Số liệu sản xuất ethanol trong báo cáo của EIA có thể sẽ giúp giá ngô không giảm sâu dưới lực bán kĩ thuật
Mở cửa phiên giao dịch ngày 04/05, giá ngô đang giằng co và biến động nhẹ quanh mức tham chiếu sau 2 phiên sụt giảm xuống dưới mức hỗ trợ tâm lí 800. Xét về các yếu tố cơ bản, ngay cả trong phiên suy yếu mạnh hôm qua, thị trường ngô cũng đang nghiêng về tác động “bullish” do triển vọng nguồn cung ở 2 quốc gia sản xuất chính trên thế giới vẫn đang là nỗi lo ngại dưới tác động bất lợi của thời tiết. Tuy nhiên, lực bán trong ngắn hạn đang bắt nguồn từ các tín hiệu kĩ thuật khi mô hình giá đang tạo ra phân kì RSI. Trong xu hướng tăng tính từ đầu tháng 4 đến nay, khi giá tạo các đỉnh sau cao hơn, trong khi đó RSI lại liên tục tạo đỉnh sau thấp hơn cho thấy động lượng tăng giá đã yếu đi nhiều, và xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm giá. Bên cạnh đó, với sự xác nhận điều chỉnh trong 2 phiên vừa qua, ngô cũng đang xuất hiện mô hình 2 đỉnh, cho thấy dấu hiệu giảm giá nên có khả năng sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá trong phiên hôm nay.
Nguồn cung ngô rõ ràng đang là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô. Mưa lớn ở Midwest khiến quá trình gieo trồng đang bị trì hoãn, trong khi khô hạn lại đang khiến cho các tổ chức tiên tiếp cắt giảm dự báo sản lượng ngô vụ 2 của Brazil.
Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, thị trường cũng sẽ hướng sự chú ý về nhu cầu tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol. Báo cáo của EIA tuần trước đã cho thấy sản lượng ethanol tiếp tục vẫn ở dưới mức 1 triệu thùng/ngày tuy nhiên đã có sự hồi phục nhẹ trong tuần trước. Bên cạnh đó, tồn kho ethanol cũng đã giảm 4 tuần liên tiếp, về mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Điều này cho thấy sản lượng ethanol trong báo cáo tối nay có thể sẽ được cải thiện và nếu con số này tăng trở lại lên gần mức 1 triệu thùng/ngày hoặc tồn kho tiếp tục sụt giảm thì sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá không giảm quá sâu do lực bán kĩ thuật.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Giá đồng có thể tăng điều chỉnh trong ngắn hạn nhờ lực mua bắt đáy
Giá đồng đang giằng co xung quanh mức 4.3 USD/pound, tuy nhiên biên độ biến động của phiên hôm nay đã thu hẹp khá nhiều so với các phiên trước đó.
Diễn biến giá hiện nay cho thấy phần lớn các tin tức kinh tế tiêu cực của Mỹ và Trung Quốc đã được phản ánh vào giá. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang tỏ ra rất thận trọng trước thời điểm cuộc họp của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) kết thúc. Công cụ theo dõi CME Watchtool đang cho thấy gần như 100% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong phiên họp hôm nay. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng muốn lắng nghe thêm phương hướng của các nhà hoạch định chính sách trong thời gian còn lại của năm.
Tác động kép từ việc tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán của Fed sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ đồng theo đó cũng sẽ giảm do ảnh hưởng của sự suy yếu của các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, và sẽ gia tăng thêm sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Thượng Hải đang tăng, đang “xoá tan” hy vọng nới lỏng giãn cách của người dân. Tại Bắc Kinh, số ca nhiễm mới đang giảm nhẹ sau khi chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để các hoạt động của nền kinh tế khôi phục lại bình thường.
Xét về triển vọng dài hạn từ nay tới cuối năm, giá đồng vẫn được hỗ trợ nhờ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực năng lượng xanh, nhất là khi nguồn cung từ Chile và Peru đang có nguy cơ thâm hụt vì tình trạng thiếu lao động và những bất ổn xã hội. Nhiều khả năng giá vẫn sẽ giữ được mức 4 USD/pound. Tuy nhiên trong ngắn hạn, sức mua trên thị trường có thể vẫn yếu vì tác động của các yếu tố kể trên.
Về mặt kỹ thuật, giá đang hồi phục nhờ lực mua bắt đáy ở khu vực hỗ trợ tâm lý 4.3 USD, và có thể test lại hai đường hỗ trợ EMA 34 và 89 trong phiên hôm nay. Các nhà đầu tư có thể lướt sóng trong nhịp điều chỉnh tăng của giá bằng cách mở vị thế mua ở mức 4.31 với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.41 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ thoát khỏi vùng đi ngang trong tuần này sau thông tin về lệnh cấm của EU
Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu tại Trung Quốc áp đảo thông tin Liên minh châu Âu EU áp đặt lệnh cấm vận lên dầu nhập khẩu của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 2.62% xuống 102.41 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 2.43% xuống 104.97 USD/thùng.
Thị trường bước vào tháng 5 với những câu hỏi lớn về nguồn cung vẫn chưa được giải đáp, nhất là từ phía sản lượng dầu của Nga. Theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg, trong tuần kết thúc ngày 29/04, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga giảm từ 4.1 triệu thùng xuống 3.55 triệu thùng. Các công ty năng lượng lớn như Exxon đã cắt giảm và hủy bỏ các đơn hàng dầu mua từ Nga, do tác động của các lệnh cấm vận. Với thông tin từ EU cho biết khối đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, giá dầu có thể nhanh chóng quay lại đà tăng, nhất là khi Nga khó có thể chuyển hướng 2.4 triệu thùng dầu/ngày ngay lập tức cho các khách hàng châu Á, khả năng tất yếu là sản lượng phải giảm do Nga vốn không có nhiều kho chứa. Như vậy, lượng dầu giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Mỹ giải phóng từ trong 6 tháng sẽ rơi vào khoảng 300 triệu thùng, hay 1.67 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5, khó có thể giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Về mặt kỹ thuật, giá đã vượt qua kháng cự vùng 104 USD/thùng và RSI hướng lên trên, khả năng cao sẽ tiến tới vùng 106 USD/thùng trong phiên hôm nay và phá vỡ vùng đi ngang 100-108 USD/thùng trong tuần này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa