Kịch bản tăng giá đang chiếm ưu thế hơn đối với đậu tương trong phiên cuối tuần này
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương đang tăng nhẹ trở lại. Diễn biến chung trong vài phiên vừa qua vẫn đang khá giằng co, do giá đang ở ngay dưới vùng kháng cự tâm lí quan trọng 1700. Như chúng tôi đã phân tích trong các bản tin trước, đậu tương đang bị lấn át bới các thông tin liên quan tới 2 mặt hàng thành phẩm nên giá sẽ khó biến động theo xu hướng rõ ràng. Xét về mặt kĩ thuật, giá đang chịu áp lực bán bởi nhịp điều chỉnh giảm từ vùng chặn trên của khoảng đi ngang. Nếu như thị trường đậu tương vẫn không xuất hiện thêm yếu tố cơ bản mới tác động “bullish” thì sẽ khó để giá có thể vượt trở lại vùng 1700 trong phiên tối nay.
Khác với ngô, mùa vụ ở Nam Mỹ đang bước vào giai đoạn thu hoạch và giai đoạn này ảnh hưởng của thời tiết sẽ không quá đáng kể. Báo cáo sáng nay từ Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho thấy hoạt động thu hoạch đậu tương ở Argentina đã được đẩy mạnh trong tuần vừa rồi, tiến độ đã tăng lên gần 1/2 diện tích dự kiến. Chất lượng cây trồng được cải thiện nhẹ sau 3 tuần lao dốc nhưng vẫn được đánh giá gần sát với mức tệ nhất trong cả niên vụ. Còn tại Brazil, bang sản xuất đậu tương lớn là Rio Grande do Sul cũng đã thu hoạch được 68% diện tích dự kiến. Mặc dù năng suất trung bình đã giảm 52% so với những kỳ vọng ban đầu nhưng chất lượng cây trồng trong giai đoạn vừa qua lại được hưởng lợi nhờ lượng mưa xuất hiện trong tháng 2. Nhìn chung, hoạt động thu hoạch ở Nam Mỹ vẫn đang được đẩy mạnh và tác động trái chiều lên triển vọng nguồn cung đậu tương trong ngắn hạn.
Hiện tại, mặc dù đang ở trong giai đoạn quan trọng với nhiều yếu tố cơ bản đáng chú ý nhưng xu hướng của đậu tương trong thời gian tới có khả năng vẫn sẽ ở trong khoảng sideway và giằng co quanh vùng 1700.

Thiếu vắng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, giá cà phê Arabica khó có thể bứt phá khỏi xu hướng đi ngang
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/04, lực mua áp đảo trên bảng giá của thị trường cà phê. Cụ thể, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0.9% lên mức 217.6 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 2.8% và đạt 2089 USD/tấn.
Động thái bắt đáy của các quỹ đầu tư đã giúp giá cà phê Arabica tăng mạnh trong bối cảnh thị trường đón nhận những thông tin tiêu cực về nguồn cung lẫn nhu cầu.
Cụ thể, việc đồng Reals ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp sẽ khiến người nông dân đẩy mạnh bán hàng do lo ngại cà phê mất giá. Trong khi đó, tồn kho Arabica trên Sở ICE giữ vững ở mức trên 1.1 triệu tấn cũng là yếu tố gây áp lực lên giá trong ngắn hạn do đây là tín hiệu cho thấy chuỗi cung ứng đang được cải thiện trong khi nhu cầu tiêu thụ còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, giá Arabica tiếp tục được hỗ trợ ở vùng 215 cents, chỉ số RSI đang hướng về vùng 50. Giá vẫn đang dao động ở khoảng dưới của dải Bollingers bands, kết hợp với các thông tin cơ bản mang tính “bearish”, giá Arabica có khả năng sẽ kéo dài đà hồi phục ở đầu phiên hôm nay và bị bị chặn lại ở mức kháng cự tâm lý 220 cents.
BIỂU ĐỒ GIÁ ARABICA THÁNG 7/2022 – KHUNG H4

Đối với mặt hàng Robusta, mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở London giảm mạnh là động lực hỗ trợ cho mức tăng của giá trong phiên hôm qua. Tuy nhiên xét trong trung và dài hạn, thị trường có khả năng sẽ đón nhận một lượng lớn nguồn cung đến từ các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Honduras…trong niên vụ 22/23, do đó giá mặt hàng này khó có thể bứt phá ngay cả khi triển vọng tiêu thụ hồi phục.
Giá Robusta vẫn đang đi ngang của khoảng dưới của dải Bollinger Bands với vùng hỗ trợ tâm lý là 2010 USD. Chỉ số RSI đang hướng về vùng 50, giá trong phiên hôm nay có khả năng dao động ở ngưỡng 2100 USD.
Thị trường đồng có thể nhận được nhiều sức mua hơn, nếu đồng USD suy yếu trong hôm nay
Giá đồng đang tăng trở lại trong sáng nay lên 4.48 USD/pound. Hiện nay giá đồng đang chịu ảnh hưởng bởi hai chất xúc tác chính là những tin tức liên quan tới Trung Quốc, và diễn biến của đồng USD.
Về phía nhà tiêu thụ số một thế giới, các quan chức vẫn liên tục đưa ra các biện pháp trấn an người dân, bằng những cam kết hỗ trợ, nhưng mọi thứ hiện chỉ dừng ở mức “lời nói” chứ chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào được công bố. Vì thế giá đồng dù được hỗ trợ nhưng cũng sẽ không thể tăng quá mạnh nhờ những tin tức này. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm ở Thượng Hải tăng trở lại sau 6 ngày. Giới phân tích vẫn cho rằng các hoạt động ở Trung Quốc khó có thể quay trở lại mức bình thường trong thời gian ngắn.
Mặt khác, chỉ số Dollar Index sau khi chạm mốc 103.8 điểm đã quay đầu giảm do áp lực chốt lời khi ở mức đỉnh 20 năm, nên đã hỗ trợ cho giá đồng trong sáng nay.
Xét về triển vọng trong quý II của thị trường đồng, các nhà đầu tư đang chưa có nhiều động lực mua vào bởi không chỉ Trung Quốc, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng đang cho thấy dấu hiệu suy yếu khi GDP quý I giảm 1.4%. Theo các chuyên gia, nhập khẩu trong ba tháng đầu năm của Mỹ tăng vọt do nguồn cung không theo kịp với nhu cầu và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng trưởng âm.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, các nước tại khu vực Châu Âu cũng đang phải vật lộn với việc giá năng lượng và chi phí sản xuất leo thang, nên triển vọng tiêu thụ đồng trên toàn cầu trong quý hai cũng không quá khả quan.
Có thể thấy, các tin tức cơ bản hiện nay đều không có khả năng tác động đáng kể lên giá đồng. Vì thế, các nhà đầu tư nên dựa vào các yếu tố kỹ thuật để mở vị thế. Mức 4.39 USD đang là một mức hỗ trợ mới đối với thị trường. Giá hiện vẫn nằm dưới hai đường EMA 34,89 và chỉ số RSI vẫn chưa vượt qua mức 50, cho thấy xu hướng tăng chưa phục hồi. Nhiều khả năng, trong phiên hôm nay giá sẽ tăng điều chỉnh do đồng USD suy yếu, nên các nhà đầu tư có thể canh mua ở mức 4.48 với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.55 USD.

Giá dầu thô khả năng cao sẽ điều chỉnh nhẹ trước khi quay trở lại đà tăng
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần, khi thị trường kỳ vọng Liên minh châu Âu EU sẽ sớm thiết lập các lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 3.27% lên 105.36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.2% lên 107.26 USD/thùng.
Bất chấp các tuyên bố của Thủ tướng Đức về việc nước này đang chuẩn bị cho việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, thực tế cho thấy an ninh năng lượng của quốc gia vẫn luôn là vấn đề phải đặt lên hàng đầu. Các nhà phân phối khí đốt tại châu Âu, trong đó có cả Đức, Hungary được cho là đang chuẩn bị mở các tài khoản bằng đồng Rúp tại ngân hàng Gazprombank, Thụy Sĩ. Đây có thể xem là động thái nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu thanh toán bằng tiền Rúp của chính phủ Nga mà không vi phạm lệnh cấm của EU. Có thể thấy, ngay cả trong trường hợp gói cấm vận mới của EU nhắm vào ngành dầu khí của Nga, vẫn sẽ có những “kẽ hở” để các thành viên có thể đảm bảo nguồn cung của mình, ví dụ đẩy lùi thời hạn bắt đầu cấm vận, giống lệnh cấm nhập khẩu than trước đó. Đối với Mỹ, một mặt nước này cho biết sẽ giúp đỡ các đồng minh bằng việc gia tăng sản lượng, tuy nhiên cũng liên tục cảnh báo EU cần cân nhắc thận trọng các hậu quả có thể có từ giá năng lượng cao. Đây ít nhất cũng sẽ là yếu tố để kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Khối lượng giao dịch có phần suy giảm trong tháng 4 cũng phần nào là cho thấy lo ngại rủi ro đang gia tăng trên thị trường. Trước một loạt các ẩn số như phản ứng của các nước phương Tây với cuộc chiến Nga – Ukraine, lo ngại từ sự giảm tốc trong kinh tế toàn cầu, như Quỹ Tiền tệ IMF từng cảnh báo hay khối lượng xuất khẩu dầu thực tế của Nga trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, MACD cắt dần lên đường Signal trong khi RSI đang hướng lên trên. Giá dầu có thể điều chỉnh nhẹ về vùng 104 USD/thùng trước khi quay lại đà tăng và tiến tới vùng 106-107 USD/thùng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV