Nhu cầu ngô trong sản xuất ethanol được cải thiện sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá
Ngô là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay khi giá tiếp nối đà tăng từ 2 phiên trước đó và đang dẫn xu hướng của nhóm nông sản. Lực mua vẫn đang chiếm ưu thế bất chấp việc hoạt động xuất khẩu ở Ukraine đang trở nên tích cực hơn.
Xu hướng tiêu thụ nhiều ngô hơn trên thế giới đang là yếu tố hỗ trợ cho giá duy trì nhịp tăng hiện tại. Đối với ngô Mỹ, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc được kì vọng là sẽ cải thiện hơn so với giai đoạn trước, đặc biệt là sau khi quốc gia này mở cửa trở lại. Gián đoạn nguồn cung ở Ukraine, nơi cung cấp 30% khối lượng ngô tới Trung Quốc có thể sẽ được bù đắp bởi lượng hàng đến từ Mỹ. Argentina cũng là nước sản xuất lớn và nguồn cung có sẵn vì đang trong giai đoạn thu hoạch cao điểm nhưng sẽ khó có thể xuất khẩu sang quốc gia châu Á này trong ngắn hạn do những rào cản trong việc kiểm định chất lượng. Khác với sự đa dạng về nguồn cung đậu tương, trước khi chiến tranh xảy ra, Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu ngô từ Mỹ hoặc Ukraine nên khả năng hoạt động mua ngô Nam Mỹ có thể được đẩy mạnh sẽ rất thấp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu tăng vọt, nhu cầu sử dụng ngô trong ngành công nghiệp sản xuất ethanol để pha chế nhiên liệu sinh học cũng sẽ tăng lên. Chính vì thế nên những số liệu về sản lượng và tồn kho ethanol trong báo cáo tối nay của EIA cũng sẽ là những dấu hiệu mà nhà đầu tư nên chú ý. Sản lượng ethanol đã quay trở lại mốc 1 triệu thùng/ngày trong 2 tuần vừa rồi và đang tăng trở lại. Tồn kho cũng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong năm 2022 cho thấy triển vọng nhu cầu đối với ethanol sẽ vẫn còn có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, EPA cũng đang có kế hoạch nâng cao yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học nên đây nhiều khả năng vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong trung hạn.

Giá dầu thô WTI khả năng cao sẽ thách thức vùng 124 USD/thùng trong tuần này do chính sách của Trung Quốc
Giá dầu thô đóng cửa trong sắc xanh, sau một phiên biến động giằng co. Cụ thể, dầu WTI tăng 0.77% lên 119.41 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 0.89% lên 120.57 USD/thùng.
Bất chấp số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu đồng loạt tăng lên trong tuần vừa rồi, giá dầu vẫn nhanh chóng quay lại đà tăng và hiện đang thách thức lại vùng 120 USD/thùng.
Nguyên nhân một phần là do tác động của báo cáo thị trường tháng 6 mà Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA tối qua, kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm ít nhất 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, khiến cho bất kỳ sự gia tăng tồn kho trong 1 ngắn hạn cũng không có nhiều ý nghĩa. Đặc biệt, báo cáo dầu hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho thực tế giảm mạnh liên tiếp 4 tuần liên tiếp, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh vẫn đang kết hợp để giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược. Vẫn có khả năng báo cáo hàng tuần của EIA tối nay cho thấy số liệu tồn kho dầu giảm, khác với số liệu của API.
Bên cạnh đó, theo nguồn tin của Reuters, Trung Quốc sẽ nâng hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm lọc dầu trong đầu năm 2022 từ 13 triệu tấn lên 17.5 triệu tấn, tuy vậy con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 29.5 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong tình trạng thế giới đã đánh mất nhiều công suất lọc dầu từ Nga như hiện tại, việc Trung Quốc kìm hãm xuất khẩu xăng và diesel để hạn chế ô nhiễm gần như chắc sẽ khiến cho giá các sản phẩm này tiếp tục tăng, và trở thành hỗ trợ cho giá dầu thô ngọt nhẹ như WTI và Brent.
Các chỉ số không có nhiều thay đổi, với RSI và MACD tiếp tục hướng lên trên trong khi dải Bollinger Bands mở rộng. Giá có thể sẽ sớm thách thức vùng 123-124 USD/thùng trong tuần này.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV