Giá đậu tương sẽ khó có thể giảm sâu dưới hỗ trợ 1650 do những rủi ro sắp tới về thời tiết đối với mùa vụ tại Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/04, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Đậu tương đã giảm 3 phiên liên tiếp sau khi chạm vùng chặn trên 1735 và đang quay trở lại khoảng đi ngang. Mặc dù được hỗ trợ từ diễn biến tăng vọt của giá dầu đậu nhưng lực bán hiện vẫn đang chiếm ưu thế hơn đối với đậu tương. Theo chúng tôi đánh giá, mặc dù đang ở trong giai đoạn có nhiều thông tin tác động nhưng nhìn chung, các yếu tố cơ bản này sẽ chỉ giúp đậu tương biến động sideway, thay vì giai đoạn biến động 1 chiều như đầu năm nay.
Nếu như mùa vụ ở Nam Mỹ chịu ảnh hưởng rõ ràng của khô hạn từ cuối năm ngoái đã đẩy giá đậu tương tăng mạnh thì hiện nay, hoạt động gieo trồng ở Mỹ cũng đang gặp khó khăn nhưng chưa đủ mạnh để có thể hỗ trợ giá duy trì đà tăng. Tuy nhiên, hiện tại cũng đang là giai đoạn chuyển giao giữa mùa vụ của 2 khu vực sản xuất chính nên các yếu tố và thông tin sẽ phản ánh cho triển vọng nguồn cung trong giai đoạn tới. Dự báo về thời tiết ở khu vực Trung Tây, Mỹ theo chúng tôi sẽ là yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng giá đậu tương bởi nông dân ở nước này đang bước vào giai đoạn đầu của việc gieo trồng. Trong khi đó, đậu tương ở Nam Mỹ đang được đẩy mạnh thu hoạch nên ngoại trừ việc mưa lớn bất ngờ xuất hiện hay các vấn đề về đình công thì nguồn cung ở khu vực này sẽ ổn định dần.
Nhìn vào đồ thị giá đậu tương trong suốt nhiều năm vừa qua, sự biến động mang tính chu kỳ theo mùa cũng được thể hiện. Do chịu ảnh hưởng của những rủi ro về thời tiết trong giai đoạn tới nên giá thường có xu hướng tăng mạnh vào khoảng tháng 6. Mặc dù triển vọng hiện tại vẫn chưa rõ ràng nhưng điều này sẽ là điểm đáng lưu ý với các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế bán.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Triển vọng tiêu thụ tích cực ở châu Âu sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cà phê Arabica neo ở mức cao
Thị trường cà phê ngày 26/04 diễn biến trái chiều nhau, trong đó giá cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng nhẹ 0.2% lê mức 221.1 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.6% xuống còn 2054 USD/tấn.
Các yếu tố hỗ trợ cứng đối với mặt hàng cà phê Arabica trong giai đoạn vừa qua đều đã có dấu hiệu suy yếu. Cụ thể, đồng nội tệ Reals của Brazil giảm 5% trong 2 phiên liên tiếp đã tạo động lực cho người nông dân bán hàng để tránh tình trạng cà phê mất giá. Tồn kho Arabica trên Sở ICE ổn định đà tăng cũng góp phần xoa dịu lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại đối mặt với triển vọng trái chiều nhau.
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine kéo dài gần 2 tháng đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán. Một số hãng cà phê lớn như Starbucks, McCafé,.. đã đình chỉ hoạt động các chi nhánh của mình ở Nga như một hành động để phản đối chiến tranh. Bên cạnh đó, việc giá năng lượng và lương thực tăng cao cũng khiến thị trường trở nên lo ngại về tiêu thụ cà phê ở khu vực châu Âu nói chung.
Tuy nhiên tổng kết quý 1 vừa qua, Costa Coffee, chuỗi cà phê thuộc Top 10 thế giới được Coca Cola mua lại vào năm 2018 đã đánh dấu sự hồi phục của họ ở châu Âu, từ đó góp phần cho mức tăng 28% của doanh thu toàn cầu của hãng và 27% trong phân khúc cà phê của Coca Cola. Điều này cho thấy tiêu thụ cà phê ở khu vực này chưa thực sự bị ảnh hưởng, từ đó giúp kìm hãm áp lực bán từ thị trường.
Xét về yếu tố kỹ thuật, giá đang có xu hướng đi ngang ở khoảng dưới của dải Bollinger Bands, chỉ số RSI đang dao động với biên động nhỏ ở vùng dưới 50. Giá trong phiên hôm nay có thể dao động từ 220 cents đến 225 cents.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, giá vẫn đang được hỗ trợ ở vùng 2050 USD và tiếp tục đi ngang ở khoảng dưới của dải Bollinger Bands. Do thiếu vắng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, giá trong phiên hôn nay có thể tiến về mức 2085 USD nhờ lực hồi kỹ thuật.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng có thể sẽ hồi phục nhẹ nhưng sẽ khó khôi phục lại sắc xanh trong phiên hôm nay
Giá đồng giằng co trong sáng nay xung quanh mức 4.43 USD/pound. Chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch gần nhất, thị trường đồng đã đánh mất 8% giá trị trước những tác động đến từ tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Trung Quốc.
Sau khi một loạt thành phố sản xuất và mũi nhọn kinh tế như Thượng Hải, Thâm Quyến bị ảnh hưởng, thì đến thủ đô Bắc Kinh cũng đang có nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát dịch lớn. Các chính sách kiểm soát và giãn cách nghiêm ngặt đã khiến cho khoảng 1/3 số địa phương của Trung Quốc không đạt được mức tăng trưởng mục tiêu 5.5%, trong đó có cả những tỉnh có mức đóng góp GDP lớn như Quảng Đông, Giang Tô, hay Thượng Hải.
Các hoạt động sản xuất và vận chuyển đồng bị gián đoạn khiến cho mức tồn kho tại các tỉnh lớn và dự trữ đồng trên Sở Thượng Hải đều đang giảm. Đây cũng là năm đầu tiên trong 5 năm mức tồn kho trên Sở Thượng Hải sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu kém. Mặc dù Bắc Kinh liên tục có các biện pháp trấn an người dân, và cam kết hỗ trợ kinh tế, nhưng chưa có một chương trình cụ thể nào được đưa ra, nên sức mua vốn chỉ dựa vào kỳ vọng của thị trường đồng ngày một yếu dần, khiến cho giá rơi về mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.
Ngoài ra, giá đồng cũng chịu sức ép lớn vì những chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Lãi suất cao hơn sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ đồng cũng sẽ bị giảm bớt. Ngoài ra, đồng USD hiện đang ở mức mạnh nhất trong vòng 3 năm cũng là một yếu tố kìm hãm sức mua đối với thị trường đồng.
Về mặt kỹ thuật, giá đang hồi phục tuy nhiên vẫn nằm dưới hai đường EMA 34 và 89. Các nhà đầu tư có thể canh bán khi giá test lại mức kháng cự tâm lý 4.5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức hỗ trợ gần nhất là 4.49 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Nhiều bất ổn tiềm ẩn, đà phục hồi của thị trường dầu khó duy trì vững chắc
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường đánh giá lại các triển vọng tại Trung Quốc và Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 3.21% lên 101.7 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 2.4% lên 104.61 USD/thùng.
Thị trường vẫn đang giằng co giữa các yếu tố đối lập nhau, cả ở phía nguồn cung lẫn nhu cầu. Một mặt, các hình ảnh vệ tinh thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề đang tiếp diễn tại Trung Quốc do các lệnh phong tỏa. Hoạt động mua sắm giảm đáng kể, khi khoảng ¼ dân số đang bị đặt dưới các lệnh hạn chế di chuyển. Chưa có kế hoạch chắc chắn và rõ ràng để đảm bảo các khu vực sản xuất có thể khôi phục tiến độ như trước, kể cả khi chính quyền địa phương muốn sắp xếp nhân công sinh hoạt tại nơi làm việc. Lĩnh vực xây dựng, bất động sản, một trong các ngành thường nhận được nhiều hỗ trợ để kích thích nền kinh tế chung, hiện vẫn đang đình trệ và không có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Mặt khác, việc dòng chảy khí tự nhiên từ Nga sang Ba Lan đã tạm dừng trong sáng nay làm dấy lên lo ngại Nga thật sự sẽ cắt đứt nguồn cung năng lượng đối với các quốc gia “thù địch”. Mặc dù dòng chảy đã được nối lại, tuy nhiên một lần nữa thông tin này “nhắc nhở” thị trường rằng quyền chủ động vẫn đang nằm trong tay Tổng thống Putin. Giá khí tự nhiên tại châu Âu và Mỹ đồng loạt tăng trước tin tức này, bất chấp giai đoạn tháng 4-đầu tháng 5 thường là thời điểm giá khí tự nhiên suy yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm theo mùa. Đây sẽ là yếu tố châu Âu cần cân nhắc trước khi ra quyết định vè lệnh cấm vận năng lượng trong gói trừng phạt thứ 6.
Về mặt kỹ thuật, RSI và MACD đang hướng lên và giá đã vượt lên cạnh giữa dải Bollinger Bands. Tuy vậy, biên độ biến động đang thu hẹp dần và trên biểu ngày đã hình thành mô hình “lower – high” do đó đà tăng có thể không quá mạnh. Giá có thể sẽ gặp áp lực trở lại tại vùng 104 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV