Các yếu tố cơ bản đang tác động trái chiều nhau có thể sẽ khiến cho giá ngô vẫn giằng co trên hỗ trợ 780
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch sáng nay đang giảm trở lại sau 2 phiên hồi phục nhẹ trước đó nhưng vẫn không thể vượt lên vùng kháng cự tâm lí 800. Mô hình giá ngô vẫn đang tiếp tục hình thành mẫu 2 đỉnh, cho thấy dấu hiệu nhịp giảm này của ngô có thể vẫn sẽ kéo dài. Hỗ trợ ở 780 sẽ rất quan trọng trong phiên hôm nay vì nếu giá phá vỡ mức hỗ trợ này thì nhịp giảm nhiều khả năng sẽ được xác nhận và kéo theo lực bán kĩ thuật được đẩy mạnh hơn.
Hạn hán vẫn đang là mối nguy đối với sản lượng ngô vụ 2 của Brazil. Tại bang Mato Grosso, khu vực sản xuất tới 45% sản lượng ngô vụ 2 của nước này, lượng mưa trong tháng 4 được ước tính chỉ đạt mức thấp nhất trong 17 năm qua. Dự báo trong tháng 5, khô hạn vẫn sẽ tiếp tục duy trì thời tiết còn có thể tệ hơn nữa khi mức độ thiếu hụt độ ẩm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này đã xoá đi hoàn toàn những kỳ vọng của thị trường về vụ ngô thứ 2 sẽ bù đắp cho thiệt hại của vụ thứ 1 vừa được thu hoạch. Triển vọng ngô vụ 2 của Brazil vẫn đang là yếu tố hỗ trợ, và giúp ngô là mặt hàng có xu hướng tăng mạnh hơn so với 2 mặt hàng là ngô và đậu tương.
Mặc dù không còn quá ảnh hưởng tới giá nhưng những tiến triển trong hoạt động thu hoạch của Argentina cũng vẫn sẽ là mối quan tâm của thị trường khi mà nguồn cung ở các quốc gia sản xuất đều thắt chặt hơn so với dự kiến. Tuần vừa rồi, hoạt động thu hoạch của nông dân nước này đã bị dừng lại, chất lượng ngô vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất cả niên vụ. Tuy triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ thắt chặt hơn nhưng nhu cầu mua hàng cũng không quá tích cực. Số liệu xuất khẩu của Mỹ cho thấy bán hàng đều giảm so với tuần trước. Trung Quốc đang lockdown để kiểm soát dịch Covid -19 là yếu tố chính lý giải cho mức giảm này. Với triển vọng hiện tại thì giá ngô có thể sẽ vẫn chỉ giằng co trong phiên cuối tuần này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Các mặt hàng cà phê khó có thể vượt mức kháng cự quan trọng
Kết thúc phiên 05/05, mức giảm mạnh của giá Arabica đã xóa đi phần lớn mức tăng tích lũy trong 2 phiên trước đó. Đây là diễn biến đã được chúng tôi dự đoán và việc mở vị thế bán từ đầu phiên hôm qua đã mang lại khá nhiều hiệu quả cho giới đầu tư. Giá Arabica đang hướng về vùng hỗ trợ 210 - 215 cents và nhiều khả năng sẽ chưa giảm mạnh khỏi vùng này.
Các số liệu xuất khẩu của Brazil trong tháng 04 không quá tích cực, với khoảng 15% thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên năm vừa rồi là năm mất mùa của cà phê Brazil trong chu kỳ 2 năm, vì thế việc xuất khẩu giảm là điều đã được dự báo trước.
Đối với Robusta, giá đang giằng co mạnh ở vùng 2150 USD. Đúng như phân tích trước đó, vùng mây kumo quá mỏng không có ý nghĩa gì về mặt cản trở, nhưng với việc đồng Dollar vẫn đang khá mạnh, khả năng để giá hướng được lên vùng 2180 – 2200 là không cao. Việc mở vị thế mua hay bán tại đây đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, giới đầu tư nên đứng ngoài quan sát trong tuần này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Các tin tức tiêu cực trong nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc vẫn sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá đồng
Giá đồng tiếp tục tăng trong phiên hôm nay và đang tiếp cận ngưỡng 4.4 USD. Sức mua chủ yếu vẫn nhờ vào sự suy yếu của đồng USD. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện trong bối cảnh Fed phủ nhận khả năng sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tới.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp kinh tế, thông báo rằng vào năm 2022, đất nước sẽ tăng cường toàn diện xây dựng cơ sở hạ tầng, và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, các nhà chức trách có thể sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm là 5.5%. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong dài hạn.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, mức tồn kho trên Sở Thượng Hải đã rớt về dưới 20,000 tấn và làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, nhất là các hoạt động luyện kim và vận chuyển đồng bị hạn chế vì dịch bệnh.
Trong phiên hôm nay, thị trường không có các tin tức nào mang tính ảnh hưởng mạnh như cuộc họp Fed vừa qua, mà các nhà đầu tư đều đang chờ đợi số liệu bảng lương phi nông nghiệp vào thứ 6. Vì thế, diễn biến của thị trường đồng trong phiên hôm nay có thể phản ứng nhiều hơn với các yếu tố kỹ thuật.
Hiện giá bật lên từ đường hỗ trợ trendline, tuy nhiên chỉ số RSI vẫn dưới mức 50 trên khung D1. Ở khung H4, chỉ số RSI đã vượt qua mức 50 điểm, tuy nhiên giá đang gặp phải sức ép bán ở mức kháng cự tâm lý 4.4 USD. Nhiều khả năng, thị trường đồng vẫn còn nhiều dư địa tăng giá, vì giá vẫn nằm dưới đường EMA 89. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua từ 4.35 – 4.47 USD bởi giá nhiều khả năng sẽ test lại đường EMA 89 trong tuần này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng khi thị trường định giá rủi ro từ khả năng thiếu hụt nguồn cung
Giá dầu duy trì đà tăng trong phiên hôm qua, khi thị trường chờ đợi các diễn biến mới sau khi EU đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0.42% lên 108.26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 0.69% lên 110.9 USD/thùng.
Yếu tố lớn nhất chi phối thị trường hiện tại vẫn là thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, do tác dụng của các lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU dự kiến được thực hiện vào cuối năm. Hiện tại, 27 thành viên nhập khẩu khoảng 3.4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu từ Nga. Các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc có thể nhập khẩu khoảng 1.5 triệu thùng để tranh thủ mức giảm giá 30 USD/thùng, do đó thị trường có thể thiếu hụt ít nhất 2 triệu thùng/ngày. Nếu xét đến lượng dầu bổ sung từ kho dự trữ chiến lược khoảng 1.67 triệu thùng/ngày trong 6 tháng, thì lượng thiếu hụt mới chỉ khoảng 400,000 thùng/ngày, vốn không phải yếu tố có thể đẩy giá lên vùng 100 USD/thùng. Tuy vậy, khả năng Nga sẽ đáp trả các đòn trừng phạt này bằng việc cắt giảm thêm sản lượng các mặt hàng năng lượng khác, hoặc ngừng dòng chảy dầu ngay lập tức có thể khiến thị trường rơi vào khủng hoảng ngay hiện tại. Do đó, một số ngân hàng đầu tư như UBS đã nâng dự báo giá dầu lên, do họ thấy rằng mức giá này vẫn chưa phản ánh đúng rủi ro của thị trường năng lượng. Tuy vậy, với sự lo ngại gia tăng trên thị trường tài chính, phản ánh ở dòng tiền dịch chuyển vào nắm giữ tiền mặt, và đẩy Dollar Index lên vùng đỉnh 20 năm. Các biến động lớn trong mỗi phiên khiến cho rủi ro gia tăng đáng kể so với các giai đoạn trước khi có bất ổn địa chính trị.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số MACD và RSI đều hướng lên trên, gợi ý giá có thể duy trì đà tăng. Kháng cự vùng 108 đã bị phá vỡ, và giá có thể sẽ sớm thách thức vùng 110-112 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV