngày giao dịch 4/5, giá bạc giảm mạnh 1.49% xuống chỉ còn 26.558 USD/ounce, cùng chiều với giá vàng thế giới, do tác động từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Đồng Dollar phục hồi mạnh trong phiên hôm qua khi chỉ số Dollar Index tăng lên mức 91.3 điểm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kết thúc phiên hôm qua ở mức 1.58%, khiến các mặt hàng không tạo ra lãi suất như kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Những phát biểu của bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã làm chao đảo thị trường tiền tệ, cũng như diễn biến giá kim loại quý trong phiên hôm qua. Theo đó, bà Yellen cho rằng lãi suất cần phải tăng theo thời gian để kìm hãm nền kinh tế không phát triển quá nóng, mặc dù chi tiêu bổ sung vẫn còn khá ít ỏi so với quy mô nền kinh tế.

Đáng chú ý, những phát biểu của Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang hoàn toàn trái ngược với cam kết không tăng lãi suất của Chủ tịch đương nhiệm Jerome Powell, và cũng hoàn toàn đối lập với phát biểu của chính bà trong cuộc phỏng vấn với NBC hồi đầu tuần rằng tình trạng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Những bình luận của bà Yellen đã làm rung chuyển thị trường, khiến các tài sản như vàng, bạc và Bitcoin giảm điểm rất mạnh.

 

Giá dầu thô tăng mạnh nhờ nhu cầu tăng, khả năng tăng trong hôm nay 

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong phiên hôm qua nhờ việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại Mỹ và châu Âu. Cụ thể, dầu WTI tăng 1.86% lên 65.69 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.95% lên 68.88 USD/thùng.

Giá tăng chủ yếu do các thông tin kinh tế tích cực tại Mỹ và châu Âu khi các nước này dần gỡ bỏ phong tỏa. New York dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn vào đầu tháng 7 trong khi các nước châu Âu đang thúc đẩy sử dụng “Chứng chỉ xanh kỹ thuật số” cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi.

Sớm nhất vào cuối tháng 5, các quốc gia thành viên EU sẽ mở lại biên giới cho khách du lịch từ các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp, cũng như những người đã được tiêm chủng văc-xin ngừa Covid-19. Điều này sẽ giúp cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu thế giới phục hồi trong nửa cuối năm và bù đắp cho nhu cầu suy giảm ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, giá dầu sẽ chịu sức ép nguồn cung tăng nếu cuộc đàm phán dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Iran và Mỹ thành công. Theo các nhà phân tích, Iran có thể tăng mức sản lượng hiện tại 2.1 triệu thùng/ngày lên mức 3.8 triệu thùng/ngày trong vòng vài tháng. Dự kiến Mỹ và Iran sẽ đạt được thỏa thuận vào ngày 21/05.

Theo báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ sáng nay, tồn kho xăng dầu Mỹ kết thúc tuần 30/4 giảm mạnh hơn nhiều so với các con số dự báo, trong đó dầu thô giảm 7.7 triệu thùng so với mức dự kiến 2.3 triệu thùng còn tồn kho xăng giảm 5.3 triệu thùng so với kỳ vọng giảm 0.7 triệu thùng. Đây sẽ là tín hiệu tốt thúc đẩy giá trong phiên sáng nay.

Trong phiên giao dịch tối nay, các số liệu tồn kho từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) là thông tin quan trọng các nhà đầu tư cần chú ý. Nếu số liệu thực tế tối nay cho thấy tồn kho giảm mạnh hơn dự kiến, giá dầu sẽ có thêm động lực để vượt qua mức kháng cự 67.3 USD/thùng và tiến tới vùng giá 70 USD/thùng trong tháng này.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam