Lo ngại về thời tiết khô hạn ở Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì trong tuần này
Lúa mì là mặt hàng nông sản duy nhất tăng giá trong phiên mở cửa đầu tuần này. Giá tạo gapup mạnh và lực mua vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những giai đoạn lúa mì và ngô đang biến động trái ngược nhau. Tính đến nay, chỉ trong 4 phiên, giá lúa mì đã quay trở lại vùng chặn trên của khoảng đi ngang, đạt được vào giữa tháng 4. Như chúng tôi đã phân tích trong các bản tin trước, nếu như chiến tranh vẫn chưa kết thúc thì giá lúa mì sẽ khó có thể giảm sâu. Không những thế, lo ngại về nguồn cung ở các nước sản xuất chính gia tăng do thời tiết bất lợi cũng là yếu tố “bullish” đối với giá.
Chất lượng lúa mì tại Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 30 năm qua và với tình hình thời tiết hiện tại, tình trạng cây trồng có thể sẽ còn tiếp tục trở nên tệ hơn nữa. Trong tuần này, vùng đồng bằng phía nam của Mỹ được dự báo sẽ trải qua nắng nóng khắc nghiệt với một số khu vực, nhiệt độ sẽ tăng lên mức cao kỉ lục. Hạn hán nghiêm trọng hơn sẽ đe doạ đến năng suất cây trồng. Đây vẫn đang là giai đoạn phát triển của cây trồng, ảnh hưởng sẽ chưa phản ánh trực tiếp vào số liệu ngay nhưng lại là giai đoạn tác động “bullish” mạnh nhất. Trong bối cảnh Ấn Độ cũng bị cắt giảm triển vọng sản xuất do đợt nắng nóng vừa qua, nguồn cung lúa mì sắp tới có thể sẽ trở nên thắt chặt hơn nữa.
Đối với Ukraine, mặc dù những thông tin xoay quanh chiến tranh đã lắng xuống nhưng những ảnh hưởng của nó thì vẫn tiếp tục kéo dài. Mặc dù nỗ lực tìm cách xuất khẩu lúa mì bằng đường sắt để thay thế con đường vận chuyển truyền thống là qua cảng Odessa, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan. Khối lượng xuất khẩu bằng đường sắt vẫn bị hạn chế hơn nhiều so với đường biển do những khó khăn trong hậu cần và chi phí cũng cao hơn. Ngoài ra, các cuộc tấn công của Nga cũng đang hướng tới hệ thống đường sắt của Ukraine càng khiến cho triển vọng xuất khẩu mờ nhạt hơn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá đồng có thể giảm do những tin tức tiêu cực về hoạt động thương mại Trung Quốc
Trong sáng nay, giá đồng liên tục điều chỉnh nhịp tăng giảm quanh mức 4.22 USD/pound, tuy nhiên lực bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Sáng nay, Trung Quốc đã công bố số liệu về hoạt động thương mại. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4 đạt 3.9%, mặc dù cao hơn so với mức dự báo, nhưng lại sụt giảm mạnh so với con số 14.7% của tháng 3. Đây cũng là mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020 của đất nước này. Nhập khẩu tháng 4 không thay đổi so với mức giảm 0.1% của tháng trước. Như vậy, có thể thấy rằng tình hình dịch bệnh và các biện pháp phong toả nghiêm ngặt đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Các cảng bị phong toả, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất đình trệ, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm và hệ quả đã được phản ánh trên cán cân thương mại trong tháng qua sẽ tiếp tục gây ra sức ép lên giá đồng trong một vài phiên tới.
Bên cạnh đó, mức tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải giảm ở mức dưới 20,000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm, phản ánh triển vọng tiêu cực trong nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc. Đồng USD trong phiên hôm nay vẫn tiếp nối đà tăng, tạo thêm áp lực trong chi phí nắm giữ đồng vật chất. Đây cũng là những yếu tố khiến giá đồng có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Theo Bloomberg, Chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách và số ca nhiễm đang giảm nhẹ. Nhà sản xuất pin xe điện Amperex cho biết công suất tại nhà máy Thượng Hải đã trở lại mức trước đại dịch. Trung tâm tài chính của Trung Quốc – Thượng Hải, cũng là nơi có các nhà máy ô tô và bán dẫn hàng đầu của đất nước, cho biết rằng 70% các cơ sở sản xuất của thành phố đã hoạt động trở lại. Đây cũng có thể được xem là những dấu hiệu tích cực ban đầu đối với hoạt động kinh tế nói chung và thị trường đồng nói riêng, vốn là đầu vào quan trọng trong sản xuất. Tuy nhiên, những tín hiệu này cần có thêm thời gian để được xác nhận là không mang tính tạm thời. Nếu các kết quả chống dịch tích cực hơn trong tương lai, thị trường đồng có thể sẽ có sự phục hồi nhẹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hạnh
 
Giá dầu có thể giảm do khả năng Iran quay trở lại thị trường và nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc
Kết thúc tuần 08/05, giá dầu WTI tăng 4.85% lên 109.77 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 4.9% lên 112.39 USD/thùng.
Thị trường đang giằng co với các kỳ vọng mới về nguồn cung, đặc biệt là thông tin về đàm phán hạt nhân giữa Iran và các nước liên minh châu Âu EU. Đã trải qua nhiều vòng đàm phán mà không có kết quả, tuy nhiên hiện tại với việc EU chuẩn bị cho quá trình ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, có thể các bên sẽ tiến tới sự đột phá và mở đường cho Iran quay trở lại xuất khẩu dầu cho thị trường quốc tế, nhất là khi không còn nhiều lựa chọn thay thế để tăng sản lượng dầu. Các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ vẫn đang chật vật trong việc tăng giàn khoan, nhất là do khó khăn từ giá thành nhiên liệu như giá kim loại, chi phí nhân công gia tăng, đến thời gian vận chuyển kéo dài. Hơn thế nữa, bất chấp giá các nhiên liệu hóa thạch vẫn đang duy trì ở mức cao, ngày càng nhiều công ty năng lượng đang hướng đến đầu tư dài hạn vào các ngành năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,… Bên cạnh đó, các nước sản xuất dầu lớn thuộc OPEC+ như Angola, Nigeria thì gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng và đầu tư vào ngành dầu khí, trong khi theo các quy định hiện tại, hạn ngạch dư thừa của Nigeria và Angola sẽ không được chuyển giao cho các thành viên khác, tạo ra sự “bất ổn” trong thị trường, khi nước có khả năng tăng sản lượng thì không thể thực hiện. Kết hợp với nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu, đặc biệt tại Trung Quốc, khiến cho JP. Morgan Chase hạ dự báo tiêu thụ dầu trong năm 1 triệu thùng/ngày.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số vẫn tương đối tích cực, tuy nhiên giá đã gặp áp lực tại kháng cự vùng 109 USD/thùng. Nếu đánh mất hỗ trợ vùng 108 USD/thùng, giá có thể sẽ sẽ tiến xuống hỗ trợ vùng 106 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV