Lo ngại về múa vụ lúa mì của Mỹ trong ngắn hạn có thể sẽ hỗ trợ giá hồi phục trở lại vùng kháng cự 780
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay tiếp tục đà tăng từ phiên hôm qua. Một số hoạt động chiến sự ở Biển Đen gây ra hư hại tại cảng Odessa mặc dù đã được thông báo là sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu ngũ cốc nhưng cũng gây ra lo ngại, đặc biệt là khi giá lúa mì đã giảm xuống dưới vùng trước khi xảy ra chiến tranh.
Báo cáo Crop Progress cuối cùng của năm nay đã được phát hành vào cuối tháng 11. Trong đó, tình hình mùa vụ lúa mì Mỹ đang diễn ra kém khả quan khi chỉ có 34% diện tích được đánh giá tốt – tuyệt vời, thấp hơn so với mức 44% trong cùng kì năm ngoái. Đây là đánh giá kém thứ hai kể từ năm 1987 cho thời điểm này trong năm. Chất lượng cây trồng năm nay sụt giảm mạnh phần lớn do hạn hán nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng miền trung và miền nam của Mỹ. Theo dữ liệu lịch sử, không có mối quan hệ trực tiếp giữa đánh giá chất lượng cây trồng của vụ lúa mì mùa đông và mức sản lượng cuối cùng. Ví dụ, số liệu kém nhất từng được ghi nhận cho cùng thời điểm trong niên vụ là 33% tỉ lệ từ tốt đến tuyệt vời vào tháng 11 năm 2012. Tuy nhiên, năng suất lúa mì vụ đông của Mỹ đã đạt trung bình 47.3 giạ/mẫu trong vụ thu hoạch năm 2013, tương đương với mức bình thường trong khoảng thời gian này. Mặc dù những báo cáoCrop Progress hàng tuần mang lại những đánh giá hữu ích về tình hình cây trồng ở thời điểm phát hành nhưng sẽ không quyết định quá lớn đến mức năng suất mùa vụ do thời tiết mùa xuân vẫn có thể thay đổi hoàn toàn triển vọng mùa vụ. Đây có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho giá lúa mì.
Không những thế, công ty tư vấn nông nghiệp SovEcon đã dự báo Nga có thể xuất khẩu 4.0 triệu tấn lúa mì trong tháng 12, thấp hơn mức 4.3 triệu tấn trong tháng. Tổng cộng, SovEcon dự báo Nga sẽ xuất khẩu 4.5 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 12, thấp hơn so với mức 4.85 triệu tấn của tháng trước. Thông tin này cũng góp phần tác động “bullish” tới giá.

Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, khả năng cao khiến giá Arabica giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá Arabica bật tăng mạnh, xóa bỏ hoàn toàn mức giảm trong cả tuần trước của mặt hàng này. Thị trường lo ngại Conab sẽ hạ ước tính nguồn cung cà phê của Brazil trong báo cáo mùa vụ tuần này do thời tiết xấu. Robusta ta quay lại đà tăng với mức tăng 1.01% do những lo ngại về thời tiết ảnh hưởng xấu đến vụ thu hoạch hiện tại của Việt Nam.
Trong báo cáo vào 15/12 này của Conab, cơ quan này sẽ chốt lại sản lượng cà phê cho năm 2022 của Brazil. Hiện nay đang có thông tin cho thấy, khả năng cao cơ quan này sẽ hạ ước tính sản lượng do ảnh hưởng từ thời tiết xấu. Trong báo cáo trước đó hồi tháng 09, Conab ước tính sản lượng Arabica của Brazil ở mức 30.41 triệu bao. Mức sản lượng thấp nhất trong 3 lần dự đoán trong năm của cơ quan này về sản lượng Arabica năm 2022 và cũng là năm được mùa trong chu kỳ 2 năm một lần có sản lượng thất nhất kể từ 2008.
Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung trong niên vụ tới của Brazil lại tiếp tục diễn biến tích cực. Theo Somar Meteorologia lượng mưa trong tuần trước tại Mians Gerais, đạt hơn 81 mm, tương đương với 124% mức lịch sử. Lượng mưa tốt trong giai đoạn phát triển của cây cà phê giúp thúc đẩy sự phát triển của cây trồng, đưa đến sản lượng và chất lượng tốt hơn. Đây có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá do những lo ngại Conab sẽ hạ ước tính sản lượng.

Giá đồng có thể tiếp tục xu hướng phục hồi trong khi chờ đợi dữ liệu quan trọng lạm phát Mỹ

Giá đồng đang có xu hướng phục hồi trở lại sau khi test lại kháng cự 3.79 USD/pound. Nhiều khả năng đà tăng sẽ được duy trì, trong khi thị trường đang hướng về tâm điểm báo cáo lạm phát tháng 11 của Mỹ, thông tin sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các quyết định và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Chiều nay, Đức cũng đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI với mức tăng 10% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 10.4% trong tháng trước. Con số này cũng phù hợp với ước tính từ các nhà kinh tế và cũng là lần đầu tiên hạ nhiệt trong 4 tháng qua, Điều này cũng góp phần củng cố cho niềm tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất chậm lại ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này. Tâm lý này cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin tương tự đối với Fed. Dollar Index hiện đang giảm trở lại và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Bên cạnh đó, yếu tố từ thị trường Trung Quốc vẫn đang hỗ trợ cho lực mua trên thị trường đồng. Các nhà phân tích kinh tế ở Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền mở rộng thâm hụt tài chính chính thức của nó và bán được nhiều hơn trái phiếu chung để thúc đẩy tăng trưởng và giảm gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương. Goldman Sachs ước tính Trung Quốc sẽ nâng thâm hụt tài khóa hẹp lên 3.2% GDP vào năm 2023 từ mức 2.8% trong năm nay, đồng thời cho phép chính quyền địa phương bán 4 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt mới. Điều này thể hiện sự tăng chi cho kích thích kinh tế và là động lực cho tiêu thụ kim loại cơ bản là nguyên liệu đầu vào quan trọng như đồng.
Ngoài ra, yếu tố “bullish” khác lên giá đồng là rủi ro nguồn cung từ phía mỏ đồng lớn thứ 8 trên thế giới Las Bambas. Các thành viên cộng đồng Peru đã chặn một đường cao tốc hành lang khai thác quan trọng gần thành phố Cusco trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối tổng thống mới của đất nước. Đây là mỏ đồng cung cấp chủ yếu cho Trung Quốc.

Liệu báo cáo tháng 12 của OPEC và chỉ số CPI có thể là yếu tố hỗ trợ cho thị trường dầu trong phiên hôm nay?

Giá dầu thô tiếp tục tăng trong sáng nay khi các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý bắt đáy vì những lo ngại về nguồn cung.
Bên cạnh sự cố rò rỉ dầu ở Mỹ, sản lượng dầu từ Nga cũng là một điều khiến thị trường rất quan tâm, bởi trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng, việc tìm nguồn cung dầu bù đắp cho Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhiều nhà phân tích cũng đặt ra nhiều câu hỏi với hiệu quả của chính sách áp giá trần với dầu thô của Nga. Một phần, Nga vẫn bán dầu với mức giá chiết khấu, và ngay cả khi áp giá trần, chính sách này cũng chưa chắc đã có thể thu hẹp nguồn thu từ năng lượng của Nga.
Xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống còn 215,000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến ngày 9/12. Trái lại, khối lượng dầu thô sang châu Á, cùng với những chuyến hàng trên các tàu không có điểm đến cuối cùng, thường kết thúc ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, đã tăng lên hơn 2.5 triệu thùng mỗi ngày.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)