Nhu cầu ngô trong sản xuất ethanol có thể tiếp tục được cải thiện trong báo cáo của EIA tối nay sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 15/06, giá ngô vẫn tiếp tục diễn biến giằng co tương tự như phiên hôm qua sau khi giá được đẩy lên từ vùng hỗ trợ 760. Kể từ đầu tháng 5 cho đến nay, xu hướng chính của ngô đang là giảm từ vùng đỉnh 820. Đây cũng là đợt điều chỉnh mạnh và kéo dài nhất của ngô trong suốt giai đoạn tăng giá kể từ cuối năm ngoái. Nếu xét theo tính chu kỳ, giá nông sản thường có xu hướng tạo đỉnh vào quý 2 hàng năm, khi nguồn cung ở Mỹ đã dần ổn định, thời tiết không quá bất lợi, từ đó kéo theo việc giá suy yếu dần trong những tháng tiếp theo. Liệu giá ngô năm nay có tăng lên đột biến như năm ngoái nữa hay không là điều mà nhiều nhà đầu tư đang quan tâm. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào triển vọng trong giai đoạn phát triển của mùa vụ tại Mỹ năm nay và một phần nữa là nhu cầu tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp ethanol.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới nhưng khối lượng ngô để phục vụ cho nhu cầu này tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 15 – 20% sản lượng, mức tỉ trọng khá thấp so với 2 quốc gia xuất khẩu lớn còn lại ở Nam Mỹ. Không những thế, với sự cạnh tranh đến từ Brazil, kết hợp với việc khách hàng lớn của Mỹ là Trung Quốc cũng đang hướng tới việc đa dạng nguồn cung nên xuất khẩu sẽ khó có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô CBOT trong thời gian tới.
Trong khi đó, một lượng lớn ngô còn được sử dụng trong việc sản xuất ethanol với tỉ trọng ngày càng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng thì nhu cầu ethanol trong pha trộn nhiên liệu sinh học cũng càng cao hơn. Đây sẽ có thể là yếu tố “bullish” có thể giúp giá ngô sẽ khó tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới. Sản lượng ethanol đã quay trở lại mức trên 1 triệu thùng/ngày trong 3 tuần liên tiếp và trong báo cáo của EIA tối nay, con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện và là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Giá cà phê Arabica có thể tiếp tục đà giảm sau khi phục hồi
Kết thúc ngày 14/06, giá Arabica bật tăng trở lại từ đường trendline, fill khoảng gapdown của phiên đầu tuần rồi quay đầu đóng cửa ở vùng giá 227 cents. Đây là cạnh trên của khoảng đi ngang 222 – 227 cents mà chúng tôi đã dự đoán trước đó, và nhiều khả năng giá Arabica chưa thoát khỏi vùng này trong lúc thị trường chờ đợi quyết định lãi suất của Fed vào đêm nay.
Trong phiên sáng nay, Dollar Index một lần nữa bị đẩy xuống từ vùng kháng cứ 105 – 105.5 và lãi suất kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ cũng sụt giảm mạnh từ mức 3.5%, cao nhất kể từ tháng 02/2011 đến nay. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản trong kỳ điều hành lần này, tuy nhiên trước số liệu lạm phát mới nhất, giới đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào việc con số này có thể lên đến 75 điểm cơ bản. Do đó, diễn biến giá cà phê nói riêng và hàng hóa nói chung có thể xoay quanh 2 con số này từ nay đến hết tuần.
Với kịch bản lãi suất tăng thêm 0.75%, nhu cầu với Dollar tăng lên sẽ gây sức ép lớn lên giá hầu hết các mặt hàng và có thể đẩy giá Arabica về sâu dưới vùng giá 210 – 215 cents. Trong khi đó, nếu mức lãi suất tăng thêm vẫn chỉ ở mức 0.5%, giá có thể test lại kháng cự 230 cents và đi ngang ở dưới vùng này trong lúc chờ đợi các thông tin mới.
Giá đồng có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố kỹ thuật và tin tức về nền kinh tế Trung Quốc
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá đồng đang có xu hướng bật tăng trở lại sau khi chạm vùng hỗ trợ cứng 4.13 USD/pound. Bên cạnh đó, các dữ liệu kinh tế quan trọng trong tháng 5 tại Trung Quốc, đặc biệt là mức tăng trưởng của ngành công nghiệp ở mức 0.7%, đánh bại dự đoán giảm của các chuyên gia kinh tế cũng đã hỗ trợ cho đà tăng nhẹ của giá đồng.
Tâm điểm của thị trường vẫn hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay, trong đó đa số ý kiến đang cho rằng Fed sẽ mạnh tay nâng mức lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Trong bối cảnh đó, để bảo vệ đồng nội tệ của quốc gia mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiềm chế việc nới lỏng tiền tệ và giữ lãi suất trên cơ sở cho vay trung hạn một năm ở mức 2.85% nhằm giảm thiểu khoảng cách với những hành động của Fed, ngăn cho dòng vốn chảy ra.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc vừa quyết định bán đấu giá 7.5 tỷ Nhân dân tệ (1.1 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Trung ương trong các kỳ hạn hai, ba và năm năm vào thứ Tư, đợt đầu tiên trong 4 đợt với tổng trị giá 23 tỷ Nhân dân tệ được lên kế hoạch cho năm nay tại Hồng Kông. Đây là đợt đấu giá trái phiếu lớn nhất trong vòng 6 năm qua tại đại lục này. Các đợt phát hành nợ nước ngoài bằng đồng nhân dân tệ như vậy sẽ rất hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư lớn trong nước và do đó, sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư và kích thích được mức tín dụng đang “thiếu sức sống” tại quốc gia này. Chính phủ do vậy có thể sử dụng nguồn tiền tập trung được nhằm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và nỗ lực hồi phục kinh tế vào nửa cuối năm nay.
Các tín hiệu đáng mừng này đã giúp thị trường đồng, vốn là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, có cơ sở phục hồi sau chuỗi giảm mạnh trước thềm Fed quyết định mức lãi suất mới vào đêm nay nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, nếu như Fed thực sự tăng 75 điểm cơ bản, đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 và nhiều khả năng đà tăng của giá đồng sẽ bị kìm hãm.
Đà tăng của dầu sẽ bị hạn chế trước khi thị trường biết được quyết định lãi suất của Fed
Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường ổn định trở lại sau pha giảm sâu ngày hôm qua.
Bất chấp dữ liệu của API sáng nay cho biết tồn kho dầu thô tăng nhẹ 740,000 thùng, ngược lại với dự đoán của giới phân tích, tuy nhiên giá dầu vẫn duy trì đà tăng trong suốt phiên sáng. Trong khi đó, OPEC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong nửa cuối năm nay thêm hơn 100,000 thùng/ngày, chủ yếu do sự phục hồi trong tiêu thụ dầu của Trung Quốc khi nước này mở cửa. Trong khi đó, suốt tháng 4 và tháng 5, tồn kho dầu của Mỹ và thế giới liên tục giảm mạnh dù Trung Quốc giảm tiêu thụ. Điều này cho thấy nguồn cung và dự trữ dầu khả năng cao tiếp tục thâm hụt. Báo cáo của IEA chiều nay, nếu đồng quan điểm với OPEC, sẽ tạo thêm lực mua cho thị trường.
Số liệu tích cực của Trung Quốc sáng nay cho thấy trong tháng 5, sản lượng công nghiệp tăng 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái, dầu tư tài sản cố định tăng 6.2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tích cực chỉ còn 5.9%, doanh số bán lẻ cũng chỉ giảm 6.7%, toàn bộ là các số liệu tích cực hơn so với dự báo. Mặc dù đà phục hồi không quá mạnh, nhưng cũng giúp cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng tốc trong nửa cuối năm, nhất là khi từ tháng 6 Trung Quốc phần nào giảm bớt các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, mở đường cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất khôi phục nhằm theo đuổi mục tiêu GDP.
Tuy vậy, đà tăng có thể bị hạn chế do áp lực từ các kỳ vọng trái chiều cho cuộc họp Fed ngày mai. Hiện tại theo CME Watchtool, 99.8% các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách. Nếu thành sự thật, điều này sẽ cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ đang dốc “toàn lực” để kiểm soát lạm phát, bất chấp gia tăng chi phí cho nền kinh tế, và điều này sẽ khiến giá dầu chịu áp lực. Ngược lại, nếu lãi suất chỉ tăng 50 điểm phần trăm, dầu rất có thể sẽ vượt mốc 123 USD/thùng.