Triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ kém khả quan hơn có thể sẽ hỗ trợ giá ngô trong phiên cuối tuần này
Mở cửa phiên giao dịch ngày 08/04, giá ngô đang giảm nhẹ so với mức tham chiếu. Từ đầu tuần đến nay, lực mua hầu như đều chiếm ưu thế và giúp giá hướng lên vùng chặn trên của khoảng đi ngang ở quanh vùng 765. Đây là một vùng kháng cự khá nhạy cảm đối với ngô khi liên tục đẩy giá đi xuống. Tuy nhiên, cùng với áp lực bán kĩ thuật và số liệu tích cực có thể sẽ được xác nhận trong báo cáo tối nay của USDA, đà tăng hiện tại của ngô có thể sẽ bị chặn lại.
Mặc dù không có quá nhiều yếu tố được kì vọng sẽ gây ra tác động lớn đến xu hướng dài hạn của giá, nhưng báo cáo Cung - Cầu tháng 4 được công bố vào 23h tối nay sẽ cho thấy triển vọng nguồn cung rõ ràng hơn ở Nam Mỹ. Cụ thể, sản lượng của Argentina dự đoán sẽ bị cắt giảm 1 triệu tấn. Theo chúng tôi dự đoán, con số này có thể sẽ bị điều chỉnh mạnh hơn do hạn hán trong giai đoạn vừa qua ở nước này đã khiến cho cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, trong thời gian tới, sản lượng có thể tiếp tục bị thiệt hại bởi sương giá. Sáng nay, Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, tiến độ thu hoạch ngô ở Argentina đã đạt mức 17%, và đang nhanh hơn so với mức 12% trong niên vụ trước. Tuy nhiên, tỉ lệ cây trồng được đánh giá tốt – tuyệt vời lại lao dốc từ mức 32% xuống mức 21% sau vài tuần ổn định trở lại. Đây có thể sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá ngô không chỉ trong phiên tối nay mà còn cần phải chú ý thêm trong thời gian tới.
Ngược lại, thị trường dự đoán sản lượng ngô ở Brazil sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 115 triệu tấn, từ mức 114 triệu tấn trong báo cáo trước. Con số này cũng tương đương với số liệu mà CONAB công bố trong báo cáo Cung – cầu Brazil tối qua. Triển vọng ngô vụ 2 đã nhận được lượng mưa tích cực trong giai đoạn mới gieo trồng được kì vọng sẽ bù đắp được phần thiệt hại từ vụ ngô thứ 1. Tuy nhiên, do đã được phản ánh trong báo cáo hôm qua nên tác động “bearish” từ yếu tố này sẽ không mạnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, thị trường Robusta có khả năng kéo dài đà giảm
Thị trường cà phê ngày 07/04 đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 0.6% về mức 266.1 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 1.4% về mức 2064 USD/tấn.
Đồng nội tệ Reals của Brazil giảm hơn 1% chỉ sau 2 ngày đã khiến cho giá Arabica mất đi yếu tố hỗ trợ cứng và giảm mạnh bất chấp những thông tin hỗ trợ về nguồn cung. Cụ thể, sản lượng cà phê của Colombia trong tháng 3 đạt 914 nghìn bao, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là tháng thứ 6 liên tiếp sản lượng cà phê của nước này thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm trước đó, từ đó cho thấy mức độ ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết LaNina lên mùa vụ cà phê. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê của Costa Rica trong tháng 3 cũng thấp hơn 18.3% so với cùng kỳ năm 2021, điều này cho thấy nguồn cung tại các quốc gia xuất khẩu chính đều đồng loạt giảm, từ đó hỗ trợ kìm hãm áp lực bán đối với mặt hàng này.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang đi ngang ở vùng 50, giá trong phiên hôm nay có thể dao động từ 220 đến 225 cents.
Đối với mặt hàng Robusta, mức giảm trong phiên hôm qua cũng một phần đến từ áp lực bán trên thị trường Arabica. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn là yếu tố kìm hãm đà hồi phục của giá do khu vực châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với lo ngại về lạm phát, từ đó khiến người tiêu dùng phải phân bổ chi tiêu cho các mặt hàng mang tính thiết yếu hơn.
Giá Robusta kéo dài đà giảm sau khi phá vỡ mức hỗ trợ tâm lý 2100 USD, chỉ số RSI bước vào vùng quá bán, dải Bollinger Bands đang có tín hiệu thu hẹp. Giá trong phiên hôm nay có khả năng giảm về vùng 2150 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Lực mua kỹ thuật có thể hỗ trợ thị trường đồng lấy lại sắc xanh trong phiên hôm nay
Giá đồng kết thúc phiên giao dịch 7/4 trong sắc đỏ, với mức giảm 0.8% về 4.7 USD/pound. Hai nguyên nhân chính làm gia tăng sức bán trên thị trường đồng vẫn là tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD.
Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải tiếp tục giảm về 38,828 tấn và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Đáng chú ý, kể từ năm 2018 tới nay, mức dự trữ này chưa từng có xu hướng giảm trong giai đoạn từ cuối tháng 3, bởi đây là thời điểm được coi là “mùa xây dựng” của Trung Quốc. Mức tồn kho thấp này không phản ánh nhiều những lo ngại về nguồn cung, mà đang phản ánh nhu cầu tiêu thụ rất yếu ở Trung Quốc.
Các nhà chức trách có thể sẽ tiếp tục kiên định với các chính sách đóng cửa, để thực hiện mục tiêu “Không Covid”. Bloomberg cũng đưa tin tỷ lệ tiêm chủng ở độ tuổi cao tại Trung Quốc thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, hơn nữa, đại hội Đảng của Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay, nên các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng hết sức để thực hiện các mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra trước đó.
Ở các khu vực khác trên thế giới, mức tồn kho trên Sở COMEX vẫn đang duy trì ở trên 75,000 tấn, không thay đổi quá đáng kể, còn mức dự trữ trên Sở LME dù thấp so với năm ngoái nhưng đang có xu hướng tăng rất nhanh, và hiện đã cán vượt mốc 100,000 tấn. Có thể thấy, nguồn cung đồng vẫn ở trong tình trạng chưa đáng báo động, bởi nhu cầu tiêu thụ cũng chưa có những dấu hiệu tăng mạnh.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng hiện đang tích lũy trong biên độ 4.65 – 4.8 USD/pound. Chỉ số RSI cho thấy sức mua vẫn đang áp đảo. Với các tin tức cơ bản hiện nay, giá đồng sẽ vẫn neo ở các mức cao do vẫn còn nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của Trung Quốc.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Thiếu vắng các yếu tố mới trên thị trường, giá dầu khó có thể thoát khỏi khoảng giao dịch
Dầu thô giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại về nguồn cung ngày càng giảm. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 0.21% xuống 96.03 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 0.48% xuống 100.58 USD/thùng.
Liên tục các phiên gần đây, thị trường chịu sức ép các thông tin mới về việc các nước thuộc Liên minh châu Âu EU và Mỹ phối hợp để mở kho dầu, giảm bớt áp lực nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, lực mua thường xuyên xuất hiện trở lại khi giá chạm vào các hỗ trợ cứng. Một mặt, 300 triệu thùng dầu sẽ được đón nhận như nỗ lực cải thiện thị trường lớn nhất từ trước đến nay từ các nước tiêu thụ năng lượng lớn. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ được người mua châu Á lựa chọn thay vì dầu Trung Đông đang giá cao, do đó có tác dụng giảm giá cho toàn khu vực thế giới. Mặt khác, lượng dầu này vẫn không đủ bù đắp hoàn toàn lượng dầu từ Nga, và không giải quyết được về dài hạn rằng không có bên sản xuất nào gia tăng đầu tư và sản lượng bền vững. Như vậy, chỉ cần có biến động nhỏ trong nguồn cung, ví dụ sự cố về bảo trì hay gia tăng các vụ tấn công vào nhóm OPEC như UAE, Saudi Arabia cũng có thể đẩy lo ngại về gián đoạn nguồn cung gia tăng trên thị trường và đẩy giá biến động mạnh. Đây là lý do vì sao giá WTI chủ yếu vẫn đang đi ngang trong khoảng 93-101 USD/thùng trong khi Brent dao động trong khoảng 94-103 USD/thùng.
Ngày hôm nay khả năng cao giá dầu vẫn sẽ chưa thể thoát khỏi khoảng giao dịch này, khi chưa có nhiều yếu tố mới để xác lập hướng đi cho thị trường. Ngày hôm nay, dù giá đang trên đà phục hồi một phần nhờ lực mua bắt đáy, khả năng cao giá WTI kỳ hạn tháng 05/2022 sẽ chịu áp lực từ kháng cự vùng 98 và test lại vùng 94 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa
Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV