Đà giảm của giá lúa mì có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng trong phiên hôm nay do áp lực cạnh tranh từ thị trường Biển Đen
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức tăng nhẹ, khi một số nhà đầu tư chốt lời sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua. Xu hướng chính vẫn đang được duy trì đối với mặt hàng này là sụt giảm kể từ tháng 10 năm ngoái khi giá liên tục hình thành vùng đáy mới sau các nhịp hồi nhẹ. Với triển vọng nguồn cung nới lỏng hiện tại, cấu trúc giảm giá có khả năng vẫn sẽ được duy trì trong vài tuần tới.
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, dự báo nguồn cung từ Nga là một trong những yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất tới giá mặt hàng này, đặc biệt là sau khi thỏa thuận ở Biển Đen giúp nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mì ở khu vực này. Mùa vụ lúa mì mùa đông hiện đang được gieo trồng tại Nga. Nhiệt độ tuần vừa qua hầu như duy trì trên mức bình thường trên khắp cả nước và lạnh giá chỉ được ghi nhận tại một số địa phương. Tuy vậy, bất cứ thiệt hại nào có thể xảy ra đều sẽ được giảm bớt nhờ lớp tuyết phủ bề mặt giúp bảo vệ cây trồng. Bên cạnh đó, phần lớn các vùng đều nhận được lượng mưa bình thường, với Vùng Liên bang Trung tâm ghi nhận tình trạng thặng dư lượng mưa. Về mặt dữ liệu chính thức, hiện Bộ Nông nghiệp Nga đang dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của nước này ở trong khoảng 80-85 triệu tấn. Ngoài ra, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Roshydromet cũng nhận định điều kiện thời tiết mùa đông năm nay tại Nga đang phù hợp cho sự phát triển của cây trồng vào tháng 12 và trở nên thuận lợi hơn trong tháng 01.
Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết trong một báo cáo rằng Nga sẽ xuất khẩu từ 3.6 triệu đến 3.8 triệu tấn lúa mì trong tháng 1. Sovecon, một công ty tư vấn khác, dự báo xuất khẩu lúa mì tháng 1 ở mức 3.6 triệu – 4.0 triệu tấn. Con số này vẫn đang ở mức khá cao do sự suy yếu gần đây của đồng rúp so với đồng đô la. Giá lúa mì Nga trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế đã hỗ trợ xuất khẩu lúa mì trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tác động trong trung hạn sẽ bị hạn chế do thuế xuất khẩu mà Nga ấn định mỗi tuần tăng lên cùng với đồng rúp yếu hơn. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng, đà giảm của lúa mì có thể sẽ khó giảm sâu dưới hỗ trợ 730.
Lo ngại về nguồn cung thấp tại Colombia có thể khiến đà giảm của Arabica suy yếu trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/01, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì xu hướng trái chiều. Arabica giảm mạnh do tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US vẫn còn động lượng tăng. Trái lại, Robusta tăng phiên thứ 2 liên tiếp trước những lo ngại về nguồn cung suy yếu tại Việt Nam.
Biên bản cuộc họp lãi suất được FED công bố ngày hôm qua cho thấy cơ quan này đang có những động thái biểu hiện cho việc sẽ chậm lại đà tăng lãi suất trong thời gian tới. Đây được đánh giá là thông tin khá tích cực đối với giá cà phê khi chứng tỏ các điều chỉnh lãi suất trước đó đã phần nào có tác động lên lạm phát, khiến nguy cơ rơi vào suy thoái của các thị trường tiêu thụ hàng đầu là Mỹ và EU được giảm bớt, từ đó bớt gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ. Thêm vào đó, đà tăng của lãi suất được điều chỉnh chậm lại giúp đồng Dollar Mỹ khó tăng mạnh trong thời gian tới, điều này giúp giá cà phê sẽ bớt đắt hơn do chúng được niên yết trên thị trường bằng đồng Dollar Mỹ, giúp kích thích lực mua và hộ trợ giá.
Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung suy yếu tại các nước cung ứng chính vẫn còn hiện hữu. Mới đây, liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC), thông báo nguồn cung cà phê tại quốc gia xuất khẩu Arabica lớn thứ 2 thế giới giảm 12% so với năm 2021 và là mức sản lượng thấp nhất trong 09 năm qua. Sản lượng suy yếu kéo theo xuất khẩu cũng giảm từ 12.4 triệu bao trong năm 2021 xuống còn 11.4 triệu bao trong năm ngoái. Việc nguồn cung suy yếu lại do hiện tương La Nina gây nên được đánh giá có thể sẽ là nhân tố kéo giá Arabica hồi phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, yếu tố gây áp lực khiến giá mặt hàng này giảm liên tiếp trong 4 phiên vừa qua vẫn có dấu hiệu mạnh lên. Theo đó, khoảng 230,000 được cho là đang chờ để phân loại vào các kho dự trữ của ICE US trong thời gian ngắn tới. Điều này sẽ giúp lượng tồn kho đang ở mức cao sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới nhưng đây cũng sẽ là yếu tố cản trợ sự hồi phục của giá.
Nhu cầu tiêu thụ khó phục hồi ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đè nặng lên giá đồng
Giá đồng tiếp tục lao dốc trong sáng nay khi mà các nhà đầu tư tiếp tục đón nhận các tin tức tiêu cực về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến nghị những hạn chế mới đối với hành khách đi vào khối từ Trung Quốc nhưng không bổ sung thêm các quy tắc mới cho các chuyến bay.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ hoạt động của các nhà sản xuất dây và cáp đồng đạt trung bình 69.61% trong tháng 12 năm 2022, và đang được ước tính sẽ giảm xuống 62.37% vào tháng 1 năm 2023.
So với năm trước, các dự án lưới điện truyền thống hiện và cả các hoạt động kết nối lưới điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đều bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu đối với kim loại đồng không được cải thiện. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bỏ trợ cấp NEV, vốn thúc đẩy người tiêu dùng mua xe điện, tiếp tục đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng của năm 2023.
Về phía nguồn cung, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới là Chile đang phải vật lộn với vấn đề chất lượng quặng giảm sút chất lượng quặng và thiếu nước do hạn hán, còn Peru, nhà sản xuất thứ hai thế giới, liên tục phải đối mặt với tình trạng biểu tình tại các con đường vận chuyển đồng.
Giá dầu khó có thể nhận được động lực phục hồi khi các tin tức gây sức ép vẫn đang lấn át
Sau lực bán rất mạnh trong 2 phiên đầu tiên của năm 2023, giá dầu đang lấy lại động lực phục hồi mở của phiên ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng sẽ khó có thể duy trì trong bối cảnh các thông tin tiêu cực vẫn đang lấn át.
Bài toán về nhu cầu tiêu thụ kém sắc vẫn đang là tâm điểm của thị trường, với việc Trung Quốc tiếp tục vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 và số người thiệt mạng tăng vọt, gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chuyến bay từ Trung Quốc tới nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Mới đây, Liên minh châu Âu khuyến nghị các hạn chế mới đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Điều này vẫn sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu bị hạn chế và giá dầu vẫn có thể gặp áp lực.
Về nguồn cung, theo Reuters, Nga đang gửi thêm dầu thô được sản xuất ở khu vực Bắc Cực tới Trung Quốc và Ấn Độ với mức chiết khẩu cao hơn sau lệnh trừng phạt của châu Âu. Các loại dầu thô này thường không hướng về phía châu Á. Tuy nhiên, dữ liệu từ Reuters cho thấy xuất khẩu dầu thô từ Bắc Cực sang Ấn Độ đã tăng đều đặn kể từ tháng 5 với mức kỷ lục 6.67 triệu thùng trong tháng 11, và 4.1 triệu thùng trong tháng 12. Trong khi đó, nguồn cung từ nhóm nước OPEC vẫn đang khá ổn định. OPEC được dự đoán đã bơm 29 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 12, tăng 120,000 thùng/ngày so với tháng 11. Thêm vào đó, Saudi Arabia còn có khả năng hạ giá bán dầu thô sang khu vực châu Á. Việc dòng chảy của Nga hướng về phía châu Á nhiều hơn, nhóm các nước OPEC vẫn sản xuất ổn định, trong khi nhu cầu còn nhiều hạn chế sẽ là yếu tố gây sức ép tới giá dầu.
Đêm nay, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nhiều khả năng sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến giá, khi các nhà đầu tư tập trung phân tích bức tranh nhu cầu. Trong trường hợp tồn kho dầu và các sản phẩm từ dầu tăng, giá sẽ tiếp tục gặp áp lực.