Giá đậu tương có khả năng sẽ test lại hỗ trợ tâm lí 1700 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 20/04, giá đậu tương đã tiếp tục đà tăng trong 5 phiên trước đó. Hiện tại, giá đang test lại vùng kháng cự 1735, nơi giá đậu tương đã 2 lần liên tiếp bị đẩy xuống sâu trong tháng 03. Đây là thời điểm khá quan trọng đối với xu hướng tiếp theo của đậu tương khi giá đang giằng co xét cả về kĩ thuật lẫn cơ bản. Nếu như lo ngại về nguồn cung vẫn đang duy trì do thời tiết bất lợi làm chậm trễ quá trình gieo trồng ở Mỹ và tiến độ thu hoạch ở miền nam Brazil thì nhu cầu nhập khẩu suy yếu lại chính là yếu tố hạn chế đà tăng của giá.
Trong báo cáo mới nhất từ Bộ nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng đậu tương của nước này dự kiến sẽ tăng 25.8% nhờ diện tích gieo trồng năm nay được mở rộng. Các chính sách thúc đẩy nguồn cung đậu tương nội địa của Trung Quốc đang đi vào thực tế. Trong khi đó, các số liệu nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua lại đang khá tiêu cực. Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương từ Mỹ trong tháng 3 của nước này đạt 3.37 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 7.18 triệu tấn so với cùng kì năm ngoái. Nhập khẩu đậu tương từ Brazil đạt mức 2.87 triệu tấn, mặc dù tăng so với mức 315,334 trong năm ngoái nhưng dự báo cũng sẽ không được đẩy mạnh trong những tháng tới. Hạn hán làm cho sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng và một số chuyến hàng cũng bị chậm trễ. Nhìn chung, nhu cầu đậu tương của Trung Quốc trong giai đoạn này đang giảm xuống do tỷ suất lợi nhuận ép dầu và chăn nuôi đều giảm, thậm chí xuống dưới mức âm. Thậm chí, Bộ nông nghiệp cũng đã phải kêu gọi nông dân hạn chế việc tiêu huỷ lợn nái, cho thấy triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn sẽ khó có thể cải thiện.
Dưới góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương đang ở nhịp hồi nhưng vẫn nằm trong khoảng biến động đi ngang, và có khả năng sẽ chịu lực bán kĩ thuật ở trong vùng 1735 trong phiên hôm nay.

 
Đà giảm của thị trường cà phê hôm nay có khả năng chững lại nhờ lực hồi kỹ thuật
Thị trường cà phê ngày 19/04 tiếp tục kéo dài đà giảm với giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm 0.9% xuống còn 221.7 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.5% về mức 2088 USD/tấn.
Hiện tại, những lo ngại về triển vọng tiêu thụ vẫn đang là yếu tố chính chi phối thị trường cà phê, đặc biệt là ở khu vực châu Âu khi mà chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, việc đồng nội tệ Reals của Brazil suy yếu trước sức ép của đồng USD cũng sẽ tạo sức ép để người nông dân của Brazil bán hàng niên vụ 21/22 trước khi bước vào giai đoạn thu hoạch niên vụ mới của năm nay.
Hiện tại các khu vực gieo trồng Arabica chính của Brazil đang đón nhận lượng mưa thấp hơn so với mức trung bình của tuần trước, kèm theo điều kiện khô hạn do hiện tượng thời tiết LaNina gây ra. Do đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê trong năm nay của của Brazil sẽ thấp thứ 2 trong tổng số 9 năm được mùa vừa qua. Thông tin này mang tính “bullish” tiềm ẩn đối với giá trong trung và dài hạn, từ đó hỗ trợ giá không giảm quá sâu.
Xét về yếu tố kỹ thuật, giá đang có xu hướng đi ngang trong khoảng từ 220 cents đến 225 cents, chỉ số RSI đang ở dưới vùng 50. Trong trường hợp thị trường không đón nhận thêm thông tin cơ bản gây áp lực, giá trong phiên hôm nay có thể sẽ hồi phục về gần mức 225 cents.
Đối với mặt hàng Robusta, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế với diễn biến giằng co trong phiên hôm qua. Hoạt động xuất khẩu Robusta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước những vấn đề về logistics toàn cầu. Tuy nhiên, giá vẫn đang được hỗ trợ bởi vùng 2070 USD, kết hợp với sự xuất hiện của nến đảo chiều trong khung H4 cho thấy giá đang có dấu hiệu hồi phục. Trong phiên hôm nay, giá có khả năng tiến về ngưỡng kháng cự tâm lý 2100 USD.

 
Giá đồng điều chỉnh trong ngắn hạn có thể mang lại điểm mua tốt cho các nhà đầu tư
Giá đồng tiếp tục giảm trong sáng nay về dưới 4.7 USD/pound. Sức mua trên thị trường giảm trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ mức tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới còn 3.8%.
IMF cũng chỉ ra, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do ảnh hưởng của các đợt phong tỏađể hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã và đã hạ dự báo tăng trưởng 4.4%, giảm so với mức 4.8% ước tính trước đó và so với mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là khoảng 5.5%.
Tuy nhiên, nhiều khả năng giá đồng vẫn không rớt khỏi khu vực đi ngang từ 4.65 – 4.8 USD bởi tin tức này không đủ mạnh để khiến cho giá giảm sâu. Các chuyên gia cũng như những tổ chức lớn như Goldman Sachs hay JP Morgan cũng nhiều lần cắt giảm dự báo tăng trưởng, và cảnh báo về nguy cơ suy thoái nên tác động của tin tức hôm qua đã có thể phản ánh hết vào giá.
Ngoài ra, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), sản lượng đồng bán ra ở Trung Quốc đạt 1.9 triệu tấn trong tháng 3, tăng 4.6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt tổng cộng 4.83 triệu tấn trong quý I, tăng 6.8% so với năm ngoái. Số liệu tích cực này có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng khó khăn của Trung Quốc, vì các thành phố lớn đều đóng cửa vào giai đoạn cuối tháng 3.
Với các tin tức tiêu cực như hiện nay, giá đồng vẫn có thể sẽ neo ở mức cao và giao dịch trong khoảng đi ngang, bởi hiện nhu cầu tiêu thụ đồng vẫn nhận được kỳ vọng rất lớn từ những triển vọng của lĩnh vực năng lượng xanh.
Theo Bloomberg NEF, năng lượng mặt trời chỉ sản xuất 3.3% điện năng trên thế giới vào năm 2020 nhưng có khả năng tăng lên 22% vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ không ngừng tăng trong mỗi năm, để đáp ứng công cuộc chuyển đổi xanh này.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng hiện đang giảm mạnh về cạnh dưới của biên độ đi ngang, tức 4.65 USD. Nếu sức bán mạnh, giá có thể test lại đường trendline hỗ trợ (4.63 USD). Nhiều khả năng giá vẫn sẽ duy trì biên độ đi ngang nên các nhà đàu tư có thể canh mua ở mức 4.65 – 4.75 USD.

 
Giá dầu thô khả năng cao sẽ phục hồi trong ngày hôm nay khi thị trường giảm lo sợ về sức khỏe kinh tế thế giới
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 6/2022 và dầu Brent tháng 06/2022, 2 hợp đồng kỳ hạn dầu thô giao dịch chính hiện tại, giảm lần lượt 5.17% xuống 102.05 USD/thùng và 5.22% xuống 107.25 USD/thùng.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, khoảng 60% lượng dầu trên thế giới được sử dụng cho mục đích đi lại và vận chuyển, trên 20% dùng làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp hay năng lượng cho ngành sản xuất. Do đó về thực tế, nhu cầu đi lại luôn được xem là nhân tố quan trọng nhất có ảnh hưởng tới tiêu thụ dầu. Tuy vậy, với đặc điểm của ngành dầu khí là khó có thể lưu trữ dầu ở lượng lớn, và với đặc điểm chung là xu hướng tiêu thụ tăng trong nhiều năm, một sự sụt giảm bất ngờ ở nhu cầu có thể tạo phản ứng lớn đến giá. Có thể thấy rõ phản ứng này sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Mặc dù tổng tiêu thụ dầu thế giới chỉ giảm khoảng 0.8 triệu thùng/ngày, tức khoảng 1% nhu cầu tiêu thụ hàng năm. Tuy nhiên các lo ngại về kho chứa và chi phí sản xuất đã đẩy nguồn cung phản ứng mạnh hơn và khiến sản lượng dầu thế giới giảm 1 triệu thùng/ngày. Điều này kéo cho giá dầu ở vùng đỉnh gần 150 USD/thùng rơi xuống mốc 40 USD/thùng. Trong khi đó, cùng thời kỳ, tăng trưởng GDP thế giới chỉ giảm khoảng 1.66%, theo số liệu của World Bank. Điều này lý giải tại sao việc IMF hạ dự báo tăng trưởng thế giới lần thứ 2 trong năm nay tạo ra phản ứng mạnh lên thị trường năng lượng, do các lo ngại về khoảng giá “hủy diệt nhu cầu” một lần nữa gia tăng trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế là hiện tại IMF vẫn kỳ vọng thế giới sẽ tăng trưởng GDP trong 2 năm tiếp theo, do đó thị trường sẽ có đà để phục hồi.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tích cực với MACD và RSI đều ở vùng trung tính, và giá nhận được lực mua kỹ thuật tại vùng 102-103 USD/thùng. Kháng cự tiếp theo ở khá xa vùng 105 USD/thùng. Do đó, có thể canh mua khi giá điều chỉnh về vùng 103 USD/thùng và kỳ vọng giá sẽ tăng 1-1.5 USD/thùng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV