Giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục hồi phục sau chuỗi giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/07, nhóm đậu tương đã đồng loạt hồi phục mạnh mẽ trở lại. Đây là phiên đầu tiên kể từ sau chuỗi lao dốc trong 1 tuần vừa qua mà lực mua áp đảo hơn hẳn. Điều này cho thấy rằng giá đậu tương có thể sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh tăng trong ngắn hạn. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin hôm qua, hỗ trợ tâm lí 1300 có ý nghĩa khá quan trọng đối với đậu tương, trong bối cảnh giá đã giảm liên tiếp không nghỉ và rủi ro về thời tiết ở Mỹ vẫn là yếu tố đáng lo ngại trong thời gian tới.
Trong phiên tối nay, CONAB sẽ công bố báo cáo Cung – cầu nông sản Brazi tháng 7. Mùa vụ đậu tương ở nước này đã thu hoạch và số liệu về sản lượng nhiều khả năng sẽ không còn thay đổi quá nhiều sau khi CONAB điều chỉnh tăng trong báo cáo trước. Thay vào đó, các thông tin về dự báo xuất khẩu của quốc gia sản xuất đậu tương lớn thứ 2 thế giới này sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi về nhu cầu bởi giai đoạn này thường là mùa xuất khẩu cao điểm của Brazil nên ước tính xuất khẩu của nước này sẽ phản ánh phần lớn xu hướng tiêu thụ đậu tương của thế giới. Trong tháng 7 này, dự kiến sẽ có khoảng 6.8 triệu tấn đậu tương được vận chuyển khỏi các cảng, thấp hơn so với mức 8 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Điều này sẽ củng cố cho khả năng CONAB sẽ cắt giảm số liệu xuất khẩu đậu tương của Brazil. Thông tin này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà hồi phục của giá trong phiên hôm nay do nguồn cung từ Mỹ đang trở nên cạnh tranh hơn.
Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, sau phiên hôm qua đà giảm của đậu tương đã có phần chững lại với kết thúc là cây nến Doji. Đây là loại nến trung lập thể hiện sự lưỡng lự giữa bên mua và bên bán, hay nói cách khác, nó xuất hiện khi lực cung và lực cầu đang ở thế gần như cân bằng nhau. Chính vì thế nên trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nên ưu tiên mở vị thế mua hơn.

Giá các mặt hàng cà phê có thể diễn biến trái chiều trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 06/07, giá 2 mặt hàng cà phê đều có sự giảm nhẹ dưới tác động của việc đồng Real giảm đã đẩy lực bán của người nông dân Brazil tăng cao nhưng đà giảm được hạn chế lại bởi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm.
Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil cho biết, thu hoạch cà phê của các thành viên đạt 25.75% sản lượng dự kiến, tăng 6.5% so với tuần trước. Mặc dù tiến độ thu hoạch vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây cũng là một thông tin tích cực cho nguồn cung cà phê trong thời điểm này, khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US giảm 155,576 bao (60kg) còn 813,845 bao, mức thấp nhất kể từ 1999 đến nay. Cooxupe cũng cho biết thêm, mặc dù tiến độ thu hoạch chưa đạt được như kỳ vọng nhưng chất lượng cà phê đang rất tốt.
Về mặt kỹ thuật, giá đóng cửa của Arabica nằm dưới đường SMA20 và SMA50. MACD hướng xuống, ở dưới mức 0 và đường Signal với khoảng cách mở rộng cũng thể hiện xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, giá được hỗ trợ từ cạnh dưới của dải Bollinger và đường Fibo 61.8%, kết hợp với vùng mây kumo đỏ, khiến cho xác suất phục hồi nhẹ trong phiên hôm nay là khá cao. Diễn biến của các thị trường hàng hóa khác trong phiên sáng nay như nông sản hay kim loại cũng là yếu tố tác động tích cực đến giá cà phê.

Đà tăng của giá đồng nhiều khả năng chỉ là nhịp điều chỉnh trước khi giảm trở lại
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá đồng có xu hướng hồi phục trong phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây chỉ là nhịp tăng điều chỉnh trước khi giảm trở lại của giá đồng trước những diễn biến tiêu cực tại thị trường Trung Quốc.
Thành phố Thượng Hải báo cáo số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất kể từ cuối tháng 5 với 54 ca, trong đó có 2 ca ngoài cộng đồng, làm dấy lên lo ngại về một đợt tái phong toả sẽ cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Trong khi tại Bắc Kinh cũng đã ghi nhận 4 trường hợp. Các nhà chức trách nước này cho biết biến chủng mới của Omicron BA.5.2 tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao tại thủ đô.
Trong khi đó, theo khảo sát đối với các chuyên gia kinh tế của Bloombergs nhận định về tăng trưởng của Trung Quốc cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của quốc gia này nhiều khả năng sẽ chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 1.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính đến GDP quý đầu năm 2020 sụt giảm lần duy nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê, do dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, thì đây sẽ là mức tăng ít nhất. Mục tiêu tăng trưởng 5.5% của Trung Quốc trong năm nay dường như khó có thể thực hiện được khi yếu tố dịch bệnh vẫn luôn rình rập tới quá trình bình thường hoá các hoạt động sản xuất kinh tế. Lăng kính tiêu cực này do đó, vẫn chưa thể cho giá đồng một động lực phục hồi mạnh mẽ.
Bất động sản, đóng góp khoảng 20% vào GDP của Trung Quốc vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể. Doanh số bán nhà theo tháng tại 50 thành phố hàng đầu kể từ tháng 7/2021 liên tục tăng trưởng âm và giảm tới 60% vào tháng 5 so với tháng trước đó. Khoảng 22% lượng cầu về đồng tại Trung Quốc được dùng cho lĩnh vực xây dựng, do vậy, giá đồng vẫn sẽ chịu lực cản trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, trước sức ép tăng lãi suất của hàng loạt Ngân hàng Trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm hoạt động thanh khoản ngắn hạn hàng ngày xuống còn 3 tỷ nhân dân tệ (447 triệu USD) trong tuần này, số tiền nhỏ nhất kể từ tháng 1/2021. Với tốc độ này, PBOC đã loại bỏ nhiều tiền mặt hơn trong 5 ngày đầu tiên của tháng này so với mức bơm thanh khoản vào cuối tháng Sáu. Sự thay đổi trong lập trường thanh khoản của PBOC đã đẩy lợi suất trái phiếu lên cao và nếu điều kiện tài chính thắt chặt hơn vào nửa cuối năm, hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất cũng sẽ gặp nhiều cản trở, nhất là khi nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Giá dầu khả năng cao sẽ phục hồi nhẹ khi Nga bắt đầu tiến hành các biện pháp giảm nguồn cung dầu cho thế giới
Trước một loạt các dự báo tiêu cực về triển vọng kinh tế thế giới, thị trường dầu ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ thị trường chung, bất chấp các yếu tố cơ bản vẫn đang chỉ ra sự thiếu hụt nguồn cung. Mới đây nhất, mặc dù các cuộc đình công ở Na Uy đã được giải quyết ổn thỏa, tuy nhiên các vấn đề về đình công, hỏng hóc cơ sở vật chất tại Libya, Ecuador, Nigeria vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Mới đây nhất, các căng thẳng giữa Nga – Ukraine hay giữa Nga và các quốc gia ủng hộ Ukraine đã chuyển sang các biện pháp “trả đũa” lẫn nhau. Sau khi EU thông báo kế hoạch giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Nga trong cuối năm, thì mới đây, Nga đã tìm ra phương án để đáp trả. Tòa án Nga đã ra lệnh cho đường ống CPC, vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến châu Âu phải ngừng vận chuyển từ cảng Biển Đen trong vòng 1 tháng, với lý do là vi phạm quy định về sự cố tràn dầu.
Không khó để thấy sự trùng hợp giữa thời gian lệnh cấm được ban hành với các sự kiện chính trị hiện tại. Hơn thế nữa, biện pháp này sẽ không làm giảm sản lượng dầu của Nga, giúp cho Nga vẫn đảm bảo được sản lượng đầu ra trong khi châu Âu thiệt hại nặng, do đường ống này cung cấp hơn 1 triệu thùng dầu/ngày cho châu Âu. Điều này khả năng cao không chỉ tạo ra hỗ trợ cho các sản phẩm dầu, mà đặc biệt là giá dầu Brent, tiêu chuẩn dầu chính tại châu Âu.
Đây sẽ là một trong các yếu tố hỗ trợ chính cho giá dầu ngày hôm nay, có thể giúp cho giá WTI phục hồi lên vùng 99-99.5 USD/thùng, trước khi EIA phát hành báo cáo tối nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV